Thế giớiThời sự

Nhà tù – “thiên đường” của người già Nhật Bản

Không có nhà hoặc lạc lõng trong sự giàu có, những cụ bà Nhật Bản đang cố tình lấy cắp vặt để được ở tù..

Những vụ khiếu nại và bắt giam liên quan đến người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ, đang gia tăng vượt trội so với các nhóm tuổi khác. Trung bình cứ 5 phụ nữ Nhật phạm tội thì có 1 cụ bà. Những tội danh do họ vi phạm thường không nghiêm trọng. 9 trên 10 cụ bà bị bắt giam vì lấy cắp vật dụng trong cửa hàng.Mỗi xã hội đều có những vấn đề khác nhau cần giải quyết. Theo Bloomberg, Nhật Bản, quốc gia có 27,3% công dân trên 65 tuổi, đang phải “đau đầu” xử lý một vấn đề chưa từng xảy ra trong lịch sử: tội phạm cao tuổi.

Vì sao những phụ nữ sống cả đời tuân thủ pháp luật lại lấy cắp vặt khi về già?

Câu chuyện chăm sóc người cao tuổi đã luôn là thách thức không chỉ cho từng gia đình, mà với cả xã hội Nhật Bản. Từ năm 1980 đến 2015, số lượng các cụ bà sống một mình gia tăng lên gần 6 triệu người.

Một khảo sát năm 2017 của chính quyền Tokyo đã phát hiện ra có hơn 50% bà cụ phạm tội lấy cắp vặt đang sống một mình. Trong số đó, 40% bà cụ thậm chí không có gia đình hoặc họ hàng gần gũi. Đây là những người không biết tìm đến ai khi họ cần sự giúp đỡ trong cuộc sống.

Song, ngay cả với những phụ nữ có một nơi để về thì họ dường như vẫn sống vô hình trong cộng đồng.

“Các cụ bà có thể có một ngôi nhà. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc có được cảm giác gần gũi với gia đình mình” – Yumi Muranaka – người đứng đầu nhà tù Iwakuni Women, cách Hiroshima 48km, chia sẻ – “Gia đình không hiểu được họ. Họ cảm thấy bản thân chỉ tồn tại như một người dọn dẹp cho nhà cửa gọn gàng mà thôi”.

Phụ nữ cao tuổi vẫn được xem là nhóm người yếu thế về điều kiện kinh tế trong xã hội. Gần một nửa số phụ nữ trên 65 tuổi sống một mình trong cảnh nghèo khó. Con số này chỉ chiếm 29% so với nam giới.

“Chồng tôi qua đời năm trước. Chúng tôi không có con, vì vậy tôi sống một mình từ khi đó. Tôi đã từng đến siêu thị để mua rau quả, và tôi nhìn thấy một túi thịt bò. Tôi rất muốn mua nhưng không đủ tiền. Vậy là tôi lấy cắp chúng”, một phạm nhân chia sẻ.

Cả chính quyền lẫn các doanh nghiệp tư nhân tại Nhật đều đã thành lập các chương trình tái định cư dành cho người cao tuổi, trong bối cảnh chi phí để giữ các phạm nhân đặc biệt này trong tù cũng tăng cao nhanh chóng.

Sinh hoạt phí cùng với chi phí chăm sóc người cao tuổi đã đẩy tổng chi phí y tế thường niên tại các trung tâm cải tạo vượt mốc 50 triệu USD trong năm 2015, tăng 80% so với một thập niên trước. Các nhân viên công tác xã hội được thuê để giúp các phạm nhân cao tuổi tắm rửa và đi vệ sinh vào ban ngày. Đêm đến, công việc này do nhân viên trung tâm thực hiện.

Ở một vài trung tâm cải tạo, nhân viên quản lý cũng kiêm luôn vai trò điều dưỡng. Satomi Kezuka, một nhân viên kỳ cựu tại nhà tù Tochigi Women, cách Tokyo 96 km về phía Bắc, cho biết hiện tại, trách nhiệm của cô bao gồm xử lý những vấn đề liên quan đến sự khó khăn trong sinh hoạt của phạm nhân.

“Họ cảm thấy rất xấu hổ và thường giấu đồ lót của mình. Tôi đã phải nói với họ rằng đưa đồ lót cho tôi để tôi giặt chúng sạch sẽ”, Satomi Kezuka kể lại.

Hơn một phần ba số nhân viên trại giam nghỉ việc sau 3 năm làm việc.

Năm 2016, nghị viện Nhật thông qua một đạo luật đảm bảo các phạm nhân cao tuổi tái phạm sẽ nhận được sự hỗ trợ từ giới nhà giàu cũng như hệ thống dịch vụ cộng đồng. Từ sau đạo luật này, văn phòng công tố và trung tâm cải tạo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ hỗ trợ bất cứ khi nào phạm nhân cao tuổi cần đến.

Tuy nhiên, những câu chuyện cụ thể dưới đây cho thấy, chính sách bảo trợ xã hội khó có thể giải quyết được tận gốc nguyên nhân khiến phụ nữ Nhật thích ở tù hơn ở nhà.

Phụ nữ nhật Bản thích ở tù hơn ở nhà

Ảnh: Shiho Fukada | Bloomberg

Ms. F, 89 tuổi

Lấy cắp gạo, dâu và thuốc cảm.

Bị kết án một năm rưỡi tù giam. Có một con gái và một đứa cháu.

“Tôi đã từng sống cô đơn trong sự giàu có. Tôi từng sống cùng gia đình của con gái và sử dụng tiền tiết kiệm của mình để chăm sóc cho đứa con rể bạo lực của mình”.

Phụ nữ nhật Bản thích ở tù hơn ở nhà

Ảnh: Shiho Fukada | Bloomberg

Ms. A, 67 tuổi

Lấy cắp quần áo.

Bị kết án hai năm, ba tháng tù giam. Có một người chồng, hai con trai và ba đứa cháu.

“Tôi đã lấy cắp hơn 20 lần, tất cả đều là quần áo thông thường, hầu hết là đồ bày bán trên đường phố. Tôi làm vậy không phải vì thiếu tiền.

Lần đầu tiên lấy cắp, tôi đã không bị ai bắt gặp nên tôi đã nghĩ mình có thể lấy được thứ mình muốn mà không phải trả tiền. Điều này thật vui và hào hứng.

Chồng tôi vẫn rất ủng hộ tôi khi viết thư cho tôi thường xuyên. Hai đứa con trai thì giận tôi và ba đứa cháu thì không hề biết tôi đang ở đây. Chúng nghĩ tôi đã ở bệnh viện”.

Phụ nữ nhật Bản thích ở tù hơn ở nhà

Ảnh: Shiho Fukada | Bloomberg

Ms. T, 80 tuổi

Lấy cắp trứng cá tuyết, hạt giống, và chảo rán.

Bị kết án hai năm rưỡi tù giam. Có một chồng, một con trai và một con gái

“Khi tôi còn trẻ, tôi không khi nào nghĩ mình sẽ đi lấy cắp. Tất cả những gì tôi quan tâm là làm việc thật chăm chỉ. Tôi làm việc tại một nhà máy cao su trong 20 năm và sau đó làm điều dưỡng tại một bệnh viện. Tài chính lúc nào cũng eo hẹp nhưng vợ chồng tôi vẫn đủ sức lo cho con trai học đại học.

Chồng tôi bị đột quỵ 6 năm trước và bị liệt giường từ đó. Ông ấy về sau còn bị mất trí nhớ, ảo tưởng và hoang tưởng. Chăm sóc cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho ông ấy là điều quá sức đối với tôi ở độ tuổi này. Nhưng tôi không thể chia sẻ mình bị stress với ai vì tôi cảm thấy xấu hổ với điều đó.

