Khởi nghiệpKinh doanh

Nghĩ về khởi nghiệp: Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất!

Bài viết của anh Đoàn Nhật Quang, CEO Công ty TNHH TiKiBo, Sữa bắp tươi MR.NGÔ đăng trong Group Quản Trị và Khởi nghiệp là những chia sẻ rất hữu ích cho những ai đang trên con đường khởi nghiệp gian truân.

Trong một cỗ máy lớn có vô số những bánh răng nhỏ, thậm chí siêu nhỏ và chỉ có vài bánh răng lớn có tác dụng đẩy cả guồng máy ấy hoạt động. Khi rất nhiều những bánh răng nhỏ quay, người ta thường không thấy được lợi ích của nó, hoặc xem đó chỉ là những chi tiết vụn vặt, có cũng được mà không có cũng không sao. Tuy nhiên khi cỗ máy hoạt động rồi, nhìn lại quá trình thì mới thấy những bánh răng nhỏ ấy cần thiết biết bao, nếu như thiếu một vài bánh răng bé tí thì có lẽ cỗ máy kia sẽ không thể hoạt động trơn tru được. Ấy thế mà đã có lúc người ta lầm tưởng, nghĩ rằng có thể bỏ bớt đi những bánh răng nhỏ để… đỡ phiền.

Khởi nghiệp cũng giống như quá trình hoạt động của một cỗ máy, khi một công ty mới thành lập thường có vô số những việc vụn vặt phải làm, từ giấy tờ thủ tục cho đến việc triển khai các hoạt động nghiên cứu và kinh doanh. Các công việc ấy tưởng chừng như không quá quan trọng mà nếu có bỏ bớt đi cũng không sao.

Các nhà khởi nghiệp thường theo đuổi những mục tiêu lớn lao như gọi vốn thật nhiều, nhân rộng mô hình với tốc độ chóng mặt mà quên mất việc xây dựng nền móng cho công ty của mình. Với họ, marketing phải là lên tivi với clip hoành tráng, là làm truyền thông với cả núi tiền để xuất hiện trên hàng trăm website. Mô hình kinh doanh phải nhân rộng với tốc độ mỗi năm vài chục cửa hàng hoặc vài chục ngàn người sử dụng…

Nhưng bản chất của vấn đề không phải vậy, việc đầu tiên phải nghĩ đến là… tiền đâu?

Làm marketing hoành tráng ai mà chẳng muốn, nhưng để làm được điều đó trước hết bạn phải có tiền, rất nhiều tiền. Thế là bạn phải đi gọi vốn, phải đi vay thật nhiều và rồi bạn mất đi rất nhiều quyền lợi, đến mức khi có tiền rồi bạn đã không còn đủ điều kiện để điều khiển hệ thống nữa, bạn đánh mất quyền chi phối doanh nghiệp của mình vào tay các nhà đầu tư và thậm chí mất luôn cả doanh nghiệp mình khổ công gây dựng.

Vấn đề tiếp theo là nhân sự. Bạn muốn mô hình kinh doanh của mình phải phát triển thật nhanh, phải nhân ra thật rộng nhưng ai làm? Ai thực thi và ai quản lí? Ai là người lập kế hoạch khi bạn có 100 hay vài trăm cửa hàng? Đến lúc đó bạn lại phải tuyển dụng dồn dập, tuyển cho đủ số lượng mà không cần quan tâm đến chất lượng và năng lực thật sự của từng vị trí mà bạn cần, giống như những bánh răng được lắp vội vàng vào một cỗ máy mà không hề trùng khớp với nhau. Con người đi trước thì thành công đi sau, bạn đã chuẩn bị đủ bánh răng nhỏ để kích hoạt những bánh răng lớn chưa hay chỉ chăm chăm tìm cách quay bánh răng lớn bằng được rồi đến một lúc nào đó bánh răng lớn không thể hoạt động được nữa vì thiếu trợ lực, và cỗ máy cũng vứt đi?

Vấn đề thứ ba là pháp lý. Một doanh nghiệp muốn phát triển trước hết phải được công nhận của pháp luật với tư cách một pháp nhân. Có như vậy bạn mới có thể vay vốn, gọi vốn hay phát triển các hoạt động khác. Khi gọi vốn, cũng cần có những văn bản rõ ràng và xác định quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên để tránh sự tranh chấp về sau. Rồi là vấn đề về đăng kí thương hiệu, đăng kí sản phẩm… Đó đều là việc cần phải làm trước khi mở rộng hoạt động kinh doanh. Việt Nam mình đã từng có rất nhiều doanh nghiệp lao vào kiện tụng đòi thương hiệu với các doanh nghiệp khác trong nước và với cả nước ngoài vì cái tư duy: để công ty lớn lên rồi hãy làm, giờ mình nhỏ có ai cướp thương hiệu của mình đâu.

Vấn đề thứ tư là về sản phẩm. Một mô hình sản phẩm muốn phát triển mạnh trước hết phải là một sản phẩm tốt và hoàn thiện, còn nếu chưa đạt đến mức độ đó thì cứ hãy làm nhỏ đã. Ấn tượng về sản phẩm của bạn trong mắt người dùng luôn đến từ những lần đầu tiên. Khi một sản phẩm chưa hoàn thiện đến tay khách hàng thì xem như là bạn đã mất khách hàng đó, ít nhất cũng vài năm mới có thể tạo lại ấn tượng mới. Vậy nên, vội vàng tung một sản phẩm chưa tốt ra quá mạnh sẽ gây tác dụng trái ngược. Vừa làm vừa sửa sản phẩm sẽ là một sự chắp vá vụng về và không gây được ấn tượng tốt với khách hàng.

Vậy, muốn một cỗ máy hoạt động tốt, bạn phải lắp từng bánh răng nhỏ cho thật phù hợp đã. Đừng vội vàng muốn cỗ máy hoạt động. Đối với doanh nghiệp, chúng ta phải chú tâm tuyển dụng từng con người phù hợp có khả năng thấu hiểu để vận hành rồi mới nghĩ đến chuyện phát triển nó thật nhanh.

Marketing đối với những công ty mới bắt đầu đơn giản là những lượt chia sẻ trên mạng xã hội, những bài viết tự PR trên các diễn đàn hay những tấm posters hiện diện tại các cửa hàng. Vấn đề pháp lý phải thật rõ ràng ngay từ đầu, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, đến khi thương hiệu mình bị người khác giành mất rồi thì mới cuống cuồng đi đăng kí, đến lúc đó vừa mất thời gian công sức lại hao tổn tiền bạc thì thật không nên.

Tích lũy vốn là điều cần thiết. Nếu có một trường vốn vững vàng thì chúng ta mới có thái độ hiên ngang khi đàm luận cùng các nhà đầu tư. Vì khi đó chúng ta đang ở tư thế ngang hàng, có vốn của họ chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhưng nếu không thì cũng chẳng sao cả, chúng ta vẫn sẽ phát triển với số tiền mình đang có.

Những việc nhỏ từ khi mới khởi nghiệp kinh doanh mà chúng ta làm sẽ là nền móng để chúng ta xây dựng doanh nghiệp to lớn của mình trong tương lai. Nghĩ thật lớn nhưng làm từ việc nhỏ, đó cũng là chân lí khi khởi nghiệp mà chúng ta cần lưu tâm.

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close