Các nghiên cứu cho thấy những người làm việc ít hơn dễ được đề bạt hoặc được khen thưởng hơn những người làm việc quá sức.
Các nghiên cứu cho thấy những người làm việc ít hơn dễ được đề bạt hoặc được khen thưởng hơn những người làm việc quá sức. Tác giả Mark Johanson nói về mặt trái của làm việc quá nhiều.
Làm việc quá sức đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản
Stuart Nomimizu – một người làm công ăn lương trong ngành tài chính ở Tokyo, đã cung cấp thông tin hoạt động trong một tuần của anh, và đăng lên mạng để gia đình và bạn bè biết được anh sống thế nào. Video này lan truyền chóng mặt trên YouTube, có đến hơn một triệu người xem. Nó mô tả một tuần làm việc điên cuồng của Nomimizu trong đợt bận rộn của ngành tài chính, với 78 giờ làm việc và 35 giờ ngủ, từ thứ Hai đến thứ Bảy (chưa kể 6 giờ làm việc ngày Chủ nhật không được nói tới trong video).
Nomimizu làm việc 80 giờ mỗi tuần trong vài tuần, đến mức một tối anh đã ngất trong căn hộ của mình, suýt nữa va vào giá đỡ ti vi. Khi giai đoạn bận rộn qua đi, cả văn phòng mệt rã rời.
Trong khi Nomimizu chỉ tạm thời phải làm việc quá tải trong quãng thời gian bận rộn của ngành, anh nói: “Có những người làm ở các công ty khác ở Tokyo phải làm việc quá tải như vậy liên tục trong suốt cả năm”. Đúng vậy, làm việc vất vả ròng rã đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản, thậm chí trong ngôn ngữ Nhật còn xuất hiện danh từ “karoshi” có nghĩa là “chết vì cật lực”.
Bộ Y tế, Lao động và Xã hội Nhật Bản có báo cáo đầu tiên về karoshi vào tháng 10 năm ngoái, và cho biết có gần 23% công ty có nhân viên làm việc thêm giờ hơn 80 tiếng mỗi tháng.
Nomimizu chia sẻ: “Người Nhật có ý thức tôn trọng cao đối với đồng nghiệp, nhưng cũng lại không dám nói ra suy nghĩ của mình. Do vậy có nhiều người ở cấp bậc thấp phải ở lại văn phòng cho đến khi giám đốc ra về lúc muộn, điều đó thật vô lý”. Anh bạn 26 tuổi này giải thích là nếu ai là người ra về đầu tiên, người đó khó được coi là thành viên của đội ngũ.
Người Nhật làm việc nhiều có còn đạt năng suất cao hơn các đối tác của họ trên thế giới hay không? Nomimizu nói rằng không. Đúng vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy làm việc quá sức không những có hại cho sức khỏe mà còn gây bất lợi cho nghiệp vụ và làm năng suất tổng thể của công ty kém đi.
Ít hơn đôi khi lại tốt hơn
Một quốc gia khác cũng nổi tiếng về việc nhân viên phải làm việc nhiều và ít có thời gian nghỉ, đó chính là Mỹ. Cuộc điều tra của Gallup mới đây cho thấy trung bình một nhân viên chính thức ở Mỹ làm việc 47 giờ một tuần, nhiều hơn gần một ngày so với thời gian biểu tiêu chuẩn từ 5-9 giờ mỗi ngày. Hơn nữa, gần 18% số nhân viên phải làm việc nhiều hơn 60 giờ mỗi tuần.
Mặc dù hi sinh thời gian nghỉ ngơi với gia đình và bạn bè để làm việc ở cơ quan, một báo cáo riêng khác của dự án Time Off ở Mỹ cũng phát hiện thấy những người phải làm việc cật lực ở văn phòng lại khó có được tiền thưởng hơn so với người đồng lứa trong 3 năm qua.
“Thực tế chúng tôi thấy những người có số ngày nghỉ nhiều hơn 11 ngày dễ được đề bạt hoặc được thưởng hơn những người nghỉ ít hơn 10 ngày” – Katie Denis, trưởng dự án Time Off chia sẻ.
Giảm hiệu quả
Laura Vanderkam, chuyên gia quản lý thời gian và là tác giả cuốn “168 giờ”, ghi nhận rằng “giống như mọi thứ khác, não bộ chúng ta không thể làm việc vô hạn”. Thực tế, đi quá giới hạn là có hại. “Nếu ta vượt quá điểm làm ‘giảm hiệu quả’ thì ta sẽ bị nhầm lẫn. Ta cũng không thể đưa ra những ý kiến hay nhất và đủ sức lực để giải quyết những khó khăn”.
Vanderkam cũng nghĩ rằng nhiều người không dám chủ ý sắp xếp thời gian nghỉ vào lịch biểu hàng ngày vì sợ bị coi không phải là người tích cực. Do vậy chúng ta làm giảm năng suất của chính mình khi tự nói ‘Mình sẽ làm việc suốt ngày, ăn trưa ở bàn làm việc, và lúc 2 giờ 30 lại lao vào các việc rối rắm trên Internet.
Trong cái rủi vẫn có cái may
Trong khi đánh đổi việc nghỉ ngơi để lấy việc làm thêm giờ không lương là không tốt cho nhân viên, thì nó cũng tệ hại với các chủ lao động. Một nghiên cứu của trường đại học Stanford cho thấy sản phẩm đầu ra của người nhân viên giảm nhiều nếu làm việc quá 50 giờ một tuần, sẽ tụt lao dốc nếu quá 56 giờ một tuần và nếu ai làm việc quá 70 giờ thì sau đó họ không làm được gì thêm nữa. Những nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra mối quan hệ giữa số giờ làm việc với sự lơ đãng, mất trí nhớ và giảm khả năng đưa ra quyết định.
Vậy các công ty đang làm gì để chống lại hiện tượng làm việc kiệt quệ khó tránh khỏi này? Những tập đoàn chính của Nhật đã đi đầu trong vấn đề này. Toyota hiện hạn chế làm việc ngoài giờ ở mức 360 giờ một năm (hoặc trung bình 30 giờ một tháng), trong khi cơ quan quảng cáo Dentsu vừa đưa ra kế hoạch 8 điểm (kể cả việc khuyến khích nghỉ phép thông thường và tắt đèn ở văn phòng trước 22 giờ) để cải thiện môi trường làm việc sau vụ tự tử tai tiếng của một nhân viên.
Trong khi ở Đức, những công ty lớn như BMW và Volkswagen đã hạn chế số email ngoài giờ để chống lại văn hoá đang phát triển của sự kết nối thái quá. Ở Mỹ, những ngân hàng đầu tư hàng đầu như Credit Suisse và JPMorgan Chase đã phát hành những hướng dẫn mới để ngăn những nhà phân tích, đặc biệt những người ở cấp thấp tới văn phòng vào ngày cuối tuần.
Trí thức trẻ