Chưa thấy tín hiệu nào của doanh nhân này trong ngành ngân hàng nhưng tập đoàn Thành Thành Công gần đây đã có những bước đi mới dồn dập trên thương trường.
“Tôi sẽ trở lại làm ngành ngân hàng nếu điều kiện thuận lợi. Không chỉ bản thân tôi mà những người có nghề và còn yêu nghề đều nên quay trở lại làm ngân hàng”, đó là lời chia sẻ của chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công Đặng Văn Thành với báo giới bên lề sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp 2016 do Forbes tổ chức ngày 30/9.
Cách đây 4 năm, giới ngân hàng từng sốc với sự ra đi của vị doanh nhân này tại Sacombank- đứa con tinh thần được ông gây dựng hơn 20 năm. Dù chưa thấy tín hiệu nào của doanh nhân này trong ngành ngân hàng, nhưng tập đoàn Thành Thành Công gần đây đã có những bước đi mới dồn dập trên thương trường.
Ngành lõi mía đường tái cơ cấu hướng tới quy mô lớn
Nhắc đến Thành Thành Công không thể không nói đến mía đường. Từ cuối thập niên 1980, hai vợ chồng ông Đặng Văn Thành bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỷ đường. Theo như lời tâm sự của bà Ngọc trong một lần phỏng vấn, vợ chồng bà đến với nghề đường đơn giản là vì mưu sinh.
Hiện Thành Thành Công đã là tập hợp của hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trên 5 lĩnh vực chính gồm mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, giáo dục, nông sản. Đầu năm 2012, báo chí từng đặt vấn đề tập đoàn này chiếm 40% thị trường đường Việt Nam còn hiện nay con số cũng được cho là 30%.
Về mảng kinh doanh lõi mía đường hiện tập đoàn này có hơn 8 công ty con từ sản xuất đến thương mại gồm: Thành Thành Công Tây Ninh, Thành Thành Công Gia Lai, Đường Biên Hòa, Đường Biên Hòa- Ninh Hòa, Đường Biên Hòa- Phan Rang, Thương mại Thành Thành Công, CTCP nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công, bao bì Thành Thành Công. Trong đó Thành Thành Công Tây Ninh lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2016 do Forbes bình chọn.
Mặc dù là ông lớn ngành mía đường nhưng trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt áp lực còn gia tăng sau khi lộ trình bảo hộ mía đường Việt Nam kết thúc năm 2018.Theo lời ông Thành, chậm nhất là cuối năm 2017 tập đoàn này sẽ ra mắt một công ty mía đường lớn thông qua việc xây dựng và hợp nhất các đơn vị nhỏ để tạo ra một công ty tiêu biểu cho ngành. Quy mô lớn phù hợp với nền kinh tế thị trường, tạo uy tín cho ngành mía đường Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm.
Ngoài việc mở rộng quy mô trong nước, Thành Thành Công cũng gấp rút những động thái tiến ra nước ngoài như sản xuất đường tại Campuchia, sắp tới là Lào. Giữa tháng 9 vừa qua, giới kinh doanh bất ngờ với tin tập đoàn này bắt tay cùng Hoàng Anh Gia Lai tiếp quản hoạt động liên quan đến ngành đường của bầu Đức tại Lào. Mặc dù hai bên chưa chính thức xác nhận việc chuyển nhưng nhưng trên Facebook cá nhân của một số lãnh đạo Thành Thành Công đã công bố những thông tin liên quan đến thương vụ đình đám này.
Bên cạnh đó Thành Thành Công còn đang lên kế hoạch chuẩn bị nâng cao năng lực tài chính hướng tới vươn rộng ra nước ngoài với dự định niêm yết mảng kinh doanh lõi này trên sàn chứng khoán Singapore trong vòng 5 năm tới, hy vọng thu về 600 triệu USD.
Đẩy mạnh sang lĩnh vực du lịch
Trong những năm gần đây giới kinh doanh chứng kiến đầu tư vào du lịch của hàng loạt doanh nghiệp lớn và Thành Thành Công cũng không đứng ngoài cuộc đua. Hai năm trước Thành Thành Công mua lại công ty Vinagolf trong ngành kinh doanh khách sạn kinh doanh không mấy hiệu quả và đổi tên mới là CTCP Du lịch Thành Thành Công- TTC Tourist.
Mới đây TTC Tourist thông qua kế hoạch tăng vốn từ 130 tỷ lên 780 tỷ để đầu tư vào các công ty thành viên trong mảng du lịch thuộc Thành Thành Công như Du lịch Thành thành công Lâm Đồng, du lịch Thắng Lợi, du lịch Thanh Bình, Du lịch Bến Tre.
Hiện hệ thống du lịch của Thành Thành Công quản lý 20 khách sạn và khu du lịch 3-4 sao đặt tại hầu hết các trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam như Đà Lạt, Cần Thơ, Bến Tre, Tp.HCM, Bình Thuận, Nha Trang đến Siêm Riệp, Campuchia. Mỗi năm hệ thống này đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm, du lịch được xác định là một lĩnh vực trọng điểm trong chiến lược phát triển của Thành Thành Công.
TTC Tourist đang ấp ủ mong muốn bắt kịp những chuỗi khách sạn hàng đầu hiện nay như Vinpearl, Sun Group, Mường Thanh Hospitality hay Ocean Hospitality.
Cái bắt tay giữa Thành Thành Công và Tín Nghĩa
Chính thức đầu tư lĩnh vực bất động sản và kho vận từ năm 2003, tính đến nay Thành Thành Công có 5 đơn vị thành viên và 2 đơn vị liên kết. Mới đây, tập đoàn này bất ngờchi hơn 500 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Tín Nghĩa với tỷ lệ nắm giữ 35%. Vốn được thành lập từ năm 1989, Tín Nghĩa là một trong những tổng công ty lớn của tỉnh Đồng Nai với doanh thu hàng năm xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính của Tín Nghĩa là kinh doanh cà phê (1 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam), phát triển bất động sản mảng khu công nghiệp (hiện đang quản lý 8 KCN lớn tại Đồng Nai), kho cảng- logistics (sở hữu điểm thông quan ngoài khu vực cửa khẩu Biên Hòa- ICD Biên Hòa có đầy đủ chức năng như một cửa khẩu gai nhập hàng hóa xuất nhập khẩu),…
Cũng hoạt động trong lĩnh vực nông sản, mía đường, cái bắt tay giữa Thành Thành Công và Tín Nghĩa giúp cả hai bên tân dụng hiệu quả hệ thống kho bãi, logistics của cả hai bên. Bên cạnh đó Sacomreal- công ty trụ cột trong mảng bất động sản của Thành Thành Công đang có mục tiêu phát triển các dự án bất động sản đô thị tại tỉnh Đồng Nai, mở rộng thị trường ra các khu vực lân cận Tp.HCM. Trong khi đó Tín Nghĩa đang đầu tư vào những công ty con về mảng này nhưng có những dự án có loay hoay không đem lại doanh thu như khu đô thị Đông Sài Gòn.
Dù chưa trở lại ngành ngân hàng nhưng bóng dáng doanh nhân Đặng Văn Thành ngày càng rõ rệt hơn trên thương trường, tràn đầy năng lượng như nụ cười của ông chứ không còn kín tiếng như cách đây vài năm trước, hứa hẹn tương lai ngọt ngào hơn nữa đang chờ Thành Thành Công.
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp