Góc nhìnQuản trị

Tận dụng cơ hội từ các công ty đa quốc gia, tại sao không?

Apple là một trong nhiều công ty đa quốc gia (MNE) thành công với các chiến lược đã và đang được thực hiện. Việc phân tích các chiến lược của những MNE như Apple không chỉ giúp tìm ra nguyên do thành công của các công ty này mà còn có thể giúp địa phương, doanh nghiệp (DN) tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Một điều đáng lưu ý là để đảm bảo tính đồng nhất trong nguồn cung cấp linh kiện, Apple chỉ mua linh kiện từ một vài nhà cung cấp thay vì mua từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, Apple cũng cạnh tranh để có được nguồn linh kiện đa dạng cho các thiết bị truyền thông, thông tin di động và máy tính cá nhân. Đảm nhận hoạt động lắp ráp phụ cũng như thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng và kiểm tra sản phẩm hoàn chỉnh của Apple là các đối tác công ty thuê ngoài. Những đối tác này mua linh kiện và sản xuất sản phẩm dựa vào sự hướng dẫn của Apple.

Nhìn chung, Apple phụ thuộc vào linh kiện, hoạt động sản xuất sản phẩm và dịch vụ logistics từ các công ty thuê ngoài và rất nhiều công ty này nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Hầu hết hoạt động sản xuất của Công ty được thực hiện toàn bộ hay một phần bởi các đối tác thuê ngoài, chủ yếu tại châu Á.

Công ty cũng thuê ngoài hoạt động vận tải và logistics. Do vậy, bất kỳ sai sót nào từ các đối tác này đều ảnh hưởng xấu đến chi phí và nguồn cung linh kiện cũng như sản phẩm hoàn chỉnh của Apple.

Thêm vào đó, hoạt động sản xuất và logistics tại những khu vực này hoặc khâu vận tải đến những điểm cuối cùng có thể gặp vấn đề do nhiều yếu tố như thảm họa thiên nhiên, sự cố công nghệ thông tin… Do đó, Công ty đầu tư vào việc trang bị cho quá trình sản xuất mà hầu hết nằm tại các công ty đối tác (Apple không sở hữu hoạt động sản xuất mà chỉ làm khâu nghiên cứu và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng) và thanh toán trước để đảm bảo nhà cung cấp hợp tác lâu dài với mình.

Thu hút các MNE như Apple

Trong xu thế chuyên môn hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu, không ít MNE đang dần tập trung vào các khâu quan trọng trong chuỗi là khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), khâu làm thương hiệu sản phẩm (OBM) và thuê ngoài các khâu có giá trị thấp hơn là lắp ráp, OEM và OIM.

Từ việc phân tích các chiến lược của Apple (cũng như các MNE), có thể thấy có hai cơ hội để thu hút đầu tư: một là thu hút các DN đối tác của Apple (và các MNE khác) đầu tư vào trong nước và biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất. Chiến lược này đòi hỏi nguồn nhân công phổ thông lành nghề, chi phí rẻ, một hệ thống gồm nhiều công ty vệ tinh và logistics tốt.

Việc trở thành cứ điểm sản xuất có thể giải quyết việc làm trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn khi chi phí lao động tăng cao và sự tự động hóa sẽ dần làm mất ý nghĩa của lợi thế nguồn lao động.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn có thể nhắm đến cơ hội đầu tư thứ hai đến trực tiếp từ các MNE (ở đây là Apple) thông qua việc trở thành cứ điểm R&D của họ. Chiến lược này có ý nghĩa giúp lan tỏa hiệu ứng công nghệ cũng như khả năng nghiên cứu của quốc gia.

Nhưng để thu hút được nguồn vốn này, địa phương đó cần có nguồn lực đầu tiên và quan trọng nhất là nguồn nhân lực với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đẳng cấp quốc tế để nghiên cứu ra các sản phẩm đứng đầu nhằm duy trì chiến lược khác biệt hóa sản phẩm của Apple.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là nguồn cơ sở vật chất bao gồm hạ tầng cứng như đường sá, nơi cư trú của chuyên gia và hạ tầng mềm là hệ thống công nghệ thông tin và kết nối. Yếu tố tiếp theo là chi phí lao động nhằm giúp Công ty tối đa hóa lợi nhuận cho DN.

Trở thành đối tác của Apple

Đối với các công ty trong nước muốn trở thành đối tác của các công ty như Apple thì vấn đề quan trọng mà họ đánh giá chính là khả năng sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm của họ cũng như thời gian giao hàng đúng hẹn. Khi DN chứng minh được khả năng sản xuất thì có thể có được nguồn hàng ổn định và nguồn tài chính trả trước của Apple.

Tuy nhiên, việc trở thành đối tác của các công ty không có hoạt động sản xuất và nghiên cứu chính thức tại Việt Nam (mà chỉ là hoạt động thương mại qua khâu trung gian) là rất khó vì thường DN khó có thể duy trì lợi thế cạnh tranh như là DN cung ứng cho một công ty duy nhất bên ngoài lãnh thổ, và nếu không có sự hiện diện của Apple thì DN cũng khó đạt được lợi thế kinh tế nhờ sự lan tỏa. Vì vậy, thúc đẩy Apple và các MNE khác cũng chính là tạo cơ hội cho các DN đối tác tiềm năng này.

Trở thành các Apple tương lai

Ngày nay, DN vừa có cơ hội, vừa có thể gặp nhiều khó khăn để trở thành các công ty như Apple. Cơ hội là nếu có nguồn nhân lực tốt để đảm nhận khâu nghiên cứu thị trường, nghiên cứu kỹ thuật và thiết kế sản phẩm thì DN không cần phải thực hiện khâu sản xuất mà có thể thuê ngoài từ các đối tác với lợi thế kinh tế nhờ quy mô như tại Trung Quốc hay Ấn Độ.

Thuận lợi thứ hai là với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu thị trường thì sản phẩm độc đáo ngày hôm nay sẽ trở nên lỗi thời trong ngày mai và tạo cơ hội cho các công ty khác chen chân vào. Tuy nhiên, DN cũng gặp khó khăn từ sự cạnh tranh của các đối thủ đi trước, các đối thủ tiềm năng và từ rủi ro sản phẩm không được chấp nhận do chưa có thương hiệu (yếu tố rất quan trọng đối với các sản phẩm công nghệ như của Apple).

Có thể thấy, xu thế toàn cầu hóa nhiều khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu của các MNE và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra cơ hội cho nhiều thành phần từ các quốc gia đang phát triển: chính phủ có cơ hội thu hút đầu tư, DN có cơ hội trở thành đối tác và người có tinh thần khởi nghiệp có cơ hội mở các startup. Các yếu tố này sẽ có tác động qua lại và lan tỏa: thu hút đầu tư giúp DN trở thành đối tác và kích thích tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.

PHAN ĐÌNH MẠNH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close