Doanh nghiệpKinh doanh

Sau khi gây ra vụ thu hồi tồi tệ nhất trong lịch sử ngành ô tô, công ty sản xuất túi khí Takata đã phải nộp đơn xin phá sản

Sau khi nộp đơn phá sản, Takata sẽ được một công ty Mỹ mua lại với giá 1,6 tỷ USD.

Sau khi gây ra vụ thu hồi tồi tệ nhất trong lịch sử ngành ô tô, công ty sản xuất túi khí Takata đã phải nộp đơn xin phá sản

Theo thông tin của tờ Reuters, tập đoàn Nhật Bản là Takata Corp – công ty chịu trách nhiệm cho vụ thu hồi xe lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô thế giới sẽ nộp đơn xin phá sản tại Nhật Bản vào ngày hôm nay với khoản nợ lên tới 9 tỷ USD.

Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp bất thường của hội đồng quản trị tập đoàn. Một vài giờ sau, chi nhánh của Takata tại Mỹ cũng nộp đơn xin phá sản với khoản nợ khoảng 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu chấm hết với Takata bởi nhà sản xuất linh kiện ô tô Mỹ là Key Safety System đã đồng ý mua lại công ty này với giá 1,6 tỷ USD. Trước đó, chính Key Safety System đã hỗ trợ Takata khoản tiền khổng lồ để chi trả cho hàng triệu lượt thay thế túi khí lỗi.

Công ty này cũng phải đối mặt với khoản phí liên quan tới luật pháp và các vụ thu hồi xe liên đới tới khách hàng của mình bao gồm cả Honda, BMW, Toyota và nhiều hãng khác.

Lỗi túi khí đã khiến công ty 84 năm tuổi của Nhật phải chịu trách nhiệm cho 17 cái chết trong các vụ tai nạn và hơn 180 trường hợp bị thương trên toàn thế giới.

Giới chức trên toàn thế giới đã yêu cầu 100 triệu chiếc túi khí Takata phải được thu hồi – quá trình này dự kiến mất gần một thập kỷ với chi phí lên tới 10 tỷ USD.

Chi phí khổng lồ này đã đẩy Takata tới bờ vực phá sản từ 3 năm qua và họ đã buộc phải bán nhiều chi nhánh để nộp phạt và một số khoản nợ khác.

Kết quả là, công ty đã chứng kiến khoản nợ tăng lên 397,8 tỷ yen vào tháng 3, trong khi đó tài sản ròng chỉ là 30 tỷ yen – giảm mạnh từ mức 160 tỷ yen từ 5 năm trước đó.

Đầu năm nay, Takata đã xin nộp phạt 1 tỷ USD cho những vấn đề về túi khí cho các nhà chức trách Mỹ.

Được thành lập từ năm 1933 như một công ty dệt, Takata bắt đầu sản xuất túi khí vào năm 1987 và ở thời hoàng kim, họ trở thành nhà sản xuất các thiết bị an toàn lớn thứ 2 thế giới. Họ cũng sản xuất 1/3 dây an toàn được dùng trên các loại xe bán trên toàn cầu, cùng với ghế ngồi trẻ em và một vài linh kiện khác.

CEO và chủ tịch Shigehisa Takata – cháu trai của nhà sáng lập công ty đã chịu sự chỉ trích nặng nề cho cách thức xử lý khủng hoảng quá kém khi xảy ra các vụ thu hồi. Ông đã tuyên bố sẽ từ chức sau khi đội ngũ quản lý mới tiếp quản công ty.

Phương Linh

Theo Trí Thức Trẻ/Reuters

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close