Câu chuyệnKinh doanh
Những ảo tưởng về việc làm giàu và bản chất thực sự của nó
Cốt lõi của việc làm giàu không phải nằm ở việc có nhiều tiền mà nằm ở việc nắm nhiều tài sản có giá trị cao.
Bạn quan niệm như thế nào về việc làm giàu? Bài viết này sẽ vạch ra những quan niệm sai lầm phổ biến và cốt lõi trong việc làm giàu.
Bạn nghĩ rằng muốn làm giàu thì phải sống theo phương châm “lao động là vinh quang” hoặc “nếu cứ làm thuê cho người khác thì không giàu được”. Hay đơn giản đối với bạn cứ kiếm được nhiều tiền là sẽ giàu?
Trước khi đi vào vấn đề, chúng ta nên hiểu thế nào là giàu. Một người có 20 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng ở Việt Nam có thể được xếp vào tầng lớp giàu nhưng qua bên Mỹ, người đó có lẽ chỉ nhỉnh hơn tầng lớp trung lưu một chút. Do đó một định nghĩa đơn giản về việc giàu là bạn có thu nhập trong top 10% ở thành phố bạn đang sống.
Làm việc thu nhập cao là sẽ giàu?
Quan niệm này sai lầm ở chỗ đúng là thu nhập cao, hoặc là có nhiều tiền, là một điều kiện vô cùng cần thiết để trở nên giàu tuy nhiên có nhiều tiền không thôi thì sẽ không giúp bạn giàu được.
Thứ nhất là vì tiền luôn mất giá, hầu như chưa có một đồng tiền ở một quốc gia nào mà giá trị tăng theo thời gian. Ở Việt Nam, vào năm 2006 một tô phở ngon ở một quán ăn đàng hoàng chỉ có giá 8 ngàn, đến năm 2016 giá đó là 40 ngàn, tức tiền đã mất giá đến 500%. Sự mất giá đó là do lạm phát và tin buồn nữa là lạm phát luôn đi nhanh hơn lương ở bất kì nền kinh tế nào, dù đó là ở Mỹ hay Canada hay Anh Quốc.
Vấn đề thứ hai của việc làm giàu theo thu nhập đó là bạn sẽ không có nguồn thu nếu bạn không làm việc. Nghe thật đơn giản đến mức hầu như ít người để ý đến việc này. Giả sử bạn, một kỹ sư phần mềm lâu năm đang có thu nhập 40 triệu/tháng, bị bệnh nặng đột ngột và phải nghỉ làm một thời gian dài, khoảng 6 tháng. Trong thời gian nửa năm đó bạn buộc phải dựa vào tiền tiết kiệm hoặc hỗ trợ từ người thân để sống. Ngoài ra chi phí bệnh viện cũng có thể là một khoản lớn. Hoặc hãy xem trường hợp những người trong ngành dầu khí từng thu nhập chục triệu đồng mỗi tháng, hiện giờ đang gặp lao đao khi giá dầu xuống dốc không phanh từ giữa năm 2014 đến hết năm 2016.
Làm thuê cho người khác thì mãi không giàu được?
Có lẽ câu nói này đã tạo động lực cho rất nhiều người trẻ khởi nghiệp hoặc quyết tâm buôn bán kinh doanh riêng. Câu nói này được truyền đạt nhiều qua các buổi nói chuyện truyền cảm hứng và các ví dụ điển hình về việc tự thân làm giàu thể hiện qua các bài báo như: “9x thu nhập khủng từ chuỗi cửa hàng XYZ”, “Chàng sinh viên chưa tốt nghiệp đại học đã thu nhập khủng từ startup”…
Nhưng hãy xét trường hợp của Sheryl Sandberg. Người phụ nữ tài năng này hiện đang là tỷ phú của nước Mỹ với tổng giá trị tài khoản là 1.38 tỷ USD và vào năm 2012 bà được vào danh sách 100 người ảnh hưởng trên thế giới của tờ Time. Bà có phải giàu lên nhờ lập công ty riêng? Không hề, bà Sandberg hiện giờ đang làm thuê cho Facebook với vai trò là giám đốc điều hành, trước đó bà làm phó giám đốc của bộ phận sales toàn cầu của Google.
Hoặc là trường hợp của tỷ phú Zhang Zhidong của Trung Quốc, người từng làm thuê cho công ty Internet Tencent của Trung Quốc với vai trò là Giám đốc bộ phận kỹ thuật. Tài sản của ông có giá trị 8.8 tỷ USD theo báo cáo của Forbes. Do đó việc làm thuê hay tự mình kinh doanh không hề liên quan đến việc trở nên giàu có hay không.
Cốt lõi của việc làm giàu
Cốt lõi của việc làm giàu không phải nằm ở việc có nhiều tiền mà nằm ở việc nắm nhiều tài sản có giá trị cao. Tài sản là gì? Tài sản có thể là một thứ hữu hình hoặc vô hình mà giúp đem lại thu nhập cho bạn. Dựa theo tiêu chí đem lại thu nhập mà ta có thể phân ra hai loại tài sản: tài sản trực tiếp đem lại thu nhập và tài sản gián tiếp đem lại thu nhập.
