Kinh doanh quốc tếThế giới
Nợ toàn cầu chất cao như núi
Nhiều dấu hiệu kinh tế trong vài thập kỷ qua cho thấy có vẻ như châu Á và thậm chí là cả thế giới, sắp sửa bước vào cơn khủng hoảng nợ theo chu kỳ 10 năm một lần.
Tổng nợ thế giới đạt xấp xỉ 217.000 tỷ USD, tương đương 325% GDP toàn cầu. Ảnh: Financial Partner |
Năm 2017 đánh dấu cột mốc 20 năm kể từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Á vào năm 1997 và là năm thứ 10 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 – 2008. Một thập kỷ đã trôi qua và hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy một cơn khủng hoảng nợ khác đang trong quá trình nhen nhóm. Lần này, có vẻ như sự việc sẽ không chỉ dừng lại ở riêng châu Á.
Điểm xuất phát: Trung Quốc
Tại thời điểm này, bất cứ ai lo sợ về sự xuất hiện của một cuộc khủng hoảng nợ mới thì Trung Quốc là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Có thể thấy những rủi ro đủ khả năng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nợ lớn đang tồn tại một cách rõ ràng trong nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước, các công ty tư nhân lẫn chính quyền địa phương ở nước này.
Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), chỉ riêng trong quý I/2017, tỷ lệ nợ của các hộ gia đình Trung Quốc so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã đạt mức chưa từng có, trên 45%, cao hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 35% ở các quốc gia đang phát triển. Tính đến tháng 5/2017, tổng số nợ của Trung Quốc đã vượt 304% GDP.
Nhưng “núi nợ” mang tên Trung Quốc chỉ là một trong số nhiều “ngọn núi” khác đang ngày càng chất cao ở cả trong lẫn ngoài châu Á. Theo IIF, kể từ đợt khủng hoảng từ năm 2007, tổng số nợ của thế giới đã tăng lên mức xấp xỉ 217.000 tỷ USD, tương đương 325% GDP toàn cầu. Trong đó, khoảng 165.000 tỷ USD tiền nợ đến từ các nền kinh tế đã phát triển và 53.000 tỷ USD còn lại thuộc về những nền kinh tế mới. IIF cũng cho biết, trong quý I/2017, tổng số nợ từ các nền kinh tế đang lên tương đương mức 218% GDP, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ “đại gia” đến “nhà nghèo” đều nợ
Nợ toàn cầu leo thang chủ yếu do sự gia tăng nợ đến từ các quốc gia đang phát triển. Năm nay, số nợ từ các nền kinh tế mới nổi đã tăng thêm 3.000 tỷ USD, trong đó, riêng Trung Quốc đã chiếm gần 2.000 tỷ USD. Ước tính, tổng số nợ mà hiện Trung Quốc đang phải gánh là vào khoảng 35.000 tỷ USD. Mức tăng nợ ở các nước khác như Brazil là 600 tỷ USD và Ấn Độ là200 tỷ USD trong quý I/2017.
IIF ước tính số nợ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ vẫn tiếp tục gia tăng và đạt 67.400 tỷ USD, tăng 8,4% so với mức 7,5% theo dự báo cho năm 2017. Còn tại các nước đã phát triển, tình hình cũng không mấy khả quan khi nợ công vẫn ở mức báo động, bao gồm cả những quốc gia ở châu Á. Hoa Kỳ tiếp tục là “con nợ” lớn nhất thế giới, còn Nhật Bản là nước sở hữu mức nợ do chính phủ đứng tên cao nhất toàn cầu, tương đương 254% GDP trong năm 2016.
Tim Adams – cựu nhân viên cấp cao của Bộ Tài chính Hoa Kỳ và hiện là Chủ tịch IIF, cho biết: “Số tiền vay nợ ngày một nhiều đến từ các nền kinh tế đã và đang phát triển khiến cho mối lo về mức nợ toàn cầu tăng cao quay trở lại”.
Giải pháp: Vòng luẩn quẩn
Thường thì sau mỗi cuộc khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách luôn thề thốt rằng “sẽ không bao giờ để tình trạng này tái diễn”, song giới chính trị lại luôn bắt buộc phải duy trì tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, dù rằng sự thận trọng là nên làm điều ngược lại. Để kích thích tăng trưởng và khuyến khích đầu tư, lãi suất thấp được duy trì bởi các ngân hàng trung ương trong thời gian dài.
Thế giới đang trong tình cảnh đó. Bằng chứng là các ngân hàng trung ương đang khiến hệ thống tài chính toàn cầu ngập trong tài sản có tính lưu động cao nhằm hỗ trợ cho các tổ chức tài chính và ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc “đại suy thoái” vào những năm 1930.
Ông Eisiuke Sakakibara – nguyên Phó bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản nói rằng, chính sự bùng nổ thanh khoản này đã dẫn tới sự sụt giảm trong lãi suất, đẩy nó xuống mức thấp nhất kể từ thế kỷ XVI tính theo giá trị thực tế. Việc lãi suất xuống thấp ở mức ấy đã khiến cho lượng vay nợ đến từ các công ty không thuộc lĩnh vực tài chính hay hộ gia đình tăng phi mã. Và một khi lãi suất bắt đầu tăng từ mức cực thấp, thiệt hại cho người đi vay sẽ là rất lớn.
Paul Gruenwald – chuyên gia kinh tế thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, cho biết “khi lãi suất tăng từ 4% lên 5%, mức tăng của nó là 25%, nhưng nếu từ 1% lên 2% thì đó lại là mức tăng 100%”. Tình trạng nợ lớn kết hợp cùng lãi suất tăng sẽ kéo theo vỡ nợ là hậu quả không khó lường trước.
KHỞI VŨ