Kỹ năngQuản trị

Cách ứng phó với 5 sự cố khi thuyết trình gọi vốn

Thuyết trình là việc không thể thiếu khi startup muốn gọi vốn đầu tư khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ càng, học hỏi cách thuyết trình lôi cuốn, hấp dẫn, bạn cần phải có kỹ năng ứng phó với những sự cố bất ngờ xảy ra.

Trước khi thuyết trình, bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng từ nội dung, slide, lưu bản nội dung, chuẩn bị ngoại hình, tập nói cho nhuần nhuyễn…

Nếu may mắn bạn không gặp khó khăn nào nhưng nếu xảy ra 1 trong những tình huống dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tham khảo cách ứng phó vượt qua 1 cách dễ dàng và thành công để gây thiện cảm từ nhà đầu tư tiềm năng.

1. Slide dừng hoạt động

Dù slide không hoạt động, câu chuyện của bạn vẫn có thể tiếp tục. Slide không phải là tất cả, do đó bạn cần cố gắng tiếp tục trình bày những ý tưởng của bạn một cách tự tin, thoải mái.

Khi đã tập luyện bài nói kỹ càng, vạch ra những ý chính nhất thì bạn hoàn toàn có thể tiếp tục nói mà không cần nhìn đến slide. Đôi khi việc không nhìn slide lại khiến “khán giả” tập trung vào bạn nhiều hơn và bạn có thể tận dụng khả năng nói của mình để thuyết phục họ tốt hơn.

Ngoài ra, nếu lúng túng và không thuộc hết, bạn có thể sử dụng những bản in dự phòng đã chuẩn bị trước. Chú ý: kể cả khi có bản in, bạn vẫn không nên phát chúng cho khán giả, bởi họ sẽ phân tâm và không chú ý đến những gì bạn nói.

2. Máy tính hư

Nếu các slide không hoạt động từ đầu và bạn đã đứng trên sân khấu, hãy cứ bắt đầu thuyết trình thay vì loay hoay sửa chiếc laptop để khán giả phải chờ đợi bạn.

Và lúc này là lúc cần bạn phát huy khả năng cá nhân, trình bày những ý tưởng một cách hấp dẫn, sinh động nhất có thể để lôi kéo nhà đầu tư.

Không để mình phụ thuộc vào máy móc công nghệ, hãy bắt đầu bằng nụ cười, nói được vài câu hài hước thì càng tốt, và bắt đầu trình bày một cách tự tin.

3. Micro hỏng

Đây là một tình huống thường xảy ra. Trong nhiều trường hợp, bạn không nhận ra mic đã dừng hoạt động và cứ tiếp tục nói, sau đó khán giả tỏ thái độ không thể nghe thấy gì thì bạn sẽ dừng lại đột ngột, đó là lúc bạn dễ quên mất đang nói gì hay cần phải nói gì và không biết bắt đầu lại từ đâu.

Để tránh rơi vào tình huống này, khi thuyết trình hãy kết nối với khán giả, chú ý đến thái độ của những người ở cuối khán phòng. Họ có ra dấu hiệu hay tỏ thái độ không nghe được bạn nói không?

Bạn có thể chủ động tương tác hỏi họ xem có nghe rõ không, điều chỉnh âm lượng, cố gắng nói to hơn, rõ hơn và khiến bầu không khí thân thiện hơn.

Những diễn giả chuyên nghiệp sẽ biết cách theo dõi phản ứng của người nghe và ngay khi mic bị hỏng, họ sẽ nói to hơn, tiếp tục bài diễn thuyết như không có chuyện gì xảy ra. Vì thế, bạn hãy chuẩn bị như những người chuyên nghiệp để hoàn thành bài thuyết trình của mình một cách tốt nhất.

Không khó để vượt qua những sự cố khi thuyết trình
Không khó để vượt qua những sự cố khi thuyết trình

4. “Quên bài”

Phần lớn mọi người luôn cảm thấy hoang mang khi slide bị hỏng, sẽ không có công cụ nào nhắc họ phải nói đến điều gì tiếp theo.

Tuy nhiên phải nhìn nhận lại rằng buổi pitching không giống như việc bạn phải học thuộc lòng mọi thứ. Hãy ghi chú những điểm quan trọng nhất, viết dàn ý trên tờ giấy nhỏ và trình bày theo kịch bản được chuẩn bị trước. Không cố gắng ghi nhớ từng chữ, thay vào đó, hãy ghi nhớ những điểm bạn muốn nhấn mạnh là cách tốt nhất.

5. Trả lời phản biện

Đây là phần không thể thiếu sau khi kết thúc phần trình bày, bạn sẽ nhận được những câu hỏi từ khán giả.

Một số câu hỏi có thể sẽ hóc búa, liên quan đến tính pháp lý, những dự báo, các vấn đề tiềm năng…

Thay vì “toát mồ hôi hột”, lúng túng, run rẩy vì không biết trả lời ra sao, bạn hãy xem đây là cơ hội để học hỏi, và nhận ra những lỗ hổng kiến thức cần bổ sung và nghiên cứu kỹ sau đó. Đối phó với trường hợp ai đó đặt quá nhiều câu hỏi, hãy sắp xếp các ý tưởng của bạn, tóm tắt câu hỏi, trả lời từng câu hỏi một.

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close