Tài chính - Ngân hàngThị trường

Ngân hàng lãi đậm, nhiều khả năng giảm lãi suất cho vay?

Lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống năm 2017 ước tăng tới 44,5% so với năm 2016. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cao hơn năm trước, ước đạt lần lượt 0,69% và 10,2%…

Ngân hàng lãi đậm, nhiều khả năng giảm lãi suất cho vay?

Ảnh minh họa.

Ngân hàng đồng loạt báo lãi ngàn tỷ

2017 có thể được coi là một năm “ăn nên làm ra” của các nhà băng. Ngân hàng BIDV mới đây cho biết, kết thúc năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống năm 2017 đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 14,2% so với kết quả năm 2016 và vượt 13,5% kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã công bố mức lợi nhuận kỷ lục lên tới 10.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016.
Đây mới chỉ là hai ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh cả năm 2017.
Dù vậy, chỉ nhìn vào báo cáo tài chính 9 tháng cũng cho thấy, hàng loạt ngân hàng đã vượt kế hoạch năm dù chưa cần đi hết quãng đường.
Maritimebank là một ví dụ. Kết thúc 9 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 589 tỷ đồng, tăng tới 207% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, ngoài hoạt động tín dụng vẫn là mảng chính, mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần 1.174 tỷ đồng thì mảng mua bán chứng khoán đầu tư cũng bất ngờ có đóng góp lớn với khoản lãi lên tới 900 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các mảng như dịch vụ, mua bán chứng khoán kinh doanh,… cũng đạt được kết quả khá khả quan. Theo đó, chỉ trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt gấp 3,6 lần so với kế hoạch lợi nhuận đề ra hồi đầu năm là 165 tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Sacombank, chỉ trong 9 tháng, ngân hàng này đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm tới 75%, đạt 1.025 tỷ đồng.

Trong đó, mảng tín dụng vẫn đáng vai trò “xương sống” khi mang về cho ngân hàng tới 3.759 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 38,7% so với cùng kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 27% trong khi mảng mua bán chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận khoản lãi tăng gần gấp 3 lần, đạt 129 tỷ đồng.

Các ngân hàng khác như HDBank hay TPBank cũng đều đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm với mức lần lượt 47% và 3%.

Trong khi đó, theo một báo cáo mới công bố của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống năm 2017 ước tăng tới 44,5% so với năm 2016. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cao hơn năm trước, ước đạt lần lượt 0,69% và 10,2% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%).

Có cơ hội giảm lãi suất

Đánh giá về kết quả kinh doanh ngành ngân hàng năm 2017, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, đây là một năm hết sức thắng lợi của ngành, thắng lợi trên nhiều phương diện trong đó có phương diện tài chính.

“Tất cả các doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng một khi đã kinh doanh thì đều mong có lợi nhuận, năm nay các ngân hàng có sự tăng trưởng lớn, là điều cực kỳ quan trọng vì tăng cường được năng lực tài chính mới giúp đảm bảo sự ổn định của ngân hàng và hệ thống nói chung”, Phó Thống đốc nói.

Cũng theo Phó Thống đốc, hầu hết các ngân hàng, kể cả một số ngân hàng yếu kém, trước kia được mua 0 đồng, dù có thể chưa có lãi nhưng cũng đã khắc phục được nhiều khó khăn.

Một số ngân hàng năm trước không lãi hoặc lãi thấp thì năm nay cũng đã có lãi cao. Đây là điều quan trọng tạo sự ổn định hệ thống, cũng là một trong những nhân tố quan trọng giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam được các tổ chức quốc tế nâng hạng từ ổn định lên tích cực.

Theo đó, Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, khi điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, thì sẽ thực hiện giảm lãi suất.

“Dù vậy, mức giảm bao nhiêu sẽ phải tuỳ thuộc vào thực tế cho phép. Các ngân hàng sẽ phấn đấu tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, có thể trong quý I hoặc muộn hơn. Thời điểm, mức độ giảm bao nhiêu hiện NHNN vẫn phải chờ chỉ đạo từ Thủ Tướng. Tuy vậy, tinh thần chung là ngành ngân hàng sẵn sàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp”, lãnh đạo NHNN cho biết.

TRẦN THÚY

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close