Kinh doanh quốc tếThế giới

Người Mỹ “nhặt tiền” trong các lỗ golf ra sao?

Năm 2006 đánh dấu sự chấm dứt của giai đoạn 20 năm ngành golf phát triển bùng nổ tại Mỹ, và với những nhà đầu tư golf sau năm này, sinh lời từ golf là chuyện khó nhằn.

 

Người Mỹ “nhặt tiền” trong các lỗ golf ra sao?

Ông Chip Smith tại sân golf TPC Myrtle Beach. Ảnh: NYT.

Chip Smith không hề có dự định bước chân vào ngành kinh doanh sân golf. Ông làm việc trong một công ty quảng cáo ở Nam Carolina, Mỹ vào những năm 90 rồi kiếm được một công việc hấp dẫn hơn trong ngành dược và điều hành một doanh nghiệp dược vào năm 2000.

Ông có một căn nhà ngay sát sân golf Tournament Players Club tại Myrtle Beach. Ngay khi bán doanh nghiệp dược, ông quyết định sẽ mua sân golf sau nhà.

Golf, thú vui xa xỉ nhưng đầu tư không dễ

“Đơn vị chủ quản sân golf đang muốn bán một vài bất động sản, trong đó có sân golf. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời. Tôi dành một phần tiền từ doanh nghiệp mới bán để mua sân golf TPC Myrtle Beach”, ông Smith cho hay. Ông đã bỏ 7,5 triệu USD mua sân golf trên năm 2006.

“Sân sau nhà tôi mở rộng từ 2.000 m2 lên 150 ha”, ông Smith ví von.

Sở hữu một sân golf là thú vui xa xỉ và nhiều bạn bè cũng như người thân của ông Chip Smith đã cảnh báo ông.

Các số liệu thống kê về ngành kinh doanh golf có vẻ đứng về phía những người bi quan trên. Năm 2016, số lượng sân golf đóng cửa đã vượt số sân mới mở. Lượng sân golf vận hành tại nước Mỹ giảm 171 sân, còn 14.117 sân golf, theo số liệu từ Hiệp hội Golf quốc gia Mỹ (NGF).

Nếu tính tại thời điểm đỉnh cao năm 2006, năm số sân golf Mỹ đạt 16.000 sân, con số của năm 2016 đã sụt giảm 5,9%. Năm 2006 có thể coi là cái kết của thời kỳ ngành golf bùng nổ, kéo dài 20 năm.

Tuy nhiên giới thượng lưu vẫn thấy việc sở hữu một sân golf là điều rất hấp dẫn. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện sở hữu 18 sân golf tại Mỹ và nước ngoài.

Nguoi My 'nhat tien' trong cac lo golf ra sao? hinh anh 2

Sẽ không mấy bất ngờ khi những CLB golf, vốn có mức phí thành viên hàng năm lên tới hàng triệu USD, không phải là một khoản đầu tư sinh lời cao. Nhưng tương tự như những người mê rượu vang luôn muốn sở hữu một vườn nho, sở hữu một sân golf với giới thượng lưu là một phần của đam mê.

Trường hợp của sân golf Alotian, xếp hạng thứ 27 nước Mỹ là một ví dụ. CLB này chỉ có 200 thành viên và không kinh doanh gì khác ngoài golf. Trong khi đó để mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng, chủ sân Alitian đã phải đầu tư khoảng 18 triệu USD.

Không chỉ khó khăn về việc tìm kiếm thành viên trong môi trường cạnh tranh gay gắt, việc mua được đủ đất để làm sân golf tại những thị trường tiềm năng và biến sân golf đó thành một khoản đầu tư sinh lời cũng là vấn đề làm đau đầu những nhà đầu tư mê golf.

Mua lại một sân golf đã hoàn thiện có vẻ như là cách làm hợp lý hơn. Ông Chip Smith cho hay ông đã đầu tư cải thiện nhiều hạng mục của sân golf TPC Myrtle Beach để trở thành nơi thật sự nổi bật so với hơn 100 sân golf đối thủ trong khu vực.