Tôi vào tù lần đầu tiên năm 70 tuổi. Khi lấy cắp, tôi có tiền trong ví. Lúc đó nghĩ về cuộc đời mình, tôi không muốn trở về nhà nữa, nhưng cũng không còn nơi nào khác để đi. Vì vậy, tìm kiếm sự giúp đỡ ở nhà tù là lối thoát duy nhất với tôi.

Cuộc đời tôi trở nên dễ dàng hơn khi ở tù. Tôi có thể là chính mình và thở được, tuy rằng chỉ là tạm bợ. Con trai bảo rằng tôi bị bệnh và phải đến viện tâm thần để điều trị. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ sự lo lắng đã thúc đẩy tôi lấy cắp”.

Phụ nữ nhật Bản thích ở tù hơn ở nhà

Ảnh: Shiho Fukada | Bloomberg

Ms. N, 80 tuổi

Lấy cắp bìa đựng hồ sơ, bánh cuốn và quạt cầm tay.

Bị kết án ba năm, hai tháng tù giam. Có một chồng, hai con trai và sáu người cháu.

“Tôi đã rất cô đơn mỗi ngày. Chồng cho tôi rất nhiều tiền, và ai cũng nói tôi may mắn làm sao, nhưng tiền không phải là điều tôi muốn. Chúng không làm tôi hạnh phúc gì cả.

Lần đầu tiên tôi lấy cắp là 13 năm trước. Tôi đang đi dạo trong một hiệu sách của khu phố và lấy cắp một bìa đựng hồ sơ. Tôi đã bị bắt gặp và đưa đến sở cảnh sát. Vị cảnh sát đã rất lịch sự. Cậu ấy rất tốt bụng, lắng nghe mọi điều tôi nói. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận mình đang được lắng nghe chân thành. Đến cuối buổi, cậu ấy vỗ nhẹ lên vai tôi và nói “Tôi hiểu bà rất cô đơn, nhưng đừng làm như vậy nữa”.

Tôi không thể tả được niềm vui của mình khi được làm việc trong nhà máy của trại giam. Hôm kia, tôi được quản lý khen làm việc rất tỉ mỉ và hiệu quả. Tôi đã vô cùng vui sướng. Tôi cảm thấy tiếc nuối vì mình chưa từng làm việc thực sự trước đây. Cuộc đời tôi có thể đã rất khác.

Tôi tận hưởng mỗi ngày được ở tù. Lúc nào cũng có người bên cạnh và tôi không cảm thấy cô đơn nữa. Khi tôi vào tù lần hai, tôi đã hứa với lòng rằng tôi sẽ không trở lại nữa. Nhưng khi ra khỏi nhà giam, tôi không thể ngăn mình nhớ nhung nơi này”.

Phụ nữ nhật Bản thích ở tù hơn ở nhà

Ảnh: Shiho Fukada | Bloomberg

Ms. K, 74 tuổi

Lấy cắp Coca Cola, nước ép cam.

Không tiết lộ thời gian bị kết án. Có một con trai và một con gái.

“Tôi đã từng sống trong giàu có. Khi được trả tự do, tôi sẽ thu xếp để sống với 9$ mỗi ngày. Tôi không có gì để mong đợi ở cuộc sống ngoài kia”.

Phụ nữ Nhật thích ở tù hơn ở nhà

Ảnh: Shiho Fukada | Bloomberg

Ms. O, 78 tuổi

Lấy cắp nước tăng lực, cà phê, trà, một bao gạo, một trái xoài.

Bị kết án một năm, năm tháng tù giam. Có một con gái và một cháu trai.

“Nhà tù là một hòn đảo đối với tôi. Một nơi để thư giãn thoải mái. Tôi không được tự do ở đây, nhưng tôi không phải lo lắng điều gì cả. Có rất nhiều người để trò chuyện cùng. Họ còn cung cấp ba bữa ăn dinh dưỡng mỗi ngày cho tôi nữa. Con gái đến thăm tôi mỗi tháng một lần. Nó nói “Con thấy thương cho mẹ. Mẹ thật đáng thương”. Tôi nghĩ nó nói đúng”.

(Nguồn: Bloomberg)

LÂM NGHI

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close