Thế giớiThời sự

Nghèo khổ và học vấn thấp khiến người châu Á mất cơ hội nhập cư vào Mỹ?

Cứ bốn người nhập cư vào Mỹ từ Bhutan, Malaysia, Myanmar và Mongolia thì có một người sống dưới mức nghèo khổ.

Nghèo khổ và học vấn thấp khiến người châu Á mất cơ hội nhập cư vào Mỹ?

Ảnh: Express Tribune

Một khung chính sách nhập cư mới do Nhà Trắng đề xuất vào tháng trước khi đưa vào áp dụng có thể thay đổi đáng kể các cộng đồng châu Á tại Mỹ, đặc biệt nhóm những người nghèo nhất, theo cập nhật của Nikkei.

Nếu các biện pháp hạn chế nhập cư mới được đưa vào thực tế, số lượng người nhập cư được chấp nhận vào Mỹ dưới dạng tị nạn hoặc được người thân bảo lãnh sẽ giảm đi rất nhiều.

Chế độ bắt thăm visa với mục tiêu tăng tỷ lệ nhập cư từ những nước cho đến nay vốn có ít người nhập cư vào Mỹ có thể bị loại bỏ hoàn toàn.

Chiếu theo chính sách mới, nhóm nhập cư nghèo nhất sẽ bị giảm mạnh nhất về số lượng, theo Tổng thống Trump, nhóm này không được ưu tiên.

Nghiên cứu từ Pew Reseach Center cho thấy đạo luật nhập cư của Mỹ năm 1965 đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi giúp cho người châu Á có thể vào Mỹ. Từ đầu thế kỷ 21, nhóm người nhập cư gốc Á tăng trưởng nhanh nhất về số lượng, mức tăng đạt đến 72%.

Thế nhưng một khi đã sang đến đất Mỹ, cuộc sống của những người nhập cư gốc Á khác nhau rất lớn. Nhóm những người trẻ tuổi, học vấn thấp thường phải chịu tình trạng nghèo khó nhiều hơn.

Giám đốc bộ phận di trú và nhân khẩu học tại viện nghiên cứu Pew, ông Neil Ruiz, chỉ ra cái cách mà mỗi người vào nước Mỹ ảnh hưởng không hề nhỏ đến giáo dục, việc làm và khả năng tài chính của họ sau này.

“Những người Ấn Độ thường có cuộc sống khá tốt bởi họ có nhiều kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Họ vào Mỹ khi trước đó đã có nhiều kinh nghiệm việc làm và thường được trả lương cao. Có nhiều nhóm người khác vào Mỹ như người Nepal hay Miến Điện không được như vậy”, ông Neil Ruiz, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại viện nghiên cứu Pew, nhận xét.

Các số liệu thống kê đến hiện tại cho thấy cứ bốn người nhập cư vào Mỹ từ Bhutan, Malaysia, Myanmar và Mongolia thì có một người sống dưới mức nghèo khổ. Họ thường trẻ hơn so với các nhóm nhập cư khác, trình độ học vấn thấp hơn.

Những đặc điểm này vô cùng phổ biến trong nhóm những người nhập cư vào Mỹ bằng visa gia đình, visa người thân bảo lãnh, visa tị nạn các loại.

Người nhập cư từ Myanmar có thể coi như trường hợp đặc biệt. Năm 2007, họ chiếm 23% trong tổng số 700 người nhập cư được chấp nhận vào Mỹ. Và đến hiện tại, hơn 1/3 số đó sống trong cảnh nghèo khó.

Cũng chính cộng đồng này là một trong những nhóm cộng đồng trẻ nhất nhóm các nhóm nhập cư gốc châu Á và có trình độ tiếng Anh kém nhất.

Tỷ lệ tăng trưởng về số lượng người nhập cư trong nhóm nghèo nhất, tuy nhiên, lại tăng nhanh nhất. Trong khoảng 19 nhóm nhập cư có tăng trưởng số lượng lên gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2015, số lượng người nhập cư từ Bhutan, Nepal và Myanmar tăng mạnh nhất.

Tính toán của viện Cato cho thấy chính sách mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra mới đây sẽ khiến số lượng người nhập cư hợp pháp giảm gần nửa.

Còn theo số liệu của Pew Research, những người nhập cư Ấn Độ và Trung Quốc được hưởng mức thu nhập và học vấn cao hơn so với mặt bằng chung người châu Á tại Mỹ.

Cũng chính nhóm người này hưởng lợi nhiều từ chương trình visa H-1B, chế độ visa này cho phép người chủ doanh nghiệp tuyển dụng người nhập cư trong một số ngành nghề nhất định.

Người Ấn Độ và người Trung Quốc chiếm hơn 75% trong tổng số những người nhận visa H-1B trong năm 2016. Luật nhập cư mới nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng rất ít đến nhóm này.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm Ấn Độ, Trung Quốc thấp hơn 17% so với các nhóm nhập cư đến từ nhiều nước châu Á khác. Tỷ lệ sở hữu nhà cao hơn 15% và thu nhập bình quân của các hộ gia đình cao hơn 38%.

TRUNG MẾN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close