Kinh doanh quốc tếThế giới

“Ông lớn” Amazon và thách thức chưa từng có tại thị trường Australia

Australia có diện tích gần tương đương như Mỹ nhưng lại chỉ có 24 triệu dân, dân cư cư trú thưa thớt tại nhiều vùng xa nhau khiến chi phí vận chuyển đội lên cao.

Từng thành công trên đất Mỹ, nhưng chính Amazon cũng đã từng mất hàng tỷ USD mà không thể thành công được ở nhiều thị trường nước ngoài. Và nay Amazon đang đối diện với khó khăn chưa từng có tại thị trường Australia, đất nước mà thị trường bán lẻ vẫn đang được thống trị bởi các cửa hàng bán lẻ truyền thống, Bloomberg đưa tin.

Tại rất nhiều thị trường tiêu dùng lớn của thế giới, Amazon bán mọi thứ, từ tivi màn hình lớn cho đến thời gian cao cấp thông qua trang bán hàng trực tuyến của mình. Hiện nay, Amazon đang ráo riết tìm địa điểm phù hợp để mở nhà kho tại Australia.

Nhiều chuyên gia ngành bán lẻ đã dự báo về một cuộc cạnh tranh giá cả khốc liệt tại thị trường Australia sau khi có sự xuất hiện của Amazon. Dự báo lợi nhuận của một số công ty kinh doanh hàng điện tử địa phương như Harvey Norman Holdings và JB Hi-Fi đã được điều chỉnh giảm một nửa.

Chiến thắng tại thị trường Mỹ, Nhật để trở thành một trong những nhà bán lẻ trực tuyến uy tín nhất tại các thị trường này, Amazon đã tiếp tục chinh phục được thị trường Đức và gần đây nhất là Ấn Độ. Thế nhưng với Australia, Amazon đang đối diện với nhiều trở ngại rất lớn.

Australia có diện tích gần tương đương như Mỹ nhưng lại chỉ có 24 triệu dân, dân cư cư trú thưa thớt tại nhiều vùng xa nhau khiến chi phí vận chuyển đội lên cao. Ngoài ra, mức lương cơ bản tại Australia lại cao hơn so với phần lớn các nước phát triển. Thói quen mua hàng của người Australia cũng gây ra không ít cản trở cho những hãng nào muốn phát triển bán hàng trực tuyến.

Theo kết quả khảo sát của Euromonitor International, tỷ lệ người Australia thích mua sắm trực tuyến chỉ bằng nửa so với người Hàn Quốc, Trung Quốc hay Anh. Ngoài ra, ngay chính tại Australia, trước khi có sự xuất hiện của Amazon, người dân nước này cũng đã có quá nhiều lựa chọn khi muốn mua hàng trên mạng.

“Chúng tôi đã có quá nhiều các công ty bán hàng trực tuyến tại Australia. Amazon sẽ cần phải đưa ra những lựa chọn mua hàng giá cả hợp lý cùng các chương trình kích cầu mua sắm đặc biệt hấp dẫn mới có thể lôi kéo được khách hàng”, giáo sư đại học Queensland University of Technology’s, ông Gary Mortimer, nhận xét.

Bao lâu nay, Amazon chủ yếu hoạt động theo mô hình bán hàng lấy số lượng là chính, mức lãi bình quân trên mỗi sản phẩm rất thấp. Thế nhưng địa hình của Australia quá rộng, dân số sống rải rác, mô hình này có thể không còn phù hợp nữa, cũng theo dự báo của giáo sư Mortimer.

Giáo sư Mortimer đã có 2 thập kỷ làm việc cho nhiều nhà bán lẻ lớn ở Australia như Cole, Wesfarmers cũng như tập đoàn Myer. Đặc điểm địa lý của Australia sẽ gây ra cực kỳ nhiều cản trở cho tham vọng kinh doanh của Amazon.

Tại nước Mỹ, giá trị thị trường của Amazon hiện đang ở mức 475 tỷ USD, Amazon đồng thời thống trị thương mại điện tử tại nước này. Trong năm 2016, doanh thu tại Bắc Mỹ của Amazon đạt 136 tỷ USD, lợi nhuận ròng tăng gấp 3 lần so với năm 2015 lên mức 2,4 tỷ USD.

Người tiêu dùng tại Mỹ chỉ cần bỏ ra 99USD/năm để tiết kiệm được rất nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa, được cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống kiểu như đồ tẩy rửa hay thuốc đánh răng chỉ sau vài tiếng. Bằng cách cung cấp sản phẩm nhanh chóng như vậy, Amazon đã cố gắng hết sức để làm giảm thiểu mong muốn của khách hàng với việc đi mua hàng tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Nhưng không dễ để có được thành công tương tự bên ngoài nước Mỹ. Trong khi doanh thu của Amazon tại các thị trường nước ngoài tăng cao thì chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh tại các thị trường này không hề nhỏ, vì thế không quá ngạc nhiên khi bộ phận kinh doanh nước ngoài liên tục thua lỗ suốt từ năm 2012 khi Amazon chú trọng vào phát triển thêm thị trường mới.

Sau khi đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Ấn Độ và nếu sắp tới thành công với thị trường Australia, Amazon sẽ có được khu vực dự trữ hàng hóa và vận chuyển đủ để tiếp tục chinh phục thị trường Đông Nam Á.

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc cũng đang “nhăm nhe” muốn chinh phục thị trường này. Năm ngoái, Alibaba đã bỏ ra 1 tỷ USD mua lại Lazada, trang kinh doanh quần áo và các sản phẩm điện tử khắp các nước Đông Nam Á.

Từ cuối năm 2017, Amazon sẽ bắt đầu bán rất nhiều sản phẩm,từ rau củ quả cho đến sách hay hàng điện tử. Mức độ tập trung dân cư thấp, chi phí lao động cao cùng với thị trường đầy cạnh tranh, việc tồn tại được ở thị trường Australia hẳn không hề dễ dàng.

TRUNG MẾN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close