Cách sốngSống

Rat Race – Cuộc đua loài chuột trong thế giới con người

Suy cho cùng, con người cũng chẳng khác gì chú chuột thí nghiệp, nỗ lực hết mình vì những thứ quá nhỏ nhoi.

Ai trong chúng ta đang làm một công việc 8 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần và cảm thấy hài lòng với bản thân? Chắc hẳn ai cũng thế, đó là hình ảnh mà xã hội đã “xăm” vào não chúng ta, cho chúng trở thành điều lý tưởng, cái đích mà nhiều người phải theo đuổi.

“Có một công việc, làm giờ hành chính, hết giờ lại về nhà, hôm sau lặp lại”.

Khi chúng ta còn đi học đại học, ít người có tiền để tự thuê cho mình một căn nhà tử tế. Đa phần phải ở ghép với bạn bè trong một căn phòng chật hẹp, tối tăm mà ta gọi là chỗ để ngủ. Đến phương tiện đi lại cũng chẳng có, tiền đâu mà mua những thứ xa xỉ kia khi mà hàng ngày còn phải ăn mì gói, bận tâm tới từng cuốn sách, từng cái bút mua cho việc học.

Thế nhưng, đó có khi lại là khoảng thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất của mọi người cho tới khi chúng ta đi làm, kiếm được tiền.

Khi bắt đầu đi làm, có đồng ra đồng vào, chợt nhận ra ta cần phải có một chiếc xe tử tế để đi làm hay gặp đồng nghiệp, khách hàng, một chiếc máy tính thật xịn, thật đẹp để không bị người khác chê cười. Kiếm được tiền mà, phải tiêu thôi, thế rồi người khác lại có những thứ đẹp đẽ, mới mẻ, sang trọng hơn khiến chúng ta lại tiếp tục móc hầu bao.

Chúng ta đang mất chi phí cho một cuộc đua không hồi kết. Người ta cứ nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền sẽ tiết kiệm được nhiều. Thế nhưng không, kiếm càng nhiều, tiêu càng lớn, càng có nhiều tiền lại cần có nhiều thứ hơn.

Thậm chí tới khi được lên lương, thăng chức, chúng ta vẫn rơi vào vòng xoáy này mà khó lòng thoát ra được. Đi làm một cách vô thức, kiếm tiền chỉ để mua những thứ cho bằng người khác, những thứ chúng ta còn chẳng cần.

Vì sao?

Vì chúng ta là một con chuột, một chú chuột bé nhỏ trong cuộc đua của loài chuột.

Có thể bạn không công nhận, thế nhưng chúng ta chẳng khác gì chú chuột thí nghiệm đâu.
Có thể bạn không công nhận, thế nhưng chúng ta chẳng khác gì chú chuột thí nghiệm đâu.

The Rat Race

Xem các chương trình về nhà khoa học, có thể thấy những chú chuột thí nghiệm được khoa học sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Lũ động vật bé nhỏ tội nghiệp bị ném vào một mê cung để thử xem chúng sẽ xử lý ra sao với thách thức, với phần thưởng.

Nào là vòng quay không giới hạn, mê cung rộng lớn… lũ chuột bé nhỏ bỏ ra rất nhiều công sức thoát khỏi cạm bẫy chỉ để có được phần thưởng nhỏ bé, đôi khi chẳng là gì cả. Chú chuột này tin rằng nó có mục tiêu, có nhiệm vụ, thứ mà nó không nhận ra là mục tiêu kia được người khác quyết định, nó được bày ra chỉ để chuột nhỏ hoạt động mà thôi.

Các nhà khoa học đôi khi còn đặt cả đống cạm bẫy trước mặt chuột, khiến chúng vào sinh ra tử nhưng phần thưởng cuối cùng chỉ là một miếng pho mai bé tẹo, còn chẳng đủ để lấp đầy cái dạ dày của kẻ liều lĩnh. Đổi sinh mệnh lấy pho mai liệu có xứng đáng? Tất nhiên là không. Thế nhưng chú chuột kia và con người đã mất một thứ rất quan trọng, đó chính là sự lựa chọn.

