Khởi nghiệpKinh doanh

Startup tạo hàng triệu việc làm mà không cần làm

Từ ý tốt muốn lập website giúp đỡ công việc kinh doanh của mẹ, Matt Barrie đã nảy ra ý tưởng và thành lập Freelance.com nhằm kết nối những người làm việc tự do (freelancer) và người có việc muốn thuê người làm lại với nhau

Startup của Matt Barrie – có giá hơn 300 triệu USD (khoảng 400 triệu AUD) – được thành lập cách đây 8 năm (tại Sydney), hiện có hơn 22,5 triệu người dùng từ khắp nơi trên thế giới.

Công việc trên Freelancer.com rất đa dạng, trải dài trong nhiều lĩnh vực, từ viết phần mềm ứng dụng, làm báo cáo, chạy chiến dịch quảng cáo cho công ty cho đến thiết kế hình xăm. Thậm chí, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã sử dụng website này từ năm 2015 để tìm người thiết kế sản phẩm cho trạm vũ trụ quốc tế, bao gồm cả một cánh tay robot mới.

Để có được thành công như ngày hôm nay, nhà khởi nghiệp 43 tuổi Barrie từng trải nghiệm không ít thất bại. Và ý tưởng về Freelance.com đến trong thời điểm ông đang nỗ lực vượt qua thất bại của startup đầu tiên.

Tìm kiếm thành công thực sự

Barrie thành lập startup đầu tiên vào năm 2006. Đó là Công ty Sensory Networks, có trụ sở đặt tại Sydney, chuyên sản xuất chip máy tính dành cho thiết bị an ninh. Dù sản phẩm được khách hàng đánh giá cao và nhận sự hỗ trợ đắc lực từ các nhà đầu tư mạo hiểm, nhưng Barrie vẫn cảm thấy có gì đó không ổn, đặc biệt về cách thức bán hàng.

Quả nhiên một thời gian sau, việc quảng bá gặp khó khăn, kéo hoạt động kinh doanh của công ty đi xuống. Và, Barrie đã từ bỏ “đứa con” đầu tiên của mình.

Thực tế, Sensory Networks đã sống sót qua cơn khủng hoảng tài chính mà không cần có Barrie. Công ty tiếp tục tăng trưởng và cuối cùng được “gã khổng lồ” trong mảng chip xử lý máy tính – Intel mua lại hồi năm 2013 với giá 20 triệu USD.

Nhớ lại quãng thời gian năm 2006, Barrie chia sẻ, áp lực khi đó khiến ông cảm thấy mình đang làm các nhà đầu tư mạo hiểm, nhân viên, và gia đình thất vọng. “Tôi cảm giác như mình đã thực sự thất bại”, ông nói với BBC.

Sau vài tháng nghỉ ngơi rời xa sức ép công việc, Barrie bắt đầu suy nghĩ về hướng đi mới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đang càn quét khắp thế giới, trong đó có Australia.

“Thế giới đang sụp đổ. Doanh nghiệp không còn được nhận tài trợ. Tôi đã nghĩ, Mình sẽ làm gì với bản thân đây“, Barrie nhớ lại. Và ông quyết định tận dụng khoảng “thời gian chết” này để xây dựng một website hỗ trợ công việc kinh doanh của mẹ – vốn là một nhà cung cấp sỉ vật liệu nghệ thuật, hàng thủ công.

Barrie dự định lên danh sách những cửa hàng lấy nguồn hàng từ mẹ ông. Bằng cách đó, có thể quảng bá rộng rãi thương hiệu và thu hút nhiều người tìm đến cửa hàng của gia đình. Tuy nhiên, file Excel thống kê danh sách có tới hơn 1.000 cửa hàng.

Để xử lý hết đống dữ liệu này, Barrie quyết định thuê ngoài toàn bộ. Ông tìm đến lao động địa phương, nhưng thậm chí cả khi đã đưa mức giá 2.000 AUD, cũng chẳng ai thèm ngó ngàng tới lời đề nghị của Barrie.

“Tôi đi dạo một vòng, hỏi vài người trong số họ và nhận được câu trả lời Ôi, công việc đó chán lắm. Tôi bảo, Tôi biết nó chán chứ! Đó là lý do tại sao tôi thuê anh làm việc với giá đó“. Sau 4 tháng, Barrie tuyệt vọng và bắt đầu lên mạng tìm kiếm người chịu nhập liệu với giá rẻ. Tình cờ, ông thấy một website tên Getafreelancer có trụ sở tại Thụy Điển.

