CEO Thế giớiNhân vật

TGĐ Dale Carnegie Việt Nam: Người tử tế là biết nghĩ cho người và cho mình

Chị Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam, trong mười năm qua, hình ảnh của chị rất ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Chị nói rằng mình thích âm thầm làm những việc có giá trị cho xã hội hơn là đánh bóng thương hiệu trên báo chí. Người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp và nụ cười tươi tắn này đã có hơn mười năm kinh nghiệm về đào tạo doanh nhân, lãnh đạo cấp cao. Trò chuyện với Khánh Linh, chúng ta phần nào hiểu được lý do vì sao chị có khả năng truyền lửa cho hàng trăm học viên mỗi năm, trong đó có không ít những người lớn tuổi. Chị cho biết:

Dale Carnegie là một thương hiệu tiếng tăm trên thế giới, nhưng mười năm qua vẫn chưa được nhiều người biết đến ở thị trường trong nước, đó là cái dở của chúng tôi. Có lẽ chúng tôi đang sống ở trên… mây nhưng vẫn cảm thấy rất hạnh phúc vì được lan tỏa những giá trị đắc nhân tâm đến với mọi người.

Một doanh nhân là học viên của tôi trong mười năm qua nói rằng: “Khả năng của chị là có thể thay đổi hàng triệu người, vì sao chị chỉ thay đổi vài trăm người?”. Tôi nói đó là lựa chọn của một con người không có nhu cầu kiếm thật nhiều tiền. Tôi chỉ cần vừa đủ để con cái có điều kiện sống và học tập tốt, để nhân viên sống sung túc và hạnh phúc hơn từ một công ty thịnh vượng. Bản thân tôi không cần ở nhà to, đi xe đẹp, chỉ có nhu cầu đi học ở các trường đại học lớn như Harvard, Stanford mỗi năm một lần và thỏa mãn một vài sở thích “khó chiều” như uống rượu ở Bourgogne (Pháp) chẳng hạn.

Thị trường biết đến công ty của chị không phải bằng những bài viết quảng bá về thương hiệu, mà vì vụ kiện khá lớn về sở hữu trí tuệ vào năm 2014…

Thị trường Việt Nam vẫn chưa nhận thức và tư duy đúng đắn về sở hữu trí tuệ. Cách hiểu đơn giản nhất là những gì thuộc về người khác thì chúng ta phải tôn trọng và không lấy làm của mình hoặc không làm điều gì gây hại đến quyền sở hữu. Đừng vì luật pháp còn có nhiều ngõ “lách” nên bạn cứ ngang nhiên dùng thương hiệu của người khác để làm lợi cho mình.

Chuyện cũng xảy ra khá lâu, một chuyên gia từng được công ty tôi đào tạo, cấp chứng chỉ và làm việc lâu năm tại trường đã lấy chương trình của Dale Carnegie để giảng dạy bên ngoài, điều này đi ngược với những cam kết của chuyên gia huấn luyện. Khi chúng tôi nhắc nhở thì người này đã thừa nhận sai phạm. Nhưng trên thực tế tình hình còn đi xa hơn khi năm 2011 ông ta mở công ty, sao chép chương trình giảng dạy của trường để kinh doanh với mức học phí cạnh tranh. Chúng tôi buộc phải khởi kiện vị chuyên gia này lên Tòa án Nhân dân TP.HCM về tội vi phạm quyền tác giả chương trình đào tạo.

* Ba năm qua, hẳn là công ty chị đã tìm được sự công bằng sau hành trình đi tìm công lý, với sự giúp sức của một luật sư tiếng tăm?

– Ngược lại, cho đến thời điểm này, tòa án vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức. Hầu kiện là một hành trình mệt mỏi, không chỉ tốn tiền bạc mà quan trọng hơn là tâm lý hoang mang của nhân viên và khách hàng… Nhưng chúng tôi vẫn quyết định khởi kiện vì muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng thương hiệu cũng như từng thành viên trong đội ngũ, của những đối tác đồng thời giúp thị trường nhận thức đúng đắn hơn về quyền sở hữu trí tuệ. Thông qua lần “đánh động” này, chúng tôi muốn gởi thông điệp đến với các doanh nghiệp rằng khi muốn phát triển, kinh doanh lâu dài và bền vững thì nên đề cao đạo đức và sự tử tế trong kinh doanh, trong đó tôn trọng quyền tác giả là điều quan trọng trước tiên.

* Như thế nào là tử tế trong xã hội hiện đại ngày nay, thưa chị?

