Kinh tế vĩ môThời sự

Ngành dệt may năm 2018: Doanh nghiệp “nhanh chân” sẽ thắng

Năm 2018 sẽ là năm ngành dệt may có nhiều triển vọng, mức tăng trưởng của ngành có thể vẫn duy trì ở 2 con số.

Đây là nhận định của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (AGTEK).

Các chuyên gia khác trong ngành nhận định, doanh nghiệp nào “nhanh chân” mở rộng và phát triển đầu tư vào nửa cuối năm 2017 thì sẽ giành được thắng lợi nhanh chóng trong năm tới.

“Cú hích” mạnh mẽ từ APEC

Ngành dệt may bước vào năm 2017 với nhiều tác động bất lợi từ các thị trường xuất khẩu chính khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường…

Tuy nhiên, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017  tổ chức vào tháng 11 vừa qua tại Đà Nẵng đã tạo ra cơ hội tăng cường hợp tác giữa 21 nền kinh tế nội khối, trên cơ sở quán triệt các nguyên tắc hợp tác đối thoại cởi mở, đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi, định hình tương lai hợp tác sau năm 2020 vì tăng trưởng bền vững.

APEC hiện chiếm 40% dân số, gần 60% GDP và 49% giao dịch thương mại toàn cầu, chiếm 78% FDI, 75% kim ngạch thương mại. Đặc biệt, có tới 13 thành viên APEC là đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện của Việt Nam.

Chính vì vậy, thành công của APEC 2017 sẽ mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp nhiều lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp dệt may, theo nhận định cũa ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chưa bao giờ trong lịch sử, Việt Nam có thế trận hội nhập tốt như bây giờ.

APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam là cơ hội để doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp xúc với các nhà đầu tư, nhà mua lớn. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá năng lực của mình với các thành viên APEC và nâng cao khả năng phát triển khối thị trường mới.

Tuy nhiên, cũng không thể xem thường sức cạnh tranh của các đối thủ đến từ những nền kinh tế thành viên APEC vốn có trình độ phát triển khoa học – công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng nhanh.

Hơn nữa, cơ cấu kinh tế và thương mại của hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đều coi trọng việc đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài, nên Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn lớn trong việc mở rộng và bảo vệ thị phần của mình ở cả trong và ngoài nước.

Dễ thấy rằng, dệt may Việt Nam đang mạnh trong khâu cuối là cắt – may, còn đối với lĩnh vực kéo sợi, nhuộm, dệt thì chưa được đầu tư tương xứng.

Vì vậy, nếu không nhanh chóng xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, chúng ta khó mà tận dụng có cơ hội từ APEC cũng như những hiệp định thương mại tự do khác trong tương lai gần.

Mở rộng chuỗi giá trị, đón đầu tăng trưởng

Năm 2017 dù không có nhiều thuận lợi, nhưng tăng trưởng của ngành vẫn đạt mức khả quan. Hiện tại các doanh nghiệp đang chạy nước rút để hoàn tất các đơn hàng đã ký với đối cũng như các kế hoạch đã đề ra.

ảnh 1
Theo PGS. TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, thời gian gần đây, ngành dệt may đang có những chuyển hướng tích cực.

Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp đã nhanh chóng mở rộng quy mô chuỗi giá trị, đón đầu tăng trưởng và định hướng phát triển có tính bền vững trong tương lai.

Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex), một trong những nhà sản xuất sợi hàng đầu Việt Nam.

Với 15 năm kinh nghiệm, sản phẩm sợi của Fortex đạt tiêu chuẩn quốc tế và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…

Fortex hiện có 4 nhà máy sợi cotton đang hoạt động tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và Khu công nghiệp Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) với 108.700 cọc sợi, tương đương với công suất gần 17.000 tấn/năm.

Các nhà máy hiện tại đang hoạt động ở mức 90 – 100% công suất thiết kế giúp hoạt động trong điều kiện tối ưu. Nhà máy thứ 4 đang được đầu tư 35 triệu USD với công suất tương đương 8.700 tấn/ năm.

Nhận thức được cơ hội hiếm có mà APEC 2017 đang mở ra cho doanh nghiệp, cũng như những tiềm năng lớn mở ra cho dệt may trong năm 2018, Fortex đã ký kết hợp đồng mua bán thiết bị nhà máy dệt với một công ty quy mô lớn ở Trung Quốc.

Theo đó, trong giai đoạn đầu, nhà máy dệt của Fortex sẽ được đầu tư mở rộng quy mô, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh và tiến dần đến chuỗi sản xuất khép kín.

Trong giai đoạn tiếp theo, Fortex sẽ tiếp tục đầu tư mạnh theo chiều sâu mở rộng quy mô, gia tăng biên lợi nhuận thông qua hoàn thiện chuỗi.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Tổng giám đốc Fortex, các nhà máy của Fortex luôn được đặt ở vị trí thuận lợi để phát triển mở rộng, cũng là nơi có chi phí lao động thấp, chi phí đất đai và các ưu đãi thuế thuận lợi.

Điều này cho thấy triển vọng và khả năng mở rộng đón đầu của doanh nghiệp này trong ngành sợi dệt và hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín sợi-dệt-nhuộm-may.

Mặt khác, nhìn từ APEC và các FTA, việc mở rộng chuỗi giá trị để kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu như Fortex là vô cùng quan trọng.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng được nguồn nguyên liệu sản xuất từ trong nước thì chúng ta sẽ đáp ứng được khoảng 50 triệu lao động cho sản xuất nguyên liệu cũng như các thành phẩm xuất khẩu đi các nước, tức là đáp ứng được 50% dân số Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu của chúng ta tới năm 2020 dự kiến đạt được khoảng 50 tỷ USD.

Thiên Hương

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close