Thế giớiThời sự

Ngành sản xuất Mỹ có “vĩ đại trở lại” dưới thời ông Trump?

Ngành sản xuất chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Mỗi USD kiếm được từ ngành này sẽ đóng góp 1,37 USD cho nền kinh tế Mỹ. Mỗi một việc làm trong lĩnh vực sản xuất sẽ tạo ra khoảng 3 việc làm cho các lĩnh vực khác.

“Là “ngành xương sống” của nền kinh tế Mỹ nhưng các nhà sản xuất tại Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động”, Bill Gray – Chủ tịch Hãng sản xuất Uponor North America cho biết trên MinnPost.

Mexico, Trung Quốc “cướp” việc làm của người Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc có liên quan đến tình trạng sụt giảm việc làm ở Mỹ. Ông từng tuyên bố trên Twitter vào tháng 1 vừa qua: “Trung Quốc đang lấy đi số lượng lớn tiền của và sự giàu có từ Mỹ bằng thương mại hoàn toàn một chiều”. Và cách nhìn nhận này là hợp lý, bởi vì sự thâm hụt thương mại lớn thường đi đôi với sự giảm sút trong lĩnh vực sản xuất, David Dollar – chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings nhận định trên BBC.

Trên thực tế, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, đã có sự gia tăng đáng kể hàng nhập khẩu vào Mỹ – tình trạng được các nhà kinh tế gọi là “cú sốc Trung Quốc”. Từ năm 2000 đến 2007, số lượng công việc trong ngành sản xuất đã giảm mạnh, từ 16,9 triệu xuống còn 13,6 triệu. Giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 đẩy con số này xuống mức thấp hơn nữa: 11,2 triệu. Người lao động trong ngành may mặc và điện tử chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự sụt giảm này.

Rất khó để đưa ra con số chính xác nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng 40% lượng việc làm bị tổn thất này có liên quan đến hàng nhập khẩu của Trung Quốc, David Dollar cho hay.

Từ năm 2000 đến 2007, số lượng công việc trong ngành sản xuất Mỹ đã giảm mạnh, từ 16,9 triệu xuống còn 13,6 triệu và một trong những nguyên nhân được cho là sự “xâm nhập” của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Brian Snyder/Reuters

Mối quan hệ Mỹ – Mexico cũng đang ở trong giai đoạn khó khăn kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ hồi tháng Giêng. Bên cạnh việc áp dụng chính sách trục xuất người nhập cư trái phép mà trong đó bao gồm nhiều người Mexico, lên kế hoạch xây một bức tường dọc biên giới 2 nước và buộc Mexico phải trả chi phí, ông Trump còn yêu cầu đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm 3 nước là Mexico, Mỹ và Canada) vì cho rằng NAFTA “chỉ có lợi cho Mexico và khiến Mỹ bị mất việc làm”.

Trên The Huffington Post, Lynn Tilton – nhà sáng lập, CEO của Hãng đầu tư Patriarch Partners LLC gọi hành động “giành lại việc làm cho người Mỹ” của Tổng thống Donald Trump là “hướng tiếp cận đúng đắn”: “Ông Trump đã làm đúng khi tập trung vào ngành sản xuất của Mỹ. Hiện nay, quan điểm này bị coi là bảo hộ và có thể gây ra chiến tranh thương mại… Nhưng để tạo ra được các công việc sản xuất theo hướng thông minh và hiện đại, chúng ta phải khuyến khích các tập đoàn lớn nhất của Mỹ đầu tư vào chính quê hương mình. Đã đến lúc Tổng thống và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ phải gắn kết với nhau thực sự để đầu tư vào lực lượng lao động Mỹ và tạo ra GDP… Nếu thành công, chúng ta sẽ bước vào thời hoàng kim của nền sản xuất Mỹ”.

Vấn đề nội tại

Các thỏa thuận thương mại không phải là vấn đề mà Jim Allen – chủ Hãng sản xuất Voodoo Manufacturing (hoạt động trong lĩnh vực in 3D ở New York, Mỹ) đặc biệt quan tâm. “Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là nhiều người trẻ đang có cái nhìn bi quan về lĩnh vực sản xuất, cho rằng nó đang chết dần”, ông nói. Andrew Rosa – nhân viên làm việc tại Voodoo 2 năm cho hay, công việc của anh là giám sát quá trình hoạt động của 160 máy in trong nhà máy, đồng thời giúp thiết kế và tạo ra sơ đồ sản phẩm để máy in làm ra chúng. Rosa chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi sự sáng tạo cao. Nó không phải kiểu công việc chân tay đơn thuần như nhiều người nghĩ khi nói đến một công việc sản xuất”. Theo CNN, “cơ ngơi” của Voodoo ở quận Brooklyn (New York, Mỹ) trông giống một startup công nghệ hơn là một hãng sản xuất thông thường.

Trong một bài viết trên Global Risk Insights (trang chuyên phân tích sâu các rủi ro chính trị cho nhà đầu tư và doanh nghiệp), PGS. Arthur Guarino, thuộc Khoa Tài chính và Kinh tế của Đại học Rutgers, cho biết: “Muốn ngành sản xuất ở Mỹ “vĩ đại trở lại”, một trong những vấn đề lớn nhất Tổng thống Trump phải đối mặt là lĩnh vực này đang ngày càng được công nghệ hóa. Các kỹ thuật sản xuất hiện nay đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, tay nghề cao thì mới có thể lắp ráp các thiết bị điện tử một cách nhanh chóng, vận hành hiệu quả các máy in 3D và nắm bắt được khái niệm “IoT – internet vạn vật”. Các hãng sản xuất đang làm ra ngày càng nhiều sản phẩm phức tạp hơn, có liên quan mật thiết đến lĩnh vực công nghệ, mang tính đặc thù và có giá trị cao. Do đó, người lao động trong ngành sản xuất hiện đại phải có kiến thức về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và không cảm thấy xa lạ với chương trình máy tính cũng như các thiết bị công nghệ cao khác”.

PGS. Arthur Guarino nhận định, trường học phải cung cấp cho sinh viên Mỹ những kỹ năng này để đối diện với thách thức công việc trong tương lai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đào tạo lại người lao động để họ đáp ứng được yêu cầu mới của công việc sản xuất. Quá trình đào tạo và đào tạo lại này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, ngân sách mới được công bố gần đây của chính quyền Trump lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Nên có thể nói, công cuộc đòi lại sự hoàng kim cho ngành sản xuất của nước Mỹ dường như vẫn còn một “điểm nghẽn” tại đây.

“Ngành sản xuất đang thay đổi, và nó sẽ như thế nào trong 10, 15 năm nữa là điều khó đoán. Nhưng vấn đề quan trọng hiện nay là xác định vai trò của sản xuất trong nền kinh tế mới và cách thức nó sẽ đóng góp cho sự tăng trưởng dài hạn của nước Mỹ”, ông Guarino khẳng định.

BÍCH TRÂM

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close