Tài sản trực tiếp đem lại thu nhập cho bạn có thể là kỹ năng của bạn, kinh nghiệm, đất đai, cổ phiếu, trang web của bạn. Tài sản gián tiếp đem lại thu nhập cho bạn có thể là chiếc giường của bạn, vì nó giúp bạn nghỉ ngơi để có sức khỏe làm việc, hoặc chiếc điện thoại di động của bạn hoặc là chiếc ghế của bạn giúp bạn ngồi làm việc.
Những người giàu là những người dành tiền và thời gian để đầu tư vào những thứ tài sản không chỉ đem lại thu nhập cao mà còn bền vững. Ví dụ như chúng ta mua đất. Vào năm 2006, một nhà đầu tư mua miếng đất ở Quận 2, TP Hồ Chí Minh với giá 200 triệu cho 100 m2. Năm đó vẫn chưa có cơn sốt đất và quận 2 vẫn chỉ là một vùng nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, nên đất rất rẻ. Thế rồi nhà nước bắt đầu quy hoạch quận 2, mở đường cao tốc, xây tuyến tàu điện trên không. Giá đất tăng lên chóng mặt.
Tuy vậy do những đợt lạm phát cao vào năm 2008 và 2011, đồng tiền cũng mất giá. Cho nên vào năm 2016, miếng đất 100 m2 nhỏ bé vốn đầy bụi cỏ nhưng nằm ở mặt tiền đó giờ đã có giá 4 tỷ, và ngay cả khi tính cả lạm phát cao vào, thì giá trị thật của nó khi quy về giá trị tiền của năm 2006 vẫn là khoảng 2 tỷ. Tức sau 10 năm, giá trị của miếng đất 100 m2 đã tăng lên khoảng 10 lần ngay cả khi tính cả lạm phát, trong khi đó tờ tiền mệnh giá cao nhất đã lên từ 100 ngàn thành 500 ngàn.
Tiền cũng có thể là tài sản nếu nó được dùng như là một thứ tạo ra thu nhập thay vì bị phung phí. Bạn có thể tiền vào quỹ tiết kiệm trong ngân hàng và cứ mỗi năm nó sẽ tư sinh ra thêm tiền thay vì dùng để đi uống bia hằng đêm hay để mua một chiếc xe hơi mới dù nhà đã có hai chiếc. Tuy nhiên vấn đề của việc cất tiền trong ngân hàng đó là lãi suất sinh lời quá thấp, tức lượng thu nhập được tạo ra thêm là quá nhỏ.
Giả sử vào năm 2006, thay vì bỏ 200 triệu để mua đất, nhà đầu tư đã lựa chọn an toàn là bỏ tiền vào trong ngân hàng với lãi suất đều đặn 10%/năm. Anh ta gửi tiết kiệm lâu dài và cứ mỗi năm anh lại bỏ thêm 50 triệu vào trong đó. Vậy đến năm 2016 anh ta thu được bao nhiêu? Dùng các công thức tính của bên tài chính, ta có số tiền là khoảng 1,31 tỷ. Tính cả lạm phát vào thì giá trị của 1,2 tỷ của năm 2016 chỉ vào khoảng 600tr của năm 2006. Tức giá trị thực của khối tài sản chỉ tăng lên 3 lần.
Như vậy những người giàu không chỉ đầu tư tiền mua tài sản mà họ còn lựa chọn các tài sản đem lại thu nhập cao trong thời gian ngắn. Những tài sản đó có thể là bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, gửi tiền vào các quỹ đầu tư. Chính nhờ sở hữu những tài sản đó mà những người giàu có thể bắt tiền của họ đẻ ra thêm tiền, không sợ lạm phát ăn mòn giá trị tài sản và khi họ không còn làm việc nữa, họ cũng không sợ không có thu nhập.
Hãy biết đầu tư từ bây giờ
Khi còn trẻ ta có nhiều thời gian và sức khỏe. Hãy đầu tư hai thứ đó vào những thứ sẽ giúp đem lại thu nhập cao cho chúng ta sau này như đầu tư vào kiến thức, rèn luyện kỹ năng, ăn uống, nghỉ ngơi một cách khoa học. Khi đi làm và bắt đầu có tiền rồi chúng ta có thể tích cóp, khi số tiền đã lớn chúng ta có thể gửi tiền vào một quỹ đầu tư, tuy nhiều rủi ro hơn gửi tiền trong ngân hàng nhưng có lãi suất sinh lời cao hơn.
Hãy học các kiến thức cơ bản về tài chính, các quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, về lạm phát. Bạn có thể tìm hiểu qua các trang web học online hay Youtube. Hãy dành tiền mua những thứ thật sự cần thiết cho bản thân, cắt bớt chi tiêu cho việc ăn nhậu với bạn bè hoặc mua sắm hàng hiệu và tập trung dành cho những thứ có ích cho mình sau này như đi học về thiết kế website, lập trình, đi tập gym.
Đi theo những hướng trên không đảm bảo bạn chắc chắn sẽ giàu nhưng sẽ giúp bạn có một cuộc sống khá giả và giúp bạn làm giàu dễ hơn.
Theo Trí Thức Trẻ