Câu chuyệnKinh doanh

Sứ mệnh của nhà lãnh đạo trong 2017: Xây dựng sự tin tưởng

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 (WEF 2017), những nhà lãnh đạo các nền kinh tế toàn cầu đã thảo luận sâu về vấn đề được cho là đang nổi bật nhất hiện nay: nỗi sợ hãi về sự sụt giảm niềm tin.

Timothy F. Ryan – Chủ tịch phụ trách khu vực nước Mỹ của Công ty kiểm toán PwC – cũng đã tham dự Diễn đàn và nêu quan điểm về vấn đề này qua một bài viết được giới thiệu trên The Huffington Post:

Khảo sát mới đây của PwC trên nhiều CEO đã cho thấy, hiện có một nỗi bất an về sự thiếu chắc chắn trong cộng đồng doanh nhân nói riêng và trong toàn xã hội nói chung. Và đây chính là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này lại cho biết, họ rất tin vào khả năng tiến bộ của chính mình (39% người tin tưởng điều này), và rằng họ cũng đang tìm kiếm nhân tài có cùng quan điểm như vậy.

Cá nhân tôi thì lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Hơn nữa, tôi tin rằng việc củng cố niềm tin và xây dựng một nền kinh tế và xã hội vững mạnh hơn là điều hoàn toàn khả thi.

Việc đầu tiên cần làm là thay đổi thực trạng đang diễn ra – nhiều người xem toàn cầu hóa chỉ là một mỹ từ. Sự phát triển kinh tế theo hướng toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều tác động tích cực, giúp hơn 1 tỷ người thoát nghèo, làm cho công nghệ trở nên dễ tiếp cận hơn và khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, quá nhiều người không nhìn thấy được những lợi ích đó, bởi họ bị nhiều trải nghiệm tiêu cực cá nhân lấn át. Họ bị bỏ lại phía sau khi một số công ăn việc làm chạy ra khỏi biên giới, hay những công nghệ từng hữu ích cho công việc của họ đã trở nên lỗi thời hoặc kém hiệu quả. Giấc mơ của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn bị đình trệ. Vì vậy, họ nhìn toàn cầu hóa chỉ giống như một lý lẽ mà một số người có tầm ảnh hưởng trên thế giới dùng để bào chữa cho sự thành công và giàu có của mình.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần phải tăng cường sự địa phương hóa để có thể kết nối với những người lao động chịu tác động bất lợi bởi lực lượng lao động toàn cầu. Những lao động này cần phải được củng cố niềm tin rằng, ngoài mối bận tâm lớn nhất là lợi nhuận, doanh nghiệp cũng thực sự quan tâm đến họ. Doanh nghiệp phải cho thấy, tinh thần chia sẻ các giá trị đóng vai trò như một mục đích hoạt động của mình.

Nhân viên muốn thuộc về một công ty mà họ tin rằng có phương châm làm việc gắn liền với lẽ phải. Khách hàng mong muốn sản phẩm hoặc dịch vụ họ sử dụng được cung cấp bởi một doanh nghiệp chú trọng đến yếu tố đạo đức. Nếu mục đích của một công ty được thể hiện minh bạch, những nhân tài hàng đầu sẽ bị thu hút và sự tăng trưởng của công ty trên thị trường sẽ phản ảnh được điều đó. 75% CEO được khảo sát đồng ý rằng, một mục đích mạnh mẽ của doanh nghiệp sẽ được phản ánh trong những giá trị, văn hóa doanh nghiệp và hành vi.

Điều này bắt đầu bằng sự minh bạch. Nếu doanh nghiệp tạo nên một tuyên bố về mục đích hoạt động, tuyên bố này phải gắn với thực tế. Nếu mục đích hoạt động chỉ mang tính “có cho vui”, bạn sẽ nhanh chóng bị “lật tẩy” bởi nhân viên, khách hàng hoặc truyền thông. Bạn cũng sẽ phá hủy đi niềm tin mà mọi người đã kỳ vọng.

Tôi khuyến khích doanh nghiệp nên đi theo hướng chấp nhận thử thách mà một mục đích chân chính mang lại. Nó sẽ giúp bạn kiểm soát được “vận mệnh” của công ty, bằng cách giúp nó trở nên ngày một tốt hơn, phát triển sản phẩm ngày một chất lượng hơn và môi trường làm việc trở thành nơi đáng được ao ước hơn.

Mục đích minh bạch là yếu tố quan trọng hàng đầu của một doanh nghiệp, còn văn hóa chính là yếu tố nền tảng giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Hơn bao giờ hết, ở giai đoạn hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp là một công việc “khó nhằn”, vì bạn phải chịu trách nhiệm với nhà đầu tư, với nhân viên, với khách hàng và với cả xã hội. Nhưng đó là điểm đặc thù của công việc và các nhà lãnh đạo được trả lương rất hậu hĩnh để đảm nhận nó. Trong khi đó, dữ liệu kinh tế cho thấy, các nhà quản lý cấp trung ở Mỹ đã không được tăng lương trong nhiều năm. Sự mất cân bằng này nên được xóa bỏ, nhất là trong trường hợp những lãnh đạo cấp cao và cấp trung gần như làm những phần việc giống hệt nhau.

Tôi là một người ủng hộ cách lãnh đạo dựa trên sự tin tưởng, nghĩa là khuyến khích các nhà điều hành trao quyền cho nhân viên nhiều hơn. Bằng cách tuyển dụng đúng nhân tài và cho họ quyền hành động vì những động cơ đúng đắn vào những thời điểm hợp lý, bạn đã thổi một luồng sinh khí tin tưởng vào công ty mình.

Cuối cùng, sự đa dạng phải được đón nhận. Điều này đã được nhiều doanh nghiệp nhận ra, tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài nữa để đi. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải hiểu được giá trị của những quan điểm khác biệt, dù cho chúng xuất phát từ sự khác biệt giới tính, tôn giáo hay chủng tộc.

Không có cây đũa thần nào có thể giúp củng cố niềm tin trong công ty hoặc tổ chức của chúng ta. Giúp đỡ những người bị gạt ra ngoài rìa của làn sóng kinh tế toàn cầu là một việc không dễ dàng. Chúng ta phải tạo ra các dịch vụ và sản phẩm mới tốt hơn, tạo ra các cơ hội và việc làm mới, đồng thời gắn kết với cộng đồng nhiều hơn nữa. Trách nhiệm và mục đích của chúng ta – các nhà lãnh đạo doanh nghiệp – là tái thiết lập và nâng cao lòng tin tại môi trường làm việc, trên thị trường và trong xã hội. Đây không chỉ là điều đúng đắn, mà còn là điều duy nhất đáng để hành động. Đó là mục đích của chúng ta.

BÍCH TRÂM lược dịch

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close