Bánh xe nghiệt ngã

Cũng giống với mọi người, tôi có một công việc, mặc dù nó không to lớn như siêu nhân cứu thế giới hay vĩ đại như cách mà Bill Gates kiếm tiền, thế nhưng nó phục vụ được nhu cầu của tôi, kiếm đủ thu nhập và được làm những thứ mình thích.

Vì là con người, tôi cũng có những sở thích ngoài công việc, đọc sách, chụp ảnh, chơi cùng lũ cún đáng ghét ở nhà. Tôi có nhiều hơn những người khác về mặt vật chất, tinh thần nhưng tôi không cảm thấy thoải mái. Lý do ư? Tôi chẳng biết mình muốn làm gì trong cuộc đời này.

Ừ thì tôi có những sở thích đã kể bên trên, nhưng tôi chưa bao giờ coi nó là công việc hay một khía cạnh tôi có thể kiếm được tiền. Bạn bè cùng người thân luôn lải nhải rằng sở thích chỉ là một hoạt động giải trí mà thôi, nó không đem về tiền bạc, của cải cho chúng ta được. Họ cũng chính là người nói với tôi rằng, hãy có một công việc, làm 8 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần cho tới lúc nghỉ hưu. Đó mới là mục tiêu cuộc đời.

Tôi may mắn vì có một công việc, đúng thật, may quá. Người thân nói rằng tôi đang làm tốt mọi thứ, thế nhưng họ không nhận ra rằng tôi, về cơ bản chỉ là một con chuột trong cuộc đua kia. Họ cũng không nhận thấy rằng họ cũng chính là chuột, chỉ là trong một mê cung hay thí nghiệm khác mà thôi.

Chúng ta luôn bị bao vây bởi loài chuột

Người khác không chịu chấp nhận họ là chuột đâu, giờ nếu ai nói thế với bạn, bạn có muốn đấm thẳng vào mặt họ không? Chúng ta đều nghĩ mình là người giỏi, có khả năng kiểm soát mọi thứ. Dù sao đây cũng là cuộc sống của mình mà, ai quyết định hộ được? Nhầm rồi!

Nhớ con chuột trong thí nghiệm trên chứ? Nó hoàn toàn có thể quyết định nó có đi tiếp trong mê cung, chạy tiếp vòng xoay hay không. Thế nhưng nó đã chọn theo đuổi phần thưởng bé nhỏ là miếng pho mai kia, nó bất chấp tất cả chỉ để có được thứ đồ ăn rẻ tiền đó.

Chúng ta nào có khác gì con chuột?

Nào là chỉ tiêu công ty, phấn đấu bản thân cho tới những khái niệm khác được công ty đề ra, đó chính là phần thưởng, mục tiêu mà chúng ta phải đạt được. Chúng ta nghĩ rằng mình có thể kiểm soát, nhưng không, phần thưởng được đặt ra bởi nhà khoa học để con chuột đi vào mê cung thôi, chúng ta cũng đang như vậy, làm mọi thứ để đạt được cái đích người khác đặt ra cho mình.

Nghe có vẻ phức tạp, thế nhưng cứ nhìn con chuột thí nghiệm bạn sẽ hiểu sau đó áp dụng nó với bản thân. Bạn (con chuột) được lãnh đạo công ty (nhà khoa học) tặng cho một mục tiêu (miếng pho mai) và bạn (con chuột) cần vượt qua khó khăn (mê cung) để đạt được mục tiêu (miếng pho mai) đó.

Từ bỏ cuộc đua

Để giã từ cuộc đua của đàn chuột, bạn cần xác định xem mình có đang trong cuộc đua không đã. Bạn có đang theo đuổi thứ gì mình không cần? hay những thứ bạn cố sở hữu chỉ để bằng người khác? hay những nỗ lực làm việc của bạn trên công ty không được đền đáp thỏa đáng? bạn có cảm thấy bị lợi dụng hay bóc lột tại nơi làm việc?

