Tài chính - Ngân hàngThị trường

Nguy cơ vốn chảy vào các kênh rủi ro

Ngành ngân hàng tiếp tục thừa thanh khoản trong khi hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn, các kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời thấp, thì e ngại nguồn vốn dôi dư có thể tìm đến những hoạt động có rủi ro cao hơn là có cơ sở. 

Lãi suất cho vay qua đêm thị trường liên ngân hàng cập nhật đến ngày 5/10 tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục 0,55%, trong khi các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng cũng nằm ở các mức thấp là 1,81% và 2,04%. Như vậy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã liên tục ở mức thấp từ tháng 5 đến nay, phản ánh tình trạng thừa thanh khoản của toàn hệ thống.

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đến 20/9 là 10,46%, thấp hơn mức tăng trưởng huy động vốn (12,02%). Tình trạng tăng trưởng tín dụng luôn thấp hơn tăng trưởng huy động vốn đã được duy trì trong suốt 9 tháng qua, dẫn đến mức độ thừa thanh khoản của toàn hệ thống ngày càng tăng.

Trong khi đó, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán là 11,76%, tiếp tục thấp hơn tăng trưởng huy động vốn, cho thấy tiền đưa vào lưu thông trong nền kinh tế để kích thích sản xuất kinh doanh gần như đã chảy vào hết ngân hàng.

Ở một diễn biến khác, Thống đốc NHNN hôm 4/10 đã công bố mua được 11 tỷ USD trong 9 tháng qua, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn 40 tỷ USD. Như vậy, đã có khoảng hơn 24 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế trong thời gian trên, càng giúp huy động vốn của các ngân hàng tăng trưởng tích cực và tăng mức độ thừa thanh khoản trong hệ thống. Điều này khiến một số ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất huy động trong thời gian gần đây.

Tăng trưởng tín dụng khó khăn

Trong bối cảnh ngành ngân hàng huy động vốn tốt và thừa thanh khoản, thì ở chiều ngược lại hoạt động cho vay của ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Phần vì các doanh nghiệp chất lượng tốt đáp ứng đủ điều kiện cho vay đã ít, mà các doanh nghiệp tốt có nhu cầu vay vốn lại càng ít hơn.

Trong tình hình sức tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu, các doanh nghiệp cũng không quá mặn mà với việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng qua nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,7%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 9,2% cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, với sự thâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài sau khi nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, sự cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng cao trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa chuẩn bị sẵn sàng, nhiều doanh nghiệp đang tạm thời đứng yên quan sát thay vì mở rộng đầu tư, do đó nhu cầu vay vốn không cao.

Nguy cơ vốn tín dụng đổ vào các lĩnh vực có rủi ro cao

Khi nguồn vốn dư thừa, hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn, các kênh đầu tư khác có lợi suất không hấp dẫn, thì nguồn vốn này có nguy cơ tìm đến các hoạt động rủi ro hơn ở các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản hoặc các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với thời gian hoàn vốn lâu.

Thống kê cho thấy tổng số dư cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT đến 30/6 là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành. Ngoài ra, theo NHNN, tín dụng bất động sản hết quý 2 đã đạt trên 400.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng cao hơn so với mức tăng trung bình của ngành.

Trước những lo ngại này, NHNN thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản nhắc nhở chấn chỉnh hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, như chỉ thị 04 về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, theo đó tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông theo chỉ đạo của NHNN.

Tiếp đó, vào cuối tháng 8, NHNN tiếp tục ban hành văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng kiểm soát hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn đối với khách hàng có dư nợ lớn.

Quá khứ cho thấy, việc đổ vốn vào các dự án bất động sản quá lớn sẽ hình thành bong bóng bất động sản như giai đoạn 2005 – 2007. Tín dụng thời gian này tăng trưởng rất cao, từ 20 – 30%, đột biến có năm lên đến hơn 50% (như vào năm 2007). Hệ quả sau đó là bong bóng bất động sản bị vỡ, khủng hoảng kinh tế kéo dài và nợ xấu của ngành ngân hàng dâng cao và đến nay vẫn chưa thể xử lý hết.

Đối với dư nợ cho vay các dự án cơ sở hạ tầng, thời gian cho vay thường rất lâu, dẫn đến ngân hàng có thể gặp rủi ro thanh khoản, khi nguồn vốn của ngân hàng hiện nay chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, trong khi nguồn vốn cho các dự án BOT có đến 85% là vốn vay từ ngân hàng.

Ngoài ra, với dự án đầu tư phức tạp và có thời gian hoàn vốn lâu, nguồn vốn cho vay lớn trong khi năng lực thẩm định của cán bộ ngân hàng còn nhiều hạn chế, do đó dễ gặp rủi ro cho vay phải các dự án không khả thi, dẫn đến ngân hàng khó thu hồi vốn.

LÊ PHAN/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close