Khởi nghiệpKinh doanh

Startup Việt Nam trong năm 2016 đã làm được gì và học được gì?

2016 trở thành năm rất đáng nhớ với các startup tại Việt Nam, không chỉ có hàng loạt thành công đến mà còn cả những bài học thất bại hay vấn đề cạnh tranh.

Khởi nghiệp được quan tâm thực sự từ mọi phía

Trong thời gian gần đây, startup luôn được nhắc đến rất nhiều và đặc biệt trong năm 2016. Không chỉ ở cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp, cả nhà nước, các nhà đầu tư cũng đang có những hành động cụ thể nhằm hỗ trợ các startup có thể phát triển những bước đi đầu tiên của mình.

Đầu tiên phải kể đến việc chính phủ chọn năm 2016 là năm “Quốc gia khởi nghiệp” và đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó mục tiêu đến 2025, sẽ có 2.000 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ với 600 doanh nghiệp. 100 doanh nghiệp được đầu tư và thực hiện các hoạt động M&A với giá trị ước tính 2.000 tỷ đồng.

Trong tháng 6/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá khởi nghiệp tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên ông cũng cho rằng các startup hiện vẫn đang gặp khó khăn trong vấn đề vốn. Do đó Phó Thủ tướng cũng đưa ra ý tưởng thành lập sàn giao dịch chứng khoán riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao phát triển đề án.

Bên cạnh vấn đề hỗ trợ phát triển, chính phủ cũng có những ủng hộ khác về vấn đề pháp lý như bỏ điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015 về cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, giúp cho các dự án khởi nghiệp không gặp trở ngại về luật khi tiến hành thử nghiệm các sản phẩm phần mềm hay dịch vụ trực tuyến.

Tổng thống Obama nói chuyện với các startup Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 5/2016

Cũng trong năm nay, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đã có cơ hội được tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của ông.

Hàng loạt các hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng mang lại cho startup Việt Nam trong năm 2016 những cơ hội học tập, mang sản phẩm của mình đi giới thiệu ở quốc tế.

Nhiều dự án triệu đô xuất hiện

Bên cạnh những hỗ trợ, bản thân nỗ lực từ chính startup cũng giúp họ có được những thành công nhất định. Năm 2016 là năm chứng kiến hàng loạt các dự án khởi nghiệp trong nước nhận được những khoản đầu tư khủng. Phải kể đến dự án MoMo với số tiền huy động được lên đến 28 triệu USD, GotIt 9 triệu USD hay Vntrip với 3 triệu USD. Nhiều dự án khác mặc dù không công bố số tiền được đầu tư chính xác nhưng cũng được định giá ở mức tương tự.

Khoản tiền này đến từ cả những nhà đầu tư danh tiếng ở Thung lũng Silicon cho đến những quỹ mạo hiểm tại Châu Á hay thậm chí đến từ chính những quỹ tại Việt Nam.

Nhiều dự án đã đạt những giải thưởng quốc tế như ứng dụng học tiếng Anh Elsa vượt qua 1.200 đối thủ để đứng đầu tại cuộc thu SXSWedu. Monkey Junior được trao giải vàng ở hạng mục Startup xuất sắc nhất tại Asean Ict Awards.

Không thể không kể đến hiện tượng DesignBold cuối năm 2016 với con số doanh thu kỷ lục gần 3 tỷ đồng sau 2 tuần có mặt trên thị trường. Đây cũng là dự án được nhiều trang web công nghệ trên thế giới đánh giá là một trong những công cụ thiết kế xuất sắc nhất năm 2016.

Trong năm nay, một startup về truyền thông của Việt Nam là Bigcat đã được nhà đầu tư nước ngoài mua lại với số tiền lên đến triệu USD.

Thất bại và những câu chuyện xấu

Fan page chính thức của Lingo nói về lý do giải thể của công ty  

Thất bại khi khởi nghiệp không phải là chuyện hiếm, kể cả khi dự án đã đi vào hoạt động một thời gian trên thị trường. Tháng 8/2016 Lingo.vn trở thành startup thương mại điện tử tiếp theo của Việt Nam chính thức dừng hoạt động. Sau đó 1 tháng, fanpage chính thức của startup này đưa ra những thông tin tố nhà đầu tư chính là nguyên nhân khiến cho họ phải ngừng hoạt động. Kèm theo đó là hàng loạt vấn đề chưa giải quyết bao gồm chế độ cho nhân viên, tiền còn nợ với các đối tác.

Cùng vấn đề nợ tiền đối tác, The Kafe của Đào Chi Anh sáng lập cũng bị các đối tác tố chiếm dụng vốn kinh doanh đến hàng tỷ đồng và vị sáng lập này cũng phải rời vị trí CEO vào cuối tháng 10.

Gần đây nhất Vntrip.vn cũng đã tố dịch vụ quốc tế Agoda hoạt động tại Việt Nam trốn thuế. Ngày 14/12 Văn phòng Chính phủ đã nhận được kiến nghị của công ty này. Theo đó Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, xử lý và trả lời VnTrip.vn trước ngày 12/1.

Như vậy câu chuyện startup với nhà đầu tư hay cạnh tranh giữa startup Việt Nam và dịch vụ quốc tế sẽ trở thành bài học cho các dự án khởi nghiệp trong năm 2017.

TÙNG LINH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close