CEO ViệtNhân vật

Nữ tướng KiotViet: Không phải cần câu hay con cá, ý thức phải đi câu mới là động lực quan trọng biến bạn trở thành một con người chuyên nghiệp

“Nếu các bạn trẻ chỉ suy nghĩ rằng môi trường chuyên nghiệp thì mới đào tạo ra những nhân lực chuyên nghiệp, câu chuyện sẽ chẳng khác nào con gà và quả trứng cái nào có trước”, bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, Phụ trách Marketing của startup KiotViet chia sẻ.

Nữ tướng KiotViet: Không phải cần câu hay con cá, ý thức phải đi câu mới là động lực quan trọng biến bạn trở thành một con người chuyên nghiệp

Bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, Phụ trách Marketing của startup KiotViet

Vài ngày trở lại đây, câu chuyện môi trường và nhân sự chuyên nghiệp đang trở thành đề tài nóng trong giới startup/doanh nghiệp nói chung, khi xuất hiện ý kiến cho rằng, các bạn trẻ Việt Nam ngày nay đi xin việc đang “ảo tưởng” nhiều quá, luôn yêu cầu được làm trong môi trường chuyên nghiệp nhưng bản thân lại không ý thức được thế nào là chuyên nghiệp.

Đặc biệt, câu chuyện “chuyên nghiệp” hay không chuyên nghiệp lại càng nóng hơn, khi thời điểm mùa tuyển dụng tháng 3, tháng 4 hàng năm đang tới rất gần.

Mặc dù vậy, đứng trước ý kiến chê trách bị “ảo tưởng”, cũng xuất hiện không ít ý kiến phản hồi thú vị.

“Người đến phỏng vấn luôn mang trong mình một tư tưởng rằng: mình còn nhiều thiếu sót, chưa chuyên nghiệp. Mình cần một môi trường chuyên nghiệp để học hỏi, để rèn luyện. Đó là mong muốn rất dễ hiểu và hợp lý”.

“Không thể vì em còn thiếu sót, chưa đủ chuyên nghiệp, nên em không được quyền yêu cầu một môi trường làm việc chuyên nghiệp”, một cá nhân chia sẻ.

Nhận định về 2 ý kiến trái lập này, bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, Phụ trách Marketing của startup KiotViet cho biết:

“Nhà tuyển dụng và người đi ứng tuyển luôn có những góc nhìn, trải nghiệm và đánh giá khác nhau. Tôi cho rằng, nhiều người đang hiểu sai thông điệp nói trên.

Ở đây, thông điệp được truyền tải không phải là “bạn chưa chuyên nghiệp nên bạn không có quyền đòi hỏi môi trường chuyên nghiệp”, mà phải là “bạn mong muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, nhưng khi được yêu cầu làm việc một cách chuyên nghiệp (đúng quy trình, đúng tiến độ, đảm bảo KPI…) thì bạn không làm”.

Điều này không chỉ xảy ra ở các bạn trẻ mới ra trường hay mới đi làm, nó xuất hiện cả ở những người làm việc lâu năm, nhưng không ý thức được mức độ quan trọng của vị trí công việc mình đảm nhiệm”.

Lấy dẫn chứng là startup KiotViet, bà Vân chỉ ra:

“Chúng tôi có 10 năm kinh nghiệm làm gia công phần mềm cho các đối tác tại Mỹ, Úc, Singapore… Với đặc thù khách hàng quốc tế trả chi phí dựa trên giờ công làm việc của nhân viên, 2 bên lại có chênh lệch về múi giờ, nên để phối hợp được với nhau nhịp nhàng, đối tác họ yêu cầu rất khắt khe về việc lập kế hoạch, xây dựng quy trình phối hợp, và hoạch định thời gian của dự án chính xác đến từng giờ.

Như vậy, môi trường làm việc chuyên nghiệp đã có. Tôi nhận bạn vào, trả lương tốt, nhưng bạn lại không đáp ứng được môi trường làm việc.

Hoặc như ở bộ phận kinh doanh, chúng tôi có quy định, trong vòng 15 phút kể từ khi tiếp nhận, nhân viên kinh doanh sẽ phải liên hệ với khách hàng. Mỗi ngày, lượng khách hàng liên hệ lên tới vài trăm khách, với tôn chỉ, khách hàng là trên hết và đảm bảo quy trình phải được thực hiện trơn tru. Vậy khi quy trình bị vi phạm, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.

Theo bà Vân, nếu các bạn trẻ chỉ suy nghĩ rằng môi trường chuyên nghiệp thì mới đào tạo ra những nhân lực chuyên nghiệp, câu chuyện sẽ chẳng khác nào con gà và quả trứng cái nào có trước.

Bà Vũ Nguyễn Thùy Vân cho biết, trong 3 yếu tố tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, có một yếu tố cực kì quan trọng là: con người chuyên nghiệp.

Không ai khác, chính các bạn trẻ là một trong những nhân tố tạo nên sự chuyên nghiệp của công ty. Bà Vân nhấn mạnh, con người là giá trị cốt lõi, và con người mới tạo nên những yếu tố còn lại chứ không phải các yếu tố đó tạo nên con người.

Công ty có thể trang bị cho các bạn trẻ cơ sở vật chất, công cụ lao động, công cụ đánh giá, văn hóa doanh nghiệp, các chương trình đào tạo… nhưng thái độ chuyên nghiệp lại phụ thuộc vào quyết định của chính bạn.

Nó giống như chuyện không phải người ta cho bạn cái cần câu, hay con cá, mà chính là ý thức về việc câu cá. Nếu bạn không có được “ý thức câu cá” mà cứ ngồi chờ, không có nỗ lực thì có trang bị cho bạn bao nhiêu công cụ bạn vẫn… không thể khá lên được.

“Ở KiotViet, tỷ lệ nghỉ việc, tuyển mới mảng IT trong năm 2016 chỉ 7-8%, khá thấp so với tỷ lệ trung bình 20 – 30% của ngành. Bên cạnh việc trả lương cạnh tranh, chúng tôi giao cho mỗi nhân viên những KPI rất rõ ràng.

Đồng thời, chúng tôi duy trì chính sách quản trị để nhân viên trong công ty được trao “quyền lực” để cùng nỗ lực phát triển công ty.

Tháng 1/2017 vừa qua, KiotViet đã hoàn thành vòng gọi vốn Serie B, đây là một trong những động lực to lớn để công ty quyết định phát hành ESOP (quyền sở hữu cổ phần cho nhân viên công ty) cho nhân viên.

Nhờ đó, nhân viên trong công ty sẽ không còn tâm lý “đi làm thuê”, bởi mỗi nhân viên chính là một chủ sở hữu của KiotViet, điều này sẽ thúc đẩy nỗ lực của từng cá nhân bởi khi này họ đang làm việc cho chính mình. Với kế hoạch tăng trưởng rõ ràng, nhân viên sẽ biết họ được lợi ích bao nhiêu trong mỗi năm cống hiến. Và rõ ràng đây là bài toán rất công bằng cho cả phía công ty và nhân viên khi cùng nhìn chung một mục tiêu là nỗ lực cho sự tăng trưởng công-ty-của-chính-mình.

Như vậy, chế độ đãi ngộ lẫn môi trường đều đã hội tụ đủ, duy nhất còn lại là yếu tố con người. Thái độ của bạn chuyên nghiệp bạn sẽ làm được. Và chỉ có bạn mới người quyết định bản thân mình, hay môi trường làm việc ở công ty có chuyên nghiệp hay không”, bà Vân kết luận.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close