Khởi nghiệpKinh doanh
Shark Hưng chỉ ra tư duy sai ngay từ đầu của nhiều Startup: Luôn nghĩ thị trường sẽ tăng trưởng, có thể chết ngay vì không chuẩn bị lực để chống cự
“Hy vọng thị trường tốt lên là tư duy sai ngay từ ban đầu. Phải luôn tư duy theo lối thị trường xấu nhất thì sao, tình huống tệ nhất thì các bạn chịu đựng được thế nào, và điều gì xảy ra. Nếu tình hình xấu như thế mà chúng ta vẫn vượt qua được, vẫn sống sót thì khi thị trường tốt hơn hiển nhiên sẽ thành công”, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group – chia sẻ.
Đỗ Đầu là Startup gọi vốn khủng nhất trong chương trình Shark Tank Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Mang dự án với hoạt động cốt lõi là cải tạo và cho thuê lại văn phòng hạng C, Founder Đoàn Trần Giáp mong muốn gọi vốn 5 triệu USD đổi lại 20% cổ phần.
Đây là case gây tranh cãi khi Startup gọi vốn tự định giá quá cao, khiến chỉ số P/E cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, còn cá mập đưa ra đề nghị đầu tư lại muốn sở hữu 99% cổ phần.
Nhắc đến màn gọi vốn của Đỗ Đầu, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group chia sẻ: “Đây là một câu chuyện mà các Startup khác thường gặp phải – mô hình kinh doanh không rõ ràng với một concept rất mơ hồ là kinh doanh dòng tiền”.
“Kinh doanh dòng tiền” là từ Founder Đỗ Đầu mượn từ cuốn “Cha giàu, cha nghèo”, liên quan đến việc phân biệt giữa tiêu sản và tài sản, hàm ý tạo ra một dòng tiền đều đặn trong việc kinh doanh.
* Với trường hợp gọi vốn của Đỗ Đầu, ông có nuối tiếc khi đề nghị rót vốn tới 5 triệu USD, tương đương hơn 110 tỷ đồng, mà vẫn bị từ chối?
Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group: Những gì chúng tôi cần nói đã nói trên chương trình. Đỗ Đầu là một câu chuyện mà các Startup khác thường gặp phải – mô hình kinh doanh không rõ ràng. Bạn kinh doanh cái gì? Bán cho ai? Thu tiền bằng cách nào? Cơ cấu chi phí ra sao? Lợi nhuận biên thế nào?… Mô hình của Đỗ Đầu không rõ.
Trần Giáp – Founder Đỗ Đầu gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam tập 11.
Founder đưa ra một concept rất mơ hồ là kinh doanh dòng tiền. Cụ thể kinh doanh dòng tiền là kinh doanh cái gì để tạo ra dòng tiền? Tạo ra dòng tiền là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh. Bạn cần nói rõ bạn đầu tư theo kiểu bơm rất nhiều tiền vào, hoàn thành dự án thì rút ra, hay đầu tư như kiểu BOT – kinh doanh tạo ra dòng tiền bằng hình thức xây dựng một sản phẩm (Build), vận hành để tạo ra dòng tiền (Operate), khi hoàn đủ đầu tư ban đầu thì chuyển giao (Transfer).
Thứ nữa, các bạn đưa ra một con số huy động rất lớn như vậy để đưa vào theo hình thức, mà theo quan điểm của tôi, tạo dòng tiền theo cách như thế là hơi ngược. Các bạn bỏ một số tiền rất lớn ra để thuê bất động sản, sau đó nâng cấp lên, cải tạo, gia tăng thêm dịch vụ rồi cho thuê lại, thu hồi tiền theo kiểu “tiền lẻ”. Rủi ro có thể xảy ra ở đây là thị trường biến đổi khi các bạn đã phải bơm ra một số tiền rất lớn ngay tại một thời điểm.
* Mô hình kinh doanh mơ hồ như vậy, tại sao ông lại đưa ra offer đầu tư?
Tôi đưa ra offer đổi lấy 99% cổ phần (cười).
* Ông có thực sự muốn đưa Đỗ Đầu vào hệ sinh thái của CEN Group?
Tôi thấy Founder là người có kiến thức về tài chính – ngân hàng. Mô hình kinh doanh của bạn ấy không có gì mới, nhưng chúng tôi lại đang cần. Chúng tôi có bộ phận làm Leasing (cho thuê). Nếu như bạn ấy đồng ý, bởi số tiền 5 triệu USD là của chúng tôi bỏ ra, chúng tôi phải kiểm soát công ty gần như 100%. Chúng tôi phải quyết định là chúng tôi đầu tư vào đâu và dòng tiền như thế nào, chứ không phải là chúng tôi đưa tiền cho các bạn.
