Câu chuyệnKinh doanh

Ông Đỗ Long, CEO Bita’s: Robot đã bắt đầu thay thế trong các công đoạn sử dụng hóa chất

“Xu hướng robot hoá đang diễn ra ở Việt Nam. Tại nhà máy của công ty Hồng Hải (Đài Loan) ở Bắc Ninh đã bắt đầu thay thế nhân công bằng máy móc. Hãng Nike và Adidas cũng đã có những nhà máy robot, chỉ 200 người quản lý hàng nghìn robot, năng suất một robot gấp hàng chục lần con người, hoạt động 24/24, không đình công, không biểu tình, không đòi tăng lương…”.

Ông Đỗ Long, Tổng Giám đốc công ty Bitas đưa ra cảnh báo trên trong BizTALK “ Xu hướng Robot hóa và thách thức với doanh nghiệp” do BizLIVE tổ chức ngày 20/12/2016 tại TP HCM.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng từ 55,5 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. Để đáp ứng yêu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc.

Tuy nhiên trong cơn lốc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của công nghệ cùng robot sẽ gây sức ép lớn đến công ăn việc làm của 86% nhân lực trong ngành dệt may, da giày.

“Cơn lốc robot” đã bắt đầu từ vài năm nay. Cách đây hơn một năm, ông Đỗ Long đã tham gia đoàn doanh nghiệp người Hoa đến thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, do một doanh nghiệp ngành hoá mỹ phẩm trong nước dẫn đầu.

Doanh nghiệp này qua Trung Quốc tìm mua robot để dùng trong các công đoạn sản xuất, sử dụng nhiều chất hoá học, axit… để không ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động. Trong ngành nhựa, robot đã bắt đầu thay thế trong các công đoạn sử dụng nhiều hóa chất.

Ông Đỗ Long cho biết: “Phật Sơn nay là nơi phát triển của công nghiệp robot Trung Quốc. Muốn đặt hàng cũng rất khó khăn, như đặt mua máy bay vậy, phải đến 2018 mới bắt đầu có hàng. Chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã biết được nhu cầu robot hoá trong ngành sản xuất, nên họ bắt đầu tập trung vào sản xuất robot trong vài năm trở lại đây.

Tôi phát hiện thêm tập đoàn Magna ở Canada, chuyên cung ứng các sản phẩm nhựa cho các tập đoàn ô tô hàng đầu cũng có dây chuyền tự động hoá hiện đại, có sẵn viện nghiên cứu của họ. Nhiều sinh viên không xin vào học đại học mà xin vào viện nghiên cứu của công ty này, vì nếu cho dù họ có bằng đại học thì vào công ty vẫn phải đào tạo lại. Do đó, robot hoá không chỉ ảnh hưởng đến lao động mà còn ảnh hưởng đến giáo dục vì phải đào tạo con người có khả năng điều khiển và hiểu máy móc, và đây là một kỹ năng hoàn toàn mới”.

Ngoài tác động của công nghệ robot, môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đỗ Long cho biết, tại Việt Nam, Pucheng sử dụng gần 80 – 90 nghìn lao động. Lãnh đạo của Pucheng có khả năng sẽ giảm mạnh lực lượng lao động tại Việt Nam theo xu hướng mới này.

Các doanh nghiệp FDI vừa qua cũng đã có ý kiến về luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Việt Nam quá khắt khe, đồng thời thủ tục hành chính quá khó khăn nên bắt buộc phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ thu BHXH đến 30% trên chi phí cho mỗi lao động tại Việt Nam, trong khi tại Malaysia hay các nước khác chỉ có khoảng 10-13%. Việt Nam lại còn có phí công đoàn 2% nữa, tưởng nhỏ mà rất lớn với nhiều doanh nghiệp. Trong 10 tháng năm 2016, nợ BHXH tăng đến 14.000 tỷ, năm 2018, dự báo mức phí BHXH và lương cơ bản tăng quá cao, gấp đôi 2016 thì doanh nghiệp không chịu nổi. Chính phủ nên có những thay đổi để doanh nghiệp có thể tồn tại.

Ngoài ra, năng suất lao động Việt Nam không cao, làm theo thời vụ cứ y như nông nghiệp. Gần đây, lương cơ bản người lao động lại tăng, dẫn đến các chi phí liên quan khác tăng. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến việc thay thế lao động con người. “Lương mỗi tháng phải trả, BHXH mỗi tháng phải đóng, cho nên việc chủ doanh nghiệp có thương người lao động bao nhiều thì cũng phải tìm cách để doanh nghiệp tồn tại. Có dịp tiếp xúc với 16 bạn trẻ khởi nghiệp, tôi thấy không một ai dám có ý tưởng kinh doanh về sản xuất, mà chủ yếu và công nghệ, phần mềm…”, ông Long cho biết thêm

Để hạn chế những nguy trước mắt về tình trạng thất nghiệp, ông Đỗ Long nhấn mạnh: Điều tối quan trọng là thể chế, làm sao để người lao động lẫn doanh nhân đều được hưởng lợi. Nếu sử dụng nhân công mà doanh nghiệp vẫn thấy có hiệu quả thì họ chẳng cần phải đầu tư vào robot. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay bắt buộc họ phải tìm hướng đi khác, và robot là lời giải.

Tại Đài Loan, bà Thái Anh Văn cũng đang tìm cách đem việc từ Trung Quốc về Đài Loan. Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Trung Quốc nay lại mang việc về Đài Loan và robot hoá. Tại Thâm Quyến, tỷ lệ đầu tư của Đài Loan chỉ còn 20% lúc trước.

Đó là lý do trong năm qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã nhóm họp hai lần về vấn đề này. 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot là cảnh báo của ILO, trong đó họ gợi ý nhà nước phải xem xét chính sách hỗ trợ.

“Nếu chúng ta không có chính sách về công nghiệp, công nghệ thì về lâu dài, các ngành thâm dụng lao động nhiều như FDI chắc sẽ ngưng đầu tư ở đây. Chính phủ các nước khác đang tạo điều kiện do doanh nghiệp họ đầu tư trong nước như chúng ta ưu đãi các FDI, thì họ đâu cần phải đầu tư tại nước ta nữa”, ông Long khuyến cáo.

TRƯỜNG KỲ

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close