Thế giớiThời sự

Nước Mỹ đã chia rẽ trước khi Trump đắc cử

Chính một đất nước rạn nứt từ bên trong đã cho Donald Trump cơ hội trở thành một “người hùng” của chủ nghĩa dân túy và chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Nước Mỹ đã chia rẽ trước khi Trump đắc cử

Người biểu tình chống Trump mang biểu ngữ “Trump make America hate again” (tạm dịch: Trump làm nước Mỹ thù ghét trở lại), nhái theo câu khẩu hiệu của Trump là “Make America great again” (tạm dịch: làm nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ảnh: Getty Images

Trước ngày bỏ phiếu toàn quốc, Bernie Sanders, người ủng hộ bà Clinton, từng nói: “Tôi sẽ không để Trump chia rẽ nước Mỹ”.

Kết cục, Trump thắng cử. Một nửa dân Mỹ sững sờ, bối rối, buồn bã. Biểu tình chống Trump lan rộng trên cả nước. Người Mỹ công kích nhau trên mạng, cãi vã ngoài đường.

Nhiều người có suy nghĩ quốc gia này rơi vào cảnh thù ghét, chia rẽ là “nhờ” Trump. Nhưng có thực một ông trùm bất động sản kiêm ngôi sao truyền hình thực tế, người đi ngược lại các nguyên tắc truyền thống, có thể tạo ra sức mạnh lớn lao đến vậy?

Tổng thống Trump: Sản phẩm của một nước Mỹ chia rẽ

Từ một “kẻ ngoại đạo” bị giới tinh hoa đánh giá là không có mảy may cơ hội bước chân vào Nhà Trắng, Trump đã dần “chinh phục” từng cử tri.

Thông qua những phát ngôn cực đoan tưởng như ngông cuồng và “thiếu suy nghĩ”, Trump cổ xúy sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giàu nghèo, sự thù ghét giữa giới da trắng ít học và giới tinh hoa, giữa dân ngoại đạo và giới chính trị, đả kích phụ nữ… Giới phân tích gọi đây là chiến thuật “đánh trúng tâm lý”, nhưng cũng có thể gọi đó là lợi dụng sự chia rẽ.

Vào thời điểm quyết định, gần một nửa cư dân nước Mỹ chọn bỏ phiếu cho tỷ phú 70 tuổi. Đây là minh chứng cho thấy Trump đã thực sự thành công và cũng chính là thông điệp mạnh mẽ nhất về thực trạng của cường quốc số 1 thế giới.

Chính một đất nước rạn nứt từ bên trong đã cho Trump cơ hội trở thành một “người hùng” của chủ nghĩa dân túy. Chiến thắng của ông là tấm gương phản chiếu cách nhìn của đa số người dân Mỹ trong hiện tại. Ở một quốc gia đoàn kết, bao dung và sẻ chia giá trị chung, liệu một người như Trump có cơ may làm tổng thống?

Thắng lợi của Trump không phải nguyên nhân mà là hệ quả của một đất nước chia rẽ.

Đất nước của những khác biệt

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Mỹ luôn là quốc gia chứa đựng những mâu thuẫn dai dẳng về văn hóa – xã hội và chính trị.

Về chính trị, cho dù bất ổn xã hội và bất bình đẳng kinh tế có được chính phủ hay thị trường khắc phục thế nào thì những người theo phe Dân chủ và Cộng hòa vẫn bất đồng về hầu hết các vấn đề chính như súng đạn, quyền LGBT (quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới), phá thai, nhập cư, thuế, biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc, vai trò của Mỹ trên toàn cầu.

Sự chia rẽ này khiến cho mỗi phe nhìn nhau như “quỷ dữ”, thậm chí chính trị hóa cả những vấn đề bình thường của đời sống. Theo một nghiên cứu của Đại học Stanford năm 2010, 49% người theo đảng Cộng hòa và 33% người theo đảng Dân chủ không hài lòng nếu con cái của họ kết hôn với người thuộc phe kia. 50 năm trước, con số này chỉ ở mức 5% và 4%.

Năm 2015, một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos chỉ ra rằng 27% người theo Cộng hòa và 22% người theo Dân chủ nói phe kia là “mối đe dọa” cho đất nước.

Tranh biếm họa thể hiện sự đối đầu giữa đảng Cộng hòa (con voi) và đảng Dân chủ (con lừa). Ảnh: Diffen.com.
Tranh biếm họa thể hiện sự đối đầu giữa đảng Cộng hòa (con voi) và đảng Dân chủ (con lừa). Ảnh: Diffen.com.