Năm 2014, ông bán lại sân golf cho một nhóm những nhà đầu tư Trung Quốc và theo ông thì thương vụ đã sinh lời, nhưng không cung cấp con số cụ thể.

Giới đầu tư Mỹ làm gì với sân golf? 

Tuy nhiên năm 2015, khi Smith cùng một đối tác tiếp tục mua một sân golf ở Florida, ông mới nhận ra phải tốn bao nhiêu tiền để biến một sân golf thua lỗ quay đầu sinh lời.

“Chúng tôi đã đánh giá cơ sở vật chất của sân golf và phải công nhận, đây là một trong những sân tệ nhất mà tôi biết. Sân vẫn chơi được và vẫn có thể mở cửa, nhưng cơ sở vật chất đã xuống cấp thảm hại. Hai chúng tôi đã tính ngân sách cải tạo rất hào phóng, vậy mà cuối cùng vẫn vượt ngân sách”, Smith chia sẻ.

Chip Smith và đối tác phải đóng cửa sân golf một năm để phục vụ sửa chữa, tân trang. Sân golf đã mở lại vào năm 2016 và bắt đầu thu hút thành viên mới.

Tuy nhiên để hoàn vốn đầu tư, hai ông chủ sân golf này cho hay sẽ mất khá nhiều thời gian. Phí gia nhập CLB là 7.500 USD và phí thường niên là 6.750 USD, quá nhỏ bé so với một vài sân golf khác trong khu vực với mức phí thường niên thường là 50.000 USD và phí gia nhập lên tới 100.000 USD.

Chỉ kinh doanh golf quả là thử thách và sân golf của Chip Smith phải dựa hoàn toàn vào việc dòng khách đến chơi một cách ổn định.

Jay Cashman, chủ một công ty xây dựng đã chi khoảng 20 triệu euro (khoảng 23,7 triệu USD) để tân trang một tòa lâu đài tại Dublin (Ireland) xây từ thế kỷ 12 và sân golf bao quanh nó. Phí thường niên của sân golf Cashman làm chủ lên tới 4 triệu euro.

Cashman cho hay ông không kỳ vọng sẽ thu lời từ sân golf.

“Sân golf không làm ra tiền, nhưng nó giúp chúng tôi kéo khách tới thuê phòng trong lâu đài”, ông nói. “Sân golf ngày nay cũng giống như casino ngày trước khi người ta miễn phí phòng ở, chi phí giải trí cho khách chơi bạc. Sân golf là ngành kinh doanh lỗ, nhưng chúng tôi kiếm được tiền từ những phần khác nhờ sân golf”.

Nguoi My 'nhat tien' trong cac lo golf ra sao? hinh anh 3

Một sân golf chỉ thuần kinh doanh golf sẽ rất khó sinh lợi nhuận. Ảnh: NYT.

Còn với ông Paul Schock, một tay golf bán chuyên và là nhà đầu tư khá thành công, ông không có lâu đài đi kèm để sinh lời.

Sau một vài thương vụ thành công, Schock kiếm được “một núi tiền” và quyết định xây một sân golf 18 lỗ rộng 1.000 ha với chi phí đầu tư ban đầu 25 triệu USD, từ vốn tự có, vốn từ bạn bè và từ quỹ tín dụng nơi ông làm việc.

Năm 2010, do ảnh hưởng dai dẳng của suy thoái kinh tế, dù đông khách nhưng sân sau 2,5 năm mở cửa, sân golf của Schock lỗ 5 triệu USD.

“Nhà đầu tư, bạn bè liên tục hỏi và cả chính bản thân tôi tự hỏi, liệu khoản đầu tư này có đi tới đâu không? Nhưng tôi tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng”.

Tới năm 2016, sân golf của Schock đã sinh lời và tạo động lực phát triển kinh tế cho cả khu vực lân cận khi khách từ khắp nước Mỹ tới đây chơi golf. Với một tay golf bán chuyên như Schock, sở hữu một sân golf và sinh lời từ nó quả là giấc mơ trở thành hiện thực.

Theo Zing News

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close