– Với tôi, người sống tử tế là người biết nghĩ cho mình và nghĩ cho người. Nhiều người trong chúng ta vô cảm là do nghĩ cho mình hơn nghĩ cho người. Nhưng vẫn có những người chỉ nghĩ cho người mà không nghĩ cho mình, vậy cũng bất ổn. Vì vậy, người tử tế là người cân bằng giữa “cho mình” và “cho người”. Có một câu nói tôi rất thích là “Năm tháng không quyết định giá trị của cuộc đời mà giá trị của cuộc đời thể hiện trong từng năm tháng đó”, cứ sống tử tế đi rồi chúng ta sẽ tạo nên một câu chuyện lịch sử của chính cuộc đời mình, dù tầm ảnh hưởng có thể là nhỏ.

* Còn tử tế trong kinh doanh thì sao?

– Tử tế trong kinh doanh không phải là từ bỏ cạnh tranh vì nếu không có cạnh tranh thì những người thành công rất dễ tự mãn và có thể chết trong ánh hào quang của mình. Tử tế là cạnh tranh một cách công bằng, minh bạch bằng cách đổi mới sáng tạo liên tục. Sự đổi mới không chỉ ở sản phẩm, đặc tính hay quy trình mà là sự đổi mới mang tính trải nghiệm. Đó là sự hoàn thiện, cải tiến sáng tạo của tất cả mọi người, cả trong và ngoài doanh nghiệp, được tích hợp tại mọi cấp độ của tổ chức, quan trọng nhất là tạo được những trải nghiệm khác biệt tích cực cho bên trong và bên ngoài tổ chức. Thông qua việc đáp ứng hiệu quả và nhanh chóng hơn các nhu cầu và mong đợi của từng cá nhân, các công ty có thể tạo ra sự hợp tác chặt chẽ cả với khách hàng và nhân viên, tạo điều kiện cho sự đổi mới cần thiết cho sự phát triển xảy ra.

Tử tế trong kinh doanh cũng là sự hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong một môi trường kinh doanh mà nhiều người trở thành đồng minh thì sẽ tăng năng lực cạnh tranh. Còn nói theo ngôn ngữ kinh doanh thì doanh nghiệp đó là “tư duy cùng thắng”.

* Người Việt Nam chúng ta vốn rất thiếu tinh thần hợp tác trong kinh doanh. Một câu chuyện rất phổ biến trên thương trường kể rằng một người Nhật và một người Việt Nam thì người Việt Nam thắng, ba người Nhật và ba người Việt Nam thì người Nhật thắng, kết luận hơi chua chát mà mạng xã hội hay nói là người Việt có thế mạnh, đó là “mạnh ai nấy làm”. Chị nghĩ mình có thể thay được thực tế này?

– Trước khi làm về tư vấn chiến lược, tôi đã trò chuyện với những người bạn bằng tuổi ba tôi. Họ đều khuyên tôi chỉ nên tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, đừng cố gắng thay đổi tư duy kinh doanh vì đây là chuyện vượt quá tầm tay, còn thay đổi cách đối nhân xử thế ở đời là điều bất khả thi. Nhưng với chúng tôi, với sứ mạng cam kết giúp con người và tổ chức phát triển tiềm năng và gia tăng tầm ảnh hưởng của họ đến thế giới thì không có gì là không thể, chỉ cần mình có niềm tin, sự đồng lòng, quyết tâm và có phương pháp đúng đắn. Phương pháp đó là những nguyên tắc đắc nhân tâm của Dale Carnegie, đúc kết kinh nghiệm của hơn 100 người thành công trên thế giới.

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội về giao thương, nếu chúng ta loại dần tư duy “cá lớn nuốt cá bé”, nhìn rộng hơn khoảng trời nhỏ nơi đáy giếng thì chắc chắn chúng ta sẽ muốn tạo một cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ nhau cùng phát triển và cạnh tranh với các nước. Ngay trong mỗi doanh nghiệp chưa phát triển được là do thiếu sự đoàn kết trong nội bộ. Chỉ cần có người “khơi” đúng chỗ, gắn kết từng con người làm việc cùng nhau thì chắc chắn sẽ phát huy tiềm năng, nâng cao thế mạnh để tạo sự phát triển đột phá trong doanh nghiệp.

* Hầu hết doanh nghiệp đều muốn tăng sự đoàn kết nội bộ để tìm kiếm sự đột phá nhưng muốn “khơi” đúng chỗ quả là không dễ?

– Vì việc này không dễ nên mới phải cần đến những công ty như Dale Carnegie. Và sự thay đổi là có thật. Kết quả kinh doanh thay đổi từ sự biến đổi tích cực của người lãnh đạo, đó là sự thay đổi từ khả năng lãnh đạo, khả năng ảnh hưởng và mối quan hệ với những người xung quanh. Nguyên tắc là chúng ta phát triển dựa trên sự độc đáo của riêng mình và muốn thay đổi người khác thì trước phải thay đổi bản thân mình. Đó là nỗ lực sống trong môi trường đắc nhân tâm.

Nhưng giống như một cánh bướm chuyển hóa từ kén nhộng, thay đổi một con người phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách và phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Ngay như việc quẳng gánh lo đi và vui sống nghe chừng rất đơn giản nhưng có đến 30 nguyên tắc không dễ tạo thói quen mỗi ngày để trở thành một phong cách sống giản đơn mà thanh thản.

* Vậy người dạy cho các nhà lãnh đạo về đắc nhân tâm như chị đã lĩnh hội các nguyên tắc của Dale Carnegie đến đâu?

– Nếu lĩnh hội và thấm nhuần tất cả các nguyên tắc thì có lẽ tôi đã thành thánh nhân. Trung thực mà nói là tôi chỉ cố gắng sống với các nguyên tắc của Dale Carnegie một cách chân thành và luôn cố gắng thực hành nguyên tắc này thành thói quen, đồng thời động viên những người xung quanh cùng sống với tinh thần đắc nhân tâm mỗi ngày. Thực tế, ai cũng có khả năng truyền cảm hứng cho người khác ở một khía cạnh nào đó. Trong công ty của tôi, các thành viên tích cực thì dù ở vị trí nào đi nữa, đều có khả năng làm gương và truyền cảm hứng cho người khác theo mô hình “Lãnh đạo không chức danh”.

Bản chất của đắc nhân tâm là chân thành, không vụ lợi. Tôi lĩnh hội điều này một cách thuận lợi là nhờ có được một nền tảng từ cha mẹ. Bài học về sống tử tế, không vụ lợi và đam mê lao động tôi nhận thức được từ những năm học cấp 3, nhờ ba mẹ tôi…

* Hẳn ba mẹ chị là những tấm gương về cách sống tử tế và đam mê lao động?

– Đúng vậy. Có những người may mắn sinh ra trong gia đình giàu có nên có sẵn điều kiện tốt để học tập, phát triển sự nghiệp. Gia đình tôi chỉ là dạng trung lưu và cuộc sống của gia đình không bị lệ thuộc vào tiền bạc. Ba mẹ tôi là người yêu lao động, làm việc với đam mê và truyền đức tính này cho con. Trong những bữa cơm gia đình, ông bà thường kể về cách sống chính trực, không tham lam, không sân si và khao khát lao động cống hiến cho quê hương sau khi nhận học bổng của nhà nước đi du học nước ngoài. Trong đó có cả những câu chuyện kinh doanh không cạnh tranh, không gian lận trên thương trường.

Ba mẹ tôi luôn ủng hộ con cái theo đuổi đam mê, làm những việc mình yêu thích. Thậm chí khi tôi phạm phải sai lầm nghiêm trọng, thậm chí làm thất bại một công ty, ba mẹ tôi vẫn hỗ trợ, động viên để tôi bước qua thất bại. Lời khuyên của ba mẹ luôn dẫn lối cho tôi một cách đúng đắn trên con đường xây dựng sự nghiệp và cuộc sống, nhờ vậy mà tôi bước vào kinh doanh cũng với tâm thế vô cùng thoải mái.

* Chị theo nghiệp kinh doanh, phát triển ngành đào tạo lãnh đạo cũng là từ lời khuyên của cha mẹ?

– Do tôi tự quyết định, nhưng nền tảng là nghiệp kinh doanh của ba tôi. Ông là một trong những người tâm huyết và tiên phong phát triển dịch vụ nhân sự chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với hệ thống công ty Tân Đức tiếng tăm cách đây hơn 20 năm. Sau khi tốt nghiệp, tôi về làm cho công ty ba tôi ở mảng tư vấn nhân sự và phát triển nguồn nhân lực và bắt đầu đam mê lĩnh vực huấn luyện con người. Sau đó, tôi nhận thấy một công ty dù thành công đến đâu nhưng với những tiêu chuẩn trong nước thì khó mà phát triển cạnh tranh với các nước.

Vì vậy, khi Dale Carnegie tìm kiếm đối tác phát triển đào tạo con người theo tiêu chuẩn quốc tế thì tôi nhận lấy cơ hội này ngay. Nhờ cái duyên này mà tôi có cơ hội làm tư vấn cấp cao cho các lãnh đạo và giám đốc cấp cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm giúp họ nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của họ.

Kết quả đạt được trong những dự án tư vấn này là sự thay đổi đột phá trong tư duy định hướng lãnh đạo của cá nhân lãnh đạo, chiến lược kinh doanh, phong thái và uy tín của người lãnh đạo, từ đó tạo ra nhiều kết quả đột phá cho công ty của người lãnh đạo và nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

* Sau lưng một người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ. Vậy sau lưng một người phụ nữ liệu có bóng dáng một người đàn ông nào đó?

