Doanh nghiệpKinh doanh

Niêm yết sàn chứng khoán, vì sao Highlands Coffee háo hức, các chuỗi F&B khác thì không?

Việc lên sàn cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đưa ra những con số về doanh thu, lợi nhuận một cách công khai đến với cổ đông.

Niêm yết sàn chứng khoán, vì sao Highlands Coffee háo hức, các chuỗi F&B khác thì không?

Theo thông tin mới đây, Jollibee Foods Corp và đối tác của họ là CTCP Việt Thái International đang lên kế hoạch niêm yết công ty Superfoods – đơn vị quản lý chuỗi cà phê Highlands trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam vào năm 2019.

Nhận định về động thái này, ông Hoàng Tùng – Founder Pizza Home và Coffee Bike cho biết: Đây là một cú hích lớn đối với ngành F&B (Food and Beverage Service – Ngành Thực phẩm và Dịch vụ ăn uống), đặc biệt là trong lĩnh vực chuỗi F&B.

Trên sàn chứng khoán đã có những công ty thực phẩm lớn như Kinh Đô, Masan hay những công ty đồ uống lớn như Bia Hà Nội (Habeco), VinaCafé Biên Hòa… nhưng những thương hiệu chuỗi cửa hàng ăn uống lớn nhất hiện nay như chuỗi Trung Nguyên, Golden Gate, Red Sun ITI đều chưa thấy có bất cứ động thái nào về việc họ sẽ niêm yết sàn Chứng khoán.

“Highlands Coffee hiện tại là chuỗi café có quy mô lớn nhất đã quyết định chuẩn bị niêm yết sàn chứng khoán. Tôi nghĩ, đây sẽ là một cú hích giúp những chuỗi F&B lớn có thể có những quyết định và cân nhắc đến việc niêm yết sàn chứng khoán để tìm nguồn vốn từ xã hội, cũng như đẩy mạnh nhận diện thương hiệu của mình. Theo tôi, đó là tín hiệu tốt”, ông Tùng cho biết.

* Việc công ty chủ quản của Highlands Coffee niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng thế nào tới các Startup trong lĩnh vực F&B nói riêng và giới Startup của Việt Nam nói chung, theo ông?

Một số chuỗi F&B của Việt Nam đã rất thành công trong việc huy động nhiều triệu đô từ những quỹ đầu tư như Golden Gate Group, Wrap n Roll, The KAfe… Và trên thực tế, ngoài kênh hút vốn từ các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán cũng là một kênh thu hút vốn rất tốt.

Ông Hoàng Tùng – Founder Pizza Home và Coffee Bike.

Hơn nữa, doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực chuỗi F&B cũng dễ tạo ra được sự liên kết giữa người tiêu dùng và sản phẩm của mình. Bởi những sản phẩm của chuỗi F&B thường hướng đến quảng đại quần chúng nhưng trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có những mã chứng khoán nào như vậy.

Hãy thử tưởng tượng một cổ đông của Highlands Coffee sẽ đến ngồi ở Highlands Coffee hay ngồi ở một quán cà phê đối thủ? Khi cổ phiếu niêm yết được tung ra đại chúng, doanh nghiệp cũng sẽ phần nào có được sự tiếp cận mạnh hơn đối với khách hàng.

Đối với tôi, việc Highlands Coffee niêm yết cho thấy doanh nghiệp chuỗi F&B có rất nhiều tiềm năng phát triển và hy vọng sẽ có một làn sóng những chuỗi F&B làm ăn tốt sẽ niêm yết tại sàn chứng khoán Việt để tạo thêm những nguồn hàng tốt dành cho những nhà đầu tư.

* Highlands Coffee đang sở hữu chuỗi cửa hàng khá lớn. Việc niêm yết này, với riêng Highlands Coffee mà nói, sẽ có lợi gì?

Việc niêm yết trên sàn chứng khoán theo tôi chủ yếu sẽ có những tác động tích cực đến thương hiệu Highlands.

Bản chất sàn chứng khoán ngoài chức năng là một kênh gọi vốn, nó còn là một công cụ giúp doanh nghiệp có thể sử dụng để đưa thương hiệu đến với những nhà đầu tư tiềm năng, đến những cổ đông một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, những yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán sẽ buộc công ty phải có những công bố thông tin minh bạch và kịp thời đến cho người tiêu dùng.

Tóm lại, doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn rất nhiều cơ hội để có thể đưa hình ảnh thương hiệu và sản phẩm của mình đến gần hơn với nhà đầu tư và người tiêu dùng.

* Những thách thức sau khi niêm yết thì sao?

Có thể do áp lực về thông tin, doanh nghiệp sẽ phải đưa ra những con số về doanh thu, lợi nhuận một cách công khai đến với cổ đông.

Trước đây, những thông tin này có thể được giấu đi và các đối thủ không thể biết được tường tận. Nhưng giờ, khi những số liệu công khai, những đối thủ khôn ngoan có thể phân tích số liệu để có những bước đi tạo lợi thế đối với Highlands.

Dĩ nhiên, điều đó chỉ mang tính lý thuyết. Thực tế mới là cầu trả lời rõ ràng nhất.

* Theo ông, đâu là những cái tên nổi bật của Việt Nam trong ngành F&B? Ông dự đoán đâu sẽ là chuỗi F&B tiếp theo của Việt Nam lên sàn?

Ngành F&B của Việt Nam có nhiều cái tên sáng giá. Trong lĩnh vực chuỗi cà phê, Highlands Coffee là một chuỗi có tốc độ tăng trưởng cao và họ liên tục tối ưu về sản phẩm, dịch vụ cũng như có độ phủ thị trường rất tốt. Ngoài ra, cũng có nhiều cái tên rất sáng giá.

Tôi rất thích mô hình của Golden Gate. Golden Gate có khả năng nghiên cứu sản phẩm rất tốt, đưa ra những thương hiệu có tính tập trung cao và mỗi thương hiệu đều có một tệp khách hàng mục tiêu rất rõ ràng. Những thương hiệu con của Golden Gate như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi Kichi v.v… đều là những thương hiệu hàng đầu trong ngách thị trường của mình.

Việc lên sàn hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy tôi không dự đoán được doanh nghiệp F&B nào sẽ tiếp tục lên sàn chứng khoán.

* Từ đầu năm đến nay, những cái tên rời khỏi thị trường F&B cũng khá nhiều. Theo ông, thách thức và rào cản của những tân binh gia nhập thị trường, cũng như những khó khăn mà những chiến binh có vài năm kinh nghiệm trong thị trường này là gì?

Thị trường F&B có mức cạnh tranh rất lớn. Trên thực tế, những thương hiệu chuỗi F&B trong nước đều đang phải đối đầu những thương hiệu chuỗi hàng đầu thế giới. Những cái tên như Starbucks, McDonald’s, Buger King… đều là những thương hiệu nằm trong top 20 những thương hiệu chuỗi lớn nhất thế giới.

Những thương hiệu Việt để đối đầu với những ông lớn chuỗi F&B quốc tế cần phải tìm ra được lợi thế cạnh tranh của mình, có thể là về sản phẩm, về dịch vụ, về sự thấu hiểu người tiêu dùng ở một khía cạnh nà và tập trung toàn lực vào lợi thế cạnh tranh của mình để có thể trụ được trước sức tấn công của các ông lớn quốc tế.

Về lý thuyết là vậy nhưng thực tế không phải là dễ. Đó là lý do rất nhiều thương hiệu chuỗi F&B của Việt Nam và của cả nước ngoài đều đã phải thu hẹp quy mô của mình trong thời gian vừa qua.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close