Kinh doanh quốc tếThế giới

3 rủi ro lớn nhất của kinh tế châu Á năm 2018 là gì?

Không ai dám khẳng định khủng hoảng sẽ không trở lại nếu chính phủ các nước châu Á không ráo riết thực hiện các biện pháp kịp thời.

 

3 rủi ro lớn nhất của kinh tế châu Á năm 2018 là gì?

Ảnh: STA Travel

Kinh tế châu Á đã bước vào năm 2018 đầy suôn sẻ, tốc độ tăng trưởng năm 2018 của nhiều nền kinh tế lớn được dự báo sẽ ở mức cao. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy còn nhiều khó khăn trước mắt.

Thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng dẫn đến thừa thãi nguồn cung gây thiệt hại cho không ít nền kinh tế châu Á. Tại Jalan Kuching, khu vực cách trung tâm Kuala Lumpur khoảng 20 phút lái xe, người ta nhìn thấy nhiều biểu ngữ giăng bên ngoài tòa nhà đã hoàn thành trước đó đến một năm.

Giá cho thuê quá cao nên dù đã hoàn thành khá lâu, tỷ lệ lấp đầy của tòa nhà chỉ đạt 10%. Dù tòa nhà này không xa trung tâm thế nhưng không mấy ai muốn lui tới nó.

Không chỉ riêng khu vực trên, tình trạng quá thừa thãi bất động sản các phân khúc diễn ra vô cùng phổ biến tại thủ đô Kuala Lumpur. Tại nhiều tòa nhà sang trọng cách tòa nhà biểu tượng Petronas chỉ khoảng 10 phút đi bộ, tỷ lệ lấp đầy cũng chỉ đạt chưa đến 50%. Giá cho thuê quá cao, chủ những tòa nhà này đặt giá đến 2.120USD/mét vuông/tháng cho mỗi diện tính 278 mét vuông.

Lim Soo-hyang là một bà nội trợ năm nay 37 tuổi sống ở Ilsan, một khu vực ở phía Bắc thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Tháng Tám năm ngoái, gia đình cô vay thế chấp từ ngân hàng Shinhan để mua căn hộ có bốn phòng ngủ với lãi suất 3,47%.

Tuy nhiên mức lãi suất này không cố định, sau khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nâng lãi suất vào tháng 11/2017, gánh nặng nợ nần của gia đình sẽ ngày một nặng nề hơn.

Tại Philippines, vấn đề tăng trưởng tiêu dùng thấp hiện đang khiến không ít nhà hoạch định chính sách lo lắng. Trong quý 3/2017, tiêu dùng cá nhân chỉ tăng trưởng được 4,5%, thấp hơn mức mục tiêu 6% đến ba quý liên tiếp. Nhiều khả năng người Philippines đang ngày một tiết kiệm hơn.

Một nhân viên văn phòng 27 tuổi cho biết anh sẽ vẫn giữ nguyên mức chi tiêu của năm trước ngay cả khi lương của anh tăng lên: “Tôi thường có bảng ngân sách chi tiêu mà tôi thực hiện chặt chẽ hàng tháng, tính chi tiết đến từng khoản chi tiêu cho thực phẩm, đi lại và giải trí. Khi mà tôi tốn nhiều tiền chi tiêu cho khoản gì hơn, tôi thường bù lại bằng cách tiết kiệm tiền chi tiêu cho khoản khác. Trong nhiều trường hợp, đến 50% thu nhập của tôi được dành để tiết kiệm.”

Ba câu chuyện ở ba đất nước như trên đã nói lên những thách thức không hề nhỏ với kinh tế châu Á: thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng, nợ cá nhân và doanh nghiệp tăng cao, tiêu dùng người dân tăng trưởng trì trệ.

Cho đến nay, người ta chưa nhìn thấy rõ ràng hậu quả của những vấn đề trên lên nền kinh tế, thế nhưng chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế châu Á khi áp lực trên toàn cầu gia tăng.

Ngân hàng Trung ương và chính phủ nhiều nước châu Á thừa hiểu những rủi ro này. Trong báo cáo gửi lên chính phủ, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc phân tích: “Những hộ gia đình thu nhập thấp và những người vay tiền có tuổi ngoài 50 sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất khi lãi suất tăng 100 điểm cơ bản.”

Ngân hàng Negara Malaysia, Ngân hàng Trung ương Malaysia, trong tháng 11/2017 dự báo tỷ lệ văn phòng trống tại Klang Valley sẽ lên đến 32% vào năm 2021, đồng thời cảnh báo các yếu tố bất ổn sẽ gây ra nhiều rủi ro lên tổng thể nền kinh tế trong bối cảnh có khủng hoảng.

Trong cùng tháng, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore không khỏi lo lắng: “Những diễn biến mới nhất trên thị trường bất động sản tiềm ẩn rủi ro gây ra nhiều vấn đề với tình hình ổn định kinh tế. Các bên tham gia thị trường cần phải xem xét kỹ các yếu tố cung cầu và hành động thận trọng.”

Nếu ai đó chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng kinh tế dự báo cho năm 2018, người ta sẽ nghĩ rằng các lời cảnh báo trên là thận trọng thái quá.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,7%, cao hơn so với con số 3,6% của năm 2017. Tại châu Á, kinh tế Ấn Độ được kỳ vọng tăng trưởng đến 7,4%, cao hơn so với con số 6,7% của năm ngoái.

Nhóm năm nền kinh tế quan trọng của Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 5,2% trong năm nay, tương đương với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái.

Vậy để ngăn rủi ro tăng trưởng kinh tế sụt giảm, chính phủ các nước châu Á nên làm gì?

Thứ nhất, chuyển hướng động lực tăng trưởng từ tiêu dùng sang xuất khẩu. Thứ hai, cần điều chỉnh lộ trình nâng lãi suất cơ bản thật phù hợp và có đánh giá tác động cẩn thận. Thứ ba, cần có lộ trình rõ ràng nhằm giảm nợ người dân và chính phủ.

Nợ tại Trung Quốc từ năm 2017 đến nay đã tăng gấp đôi, tỷ lệ nợ/GDP tại Trung Quốc giờ cao hơn so với Nhật, Mỹ và Đức. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ nợ/GDP đến quý 2/2017 chạm mức 193,9%.

TRUNG MẾN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close