“Đó là trang web xấu nhất tôi từng thấy trong đời. Loay hoay mãi, cuối cùng tôi cũng tìm ra cách đăng tin tuyển người làm”, ông nhớ lại, “Sau đó tôi đi ăn trưa và vài tiếng sau quay lại nhận được 74 email gửi đến chấp nhận yêu cầu làm việc với đủ mức giá, từ 2.000 AUD, 1.000 AUD, 500 AUD,… Tôi đã nghĩ có khi nào đây là một kiểu lừa đảo không”.

Cuối cùng, Barrie cũng tìm ra người làm việc cho mình. Đó là một nhóm freelancer ở Ấn Độ, họ cam kết hoàn thành công việc nhập liệu trong 3 ngày với giá chỉ… 100 AUD.

“Tôi thật không thể tin vào mắt mình, cả một đội ngũ freelancer trên internet, rất nhiều người trong số họ đến từ những thị trường mới nổi. Tôi nhìn qua tất cả các dự án đăng tải trên website. Nó giống như trang web bán hàng trực tuyến ebay chỉ dành để mua-bán công việc. Thật tuyệt vời!”, Barrie chia sẻ.

Rất tâm đắc với phát hiện mới đó, Barrie quyết định tự tạo ra phiên bản mới của mình dưới tên gọi Freelance.com.

Tuy nhiên, sau đó ông gặp khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư. Các nhà đầu tư mạo hiểm – những người trước kia từng đổ xô đến startup đầu tiên của ông, tỏ ra e dè hơn trong lần này. Bên cạnh đó, các ngân hàng lại không sẵn lòng cho vay đối với một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào website mà không có bất động sản hay tài sản có thể thu hồi trong trường hợp thất bại.

Cuối cùng, một người bạn của Barrie – người vừa bán công ty riêng của mình, quyết định cùng hùn tiền với ông mở công ty, dùng tiền đó chi trả tiền thuê freelancer trên Getafreelancer, trước khi mua lại doanh nghiệp đó.

Kể từ đó đến nay, Freelance.com đã thâu tóm 18 trang web đối thủ khác và ngày càng lớn mạnh. Số lượng nhân viên làm việc trực tiếp cho Công ty hiện lên tới 570 người.

“Gãi đúng chỗ ngứa”

Dù đem lại lợi ích thiết thực nhưng những trang web như Freelance.com phải đối mặt với không ít chỉ trích, một trong số đó là gia tăng sự cạnh tranh khiến công việc ngày càng mất giá. Barrie không đồng tình với chỉ trích trên, ông cho rằng Công ty đã tạo ra những tác động lớn, tích cực đến hàng triệu người dân, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

“Có những nơi mà người dân ở đó chỉ kiếm được 2 AUD/ngày. Trong khi mỗi dự án trên Freelance.com trung bình được trả với giá 200 AUD/ngày”, Barrie so sánh, “Bạn có thể kiếm được khoản tiền bằng với mức lương hằng tháng của mình chỉ trong vài ngày cộng tác thông qua Freelance.com. Đó là một cách cơ bản trong việc đãi ngộ nhân tài. Giá trị sức lao động của bạn tùy thuộc vào khả năng tìm công việc mà bạn muốn làm và chất lượng hoàn thành nó”.

Bên cạnh đó, không nhất thiết những freelancer trả giá thấp nhất mới giành được việc trên Freelance.com. Công ty này thống kê, có tới 47% các dự án trên website được giao cho những freelancer ra mức giá trung bình hoặc cao hơn giá ban đầu, tùy theo thỏa thuận đôi bên.

Theo doanh nhân Emma Sinclair – đồng sáng lập công ty chuyên cung cấp phần mềm quản lý nhân sự Enterprise Jungle, ngày càng nhiều công ty có nhu cầu thuê nhân sự bên ngoài thực hiện công việc thay vì giao cho nhân viên nội bộ.

Bà Emma dẫn số liệu thống kê cho thấy, gần 35% người lao động hiện nay không phải là nhân viên chính thức làm việc trong công ty và xu hướng này đang ngày càng lan rộng. “Qua đó cho thấy, những trang web như Freelance là cực kỳ hữu ích trong việc phục vụ lực lượng lao động có nhu cầu tìm việc – vốn ngày càng tăng, cũng như kết nối họ với các tập đoàn có nhu cầu tuyển dụng”, bà nói.

Emma đánh giá, thị trường mua bán việc làm trực tuyến là một “thị trường vô giá tập trung nhiều nhân tài, bên cạnh việc sở hữu một hệ thống đánh giá hết sức quan trọng đủ khả năng loại bỏ những người lao động yếu kém hoặc không đáng tin cậy”.

VÂN THẢO (theo BBC)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close