Trước hết, cần xác định rằng những người rơi vào cuộc đua chuột thường kiếm dư hơn những gì họ cần. Nếu bạn chật vật với hóa đơn hàng tháng, không kiếm nổi tiền để duy trì cuộc sống thì đừng đọc nữa. Bạn không ở trong cuộc đua chuột đâu mà bạn còn chưa là nổi chuột để đua nữa. Xin lỗi, nhưng bạn quá đen, hẹn gặp lại lần sau.

Với những người còn lại, may mắn cho bạn là bạn có thể từ bỏ cuộc đua này, tất nhiên nó sẽ không chắc chắn như trong phòng thí nghiệm khi bạn vượt qua thử thách sẽ được pho mai. Nhưng thà làm một con #chuộttựdo còn hơn bị-nhốt-trong-lồng-và-bị-lợi-dụng-chỉ-vì-một-miếng-pho-mai-ăn-chẳng-bõ-dính-răng, phải không nào?

Đây là 3 cách để bạn thoát ra khỏi cuộc đua chuột kia.

1. Đổi thời khóa biểu làm việc

Những người rơi vào vòng rat race luôn có xu hướng làm thêm ở nhà tương đối nhiều. Thay vào đó, hãy tập trung làm việc tốt hơn trên công ty, dành ra cho mình vài ngày nghỉ. Bất ngờ phải không nào? Thế nhưng thay đổi lịch làm việc bất thường sẽ mang lại cảm hứng cũng như cách suy nghĩ mới mẻ cho bạn.

2. Tự trả công cho mình​

Nếu bạn tình cờ quen một chú chuột khác, bạn có thể hỏi người ấy rằng liệu làm nhiều hơn thì chất lượng cuộc sống cùng sự hạnh phúc có tăng lên hay không. Chắc chắn chú chuột kia sẽ trả lời là có. Càng làm nhiều, càng kiếm nhiều sẽ càng tiêu nhiều, càng mua nhiều, vòng tròn cứ thế lặp lại.

Để thoát khỏi nó, đừng chạy đua theo người khác nữa, hãy cứ chấp nhận thua cuộc vài lần đi và hãy tự trả cho mình số tiền xứng đáng với những gì đã bỏ ra. Tất nhiên nó được trích từ lương của bạn và sử dụng cho mục đích tiết kiệm. Nhưng hãy nghĩ rằng đó là tiền công sức bạn xứng đáng được nhận chứ không phải dùng để mua những đồ vật vô nghĩa.

3. Chỉ mua những thứ giúp cải thiện giá trị cuộc sống

Đơn giản nhất là thực phẩm tốt hơn hay một chiếc giường ấm đệm êm để ngủ sướng hơn vào mỗi tối. Xã hội luôn có xu hướng “bơm” vào đầu chúng ta suy nghĩ phải có nhà rộng, xe sang hay những buổi đi chơi tốn kém.

Nếu thừa sức chi trả mà không phải suy nghĩ, thì mình cứ làm thôi. Thế nhưng, nếu chật vật kiếm tiền vài tháng trời chỉ để có 2,3 ngày đi chơi sang chảnh, đừng, dừng ngay lại trước khi quá muộn. Người ta vẫn hay nói là khi những thứ bạn sở hữu phản bội và sở hữu lại chính bạn.

Bất kì khi nào tiêu tiền, hãy xem nó tăng giá trị cuộc sống của bạn ra sao.

Ví dụ là thế, áp dụng ra sao là việc của mỗi người. Khả năng lớn vì tham lam nên đa phần chúng ta sẽ lại rơi vào cuộc đua vô nghĩa kia thôi. Thế nhưng, ít nhất sau những thông tin trên bạn có thể biết mình đang ở trong hoàn cảnh nào, có cách thoát ra, quan trọng vì tham nên bạn không làm mà thôi.

Van Vu

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close