Tóm lại, 99% cổ phần hoán đổi là chúng tôi kiểm soát tuyệt đối. Đỗ Đầu sẽ trở thành một đơn vị kinh doanh trong hệ sinh thái của chúng tôi. Hay nói cách khác, với 1% cổ phần, bạn ấy chỉ còn là người làm thuê thuần túy với thu nhập cao.
Đó là một offer thực sự, thể hiện góc nhìn của tôi đối với mô hình kinh doanh đó. Với số tiền tương đương, tôi mua được 3 công ty với doanh số đã có như thế.
Ở phương diện khác, nếu bạn ấy đồng ý với deal đó thật, với sự kiểm soát của chúng tôi về dòng tiền, chúng tôi sẽ làm mô hình kinh doanh khác. Chúng tôi có thể đập bỏ toàn bộ mô hình kinh doanh đó đưa về mô hình kinh doanh của chúng tôi.
* Qua case của Đỗ Đầu, ông muốn nhắn gửi điều gì tới các bạn Startup trẻ?
Tất nhiên, ai cũng hy vọng thị trường tốt lên, nhưng đó là tư duy sai ngay từ ban đầu. Phải luôn tư duy theo lối thị trường xấu nhất thì sao, tình huống tệ nhất thì các bạn chịu đựng được thế nào, và điều gì xảy ra. Nếu tình hình xấu như thế mà chúng ta vẫn vượt qua được, vẫn sống sót thì khi thị trường tốt hơn hiển nhiên sẽ thành công.
Nếu thị trường tăng trưởng tốt, Founder Trần Giáp của Đỗ Đầu tin rằng doanh thu của DN năm thứ 5 có thể đạt đến 500 tỷ đồng. Shark Nguyễn Xuân Phú gạt đi: “Kinh doanh lĩnh vực này 10 năm có thể có được 1.000 tỷ nhưng chỉ cần một năm khủng hoảng thì có thể mất trắng. Rủi ro cực lớn!”
Còn nếu chúng ta cứ dự trù thị trường luôn luôn tăng trưởng, luôn tốt lên, thực tế không như thế thì chúng ta mất sức chống cự ngay lập tức. Chúng ta có thể chết ngay bởi chúng ta không được chuẩn bị để chống cự, đối phó với tình huống xấu nhất xảy ra.
Trong chương trình, khi các Sharks hỏi Không cho thuê hết được thì sao? Giá giảm đi thì sao?, bạn ấy không có được những lý luận sắc bén để bảo vệ được phương án của mình.
Lẽ ra các bạn ấy nên cho thuê theo hình thức ngược lại: Thu tiền trước từ bên thuê, thậm chí giảm giá, xong rồi trả tiền sau đối với chủ sở hữu bất động sản, và chúng ta thậm chí có thể trả cao hơn một chút. Những chênh lệch giữa khoảng thời gian thanh toán và tiến độ thanh toán đó chính là tạo một dòng tiền dương, tức chúng ta nhận tiền về nhưng chưa phải trả chi phí đi. Trong trường hợp này các bạn làm ngược lại, tiền trả ra trước, âm trước, xong bắt đầu mới thu dần, đến lúc “ngoi lên được mặt đất” mới gọi là hòa, còn dòng tiền dương hay không thì không biết.
Trong câu chuyện này, tư duy về mô hình kinh doanh cần phải xem xét.
CEN Group của chúng tôi từng làm một mô hình như thế rất thành công. Nhưng đó là khi chúng tôi ký được một hợp đồng dài, trả tiền trước với một bên thuê, sau đó chúng tôi mới tìm bất động sản phù hợp để thuê lại và trả tiền định kỳ, chậm hơn.
Rất may mắn là giá trị gia tăng chúng tôi mang lại cho họ – cải tạo một cái xưởng thành một nơi nghiên cứu và học tập – là một con số có độ chênh lệch rất lớn. Chúng tôi từng làm như vậy nhưng cách thu về dòng tiền hoàn toàn khác: Thu tiền trước, trả tiền sau.
Cách này hơi giống một số hệ thống bán buôn, chẳng hạn như chuỗi siêu thị Metro. Tại sao slogan của họ là Cash and Carry? Bởi Tiền vào – Hàng ra. Họ trả nhà cung cấp chậm hơn. Khách đi mua phải trả tiền ngay, nhưng nhà cung cấp đưa hàng vào 3 – 6 tháng sau mới được lấy tiền.
Còn với mô hình của Đỗ Đầu, các bạn lại trả tiền nhà cung cấp trước, sau đó đi tìm khách mua để bán rồi mới thu lại tiền lẻ, rất nguy hiểm trong mô hình kinh doanh.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Trí Thức Trẻ