– Trong cuộc sống, tôi luôn định hướng cho mình sự độc lập và làm chủ cuộc sống. Có câu nói rằng hạnh phúc không phải mọi thứ đều tốt đẹp mà chúng ta thấy những điều tốt đẹp trong những thứ ấy. Những người xung quanh tôi từ cha mẹ, anh chị đến chồng con đều tốt đẹp nhưng tất cả đều tạo một tổng thể tích cực cho tôi hoàn thiện và phát triển. Sự độc lập cho người phụ nữ bản lĩnh là để thực hiện sứ mệnh của cuộc đời. Tôi cũng có những sứ mệnh cho riêng mình: là làm những điều mình yêu thích với toàn tâm huyết và đam mê; là nỗ lực tìm kiếm và thử thách bản thân với nhiều việc ngoài vùng an toàn để đánh giá được tiềm năng; và là cố gắng làm những điều tốt đẹp, tử tế nhằm giúp người khác một cách bền vững và tạo ảnh hưởng tích cực đến họ.

* Có thể thấy chị là một phụ nữ lý trí bên trong vỏ bọc mềm mại…

– Tôi không hẳn là một phụ nữ lý trí vì tôi đam mê và xúc cảm với nghệ thuật, cả truyền thống và đương đại. Trong những chuyến đi công tác nước ngoài, tôi ít đi mua sắm mà luôn dành thời gian để đến các viện bảo tàng nghệ thuật, nhà hát, hoặc tìm hiểu các sự kiện văn hóa lịch sử. Tôi học nhạc từ nhỏ, học múa đương đại trong mấy năm gần đây, và cũng làm thơ đôi chút.

Những bài thơ của tôi như lời tâm sự gởi gắm cho những người yêu thương, như bài thơ Sống tôi dành tặng con gái: “Mẹ ơi sống là gì/ Có phải là đến, đi/ Chặng đường không bến đỗ/ Bon chen mãi đẩy xô/ Hay sống là cống hiến/ Hết mình, bỏ muộn phiền/ Vì nghĩa, vì ước vọng/ Của bao người ngoài trong/ Hay sống là chịu đựng/ Thân thuộc lẫn người dưng/ Để được sự bền vững/ Mà xã hội hình dung/ Hay sống cho bản năng/ Yêu thương chẳng ngại ngần/ Rồi trả lời luân lý/ Đối mặt cùng thị phi/ Hay đơn giản là sống/ Có ích cho cộng đồng/ Với niềm vui lan tỏa/ Mỗi ngày một hương hoa/ Vậy mẹ ơi con sống/ Vì ước mơ cộng đồng/ Vì khát vọng bản thân/ Và dấn thân biển lớn!”…

* Thật thú vị. Không chỉ tài năng và bản lĩnh, chị còn có nhiều “tài lẻ” và nhan sắc hơn người. Người ta nói phụ nữ có nụ cười đôn hậu và tươi tắn đã chiến thắng một nửa. Với chị, sắc đẹp liệu có phải là một yếu tố thuận lợi trên thương trường?

– Như thế nào là phụ nữ đẹp? Người xưa nói tốt gỗ hơn tốt nước sơn, còn theo tôi thì phải tốt cả gỗ cả nước sơn mới là đẹp. “Sơn” chính là nụ cười, cách ăn mặc, giao tiếp, ánh mắt, nét mặt, phong thái tự tin, bản lĩnh… còn “gỗ” là sống tử tế, suy nghĩ lạc quan và tri thức. “Gỗ” và “nước sơn” dung hòa mới tạo nên người phụ nữ đẹp, hài hòa, ngay cả khi khuôn mặt không đúng theo tỷ lệ vàng hoặc số đo ba vòng không đạt chuẩn.

Nhưng cũng giống như nét đẹp bên ngoài cần chăm chút, tập thể dục thì nội lực bên trong cũng cần phải bồi đắp, nuôi dưỡng bằng việc học hỏi không ngừng. Tôi hay nói với học viên của mình là nếu một ngày trôi qua mà chúng ta không học được kiến thức gì mới thì sẽ… bớt đẹp. Thời gian học của tôi là sau 9 giờ tối, khi các con đã say giấc. Tôi luôn có cảm giác như đây là thời điểm bắt đầu một ngày mới đầy hứng khởi, lúc này tôi sẽ dành thời gian đọc sách, xem một chương trình yêu thích hoặc học kiến thức mới từ mạng internet…

Phụ nữ vốn có lợi thế hơn đàn ông ở sự mềm mại. Một phụ nữ mềm mại lại xinh đẹp và bản lĩnh thì chắc chắn là một lợi thế lớn vì bản chất của con người luôn yêu thích cái đẹp. Nhưng như tôi đã nói, muốn đẹp và bản lĩnh lâu dài thì phụ nữ không bao giờ dừng tìm kiếm cơ hội để học hỏi và trưởng thành.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.

XUÂN LỘC/DNSGCT

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close