Trạng thái phân cực trên đây chỉ là dấu hiệu chính trị của sự mâu thuẫn sâu sắc hơn về văn hóa – xã hội trong lòng nước Mỹ. Những khác biệt về văn hóa, chủng tộc, ý thức hệ mới là thứ luôn ám ảnh quốc gia này.

Vì sao sự thù ghét lên ngôi?

Đa dạng và phong phú về chủng tộc, văn hóa, nhân sinh quan làm nên đặc trưng của Mỹ nhưng cũng khiến quốc gia này luôn phải đối mặt với nguy cơ xung đột, phân tách từ bên trong. Câu hỏi là tại sao vào thời điểm hiện tại, những xung đột và bất đồng lại lên cao đến mức một người “bài ngoại” như Trump trở thành tổng thống?

Các chuyên gia ghi nhận rằng sự kỳ thị chủng tộc đã tăng vọt sau chiến thắng của Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2008. Người ta nghĩ rằng việc một người Mỹ gốc Phi được bầu làm tổng thống sẽ khiến đề tài phân biệt chủng tộc sẽ được khép lại, nhưng kết quả lại khác.

Tuy nhiên, ngay trong hai tuần đầu tiên sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, hàng trăm sự cố kỳ thị chủng tộc đã xảy ra ở khắp nơi, từ đe dọa và phá hoại cho đến đánh đập. Theo khảo sát năm 2013 của The Atlantic/Viện Aspen, 6/10 người Mỹ tin rằng nước Mỹ chia rẽ mạnh nhất kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng (1930). Các chuyên gia nhận định tình hình chỉ càng xấu đi suốt thời gian qua.

Tỷ lệ bỏ phiếu cho Clinton và Trump theo các nhóm sắc tộc cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Số đông người da trắng ủng hộ ông Trump trong khi các sắc dân khác bầu cho bà Clinton. Đồ họa: Vox.

Trong bối cảnh tỷ lệ người da màu ngày càng lớn, khoảng cách giàu nghèo và nhiều vấn đề xã hội không có tiến triển, tình trạng mâu thuẫn trong lòng xã hội Mỹ trở nên gay gắt hơn giữa một bên là nhóm cử tri da trắng (ủng hộ các quan điểm truyền thống, bảo thủ…) và một bên là nhóm cử tri da màu và gốc Latin (ủng hộ các quan điểm tự do, đòi hỏi bình đẳng…).

Những người da trắng ngày càng bất an với mối lo không thể cạnh tranh với bộ phận dân nhập cư đang ngày càng trở thành một lực lượng không nhỏ đã có đủ điều kiện lên tiếng và tham gia vào chính trường Mỹ.

Đây là thực trạng không của riêng quốc gia liên bang này. Hiện tượng thù ghét người di cư đang lan tràn khắp nơi trên thế giới.

Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và xu thế toàn cầu hóa xuất hiện, nhiều người lạc quan cho rằng đến thời điểm nào đó thế giới sẽ biến thành một “làng toàn cầu”, nơi nhân loại gần gũi và sống với nhau một cách hoà bình.

Tuy nhiên, toàn cầu hoá đã và đang đem lại cả những mặt trái. Việc tái bố trí lực lượng lao động trên phạm vi thế giới cũng như sự di dân dễ dàng tạo cơ hội việc làm cho nhiều người, nhưng cũng trở thành mối đe dọa đối với dân địa phương. Họ trở nên thù ghét tất cả những gì đến từ nơi khác.

Điều này đang xảy ra ở nhiều quốc gia phương Tây, nơi các đảng cực hữu càng lúc càng mạnh. Tại châu Âu, việc 52% người dân Anh bỏ phiếu chọn tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng xuất phát từ thứ văn hoá thù ghét dân nhập cư đó.

Trong bài phát biểu huyền thoại năm 1858, Tổng thống Abraham Lincoln từng nói: “Một ngôi nhà tự chia rẽ không thể đứng vững được”. Đây là điều người dân Mỹ đang lo sợ khi chứng kiến đất nước của họ ngày càng chìm trong những bất đồng và mâu thuẫn sâu sắc. Tương lai mà họ phải đối mặt có thể còn tệ hơn nhiều việc Donald Trump làm tổng thống.

Zing

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close