Khoảng cách giữa các thế hệ người lao động đang và sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp (DN). Có đến 41% nhân viên thế hệ Y (sinh năm 1986 – 2000) không cảm thấy hài lòng và không muốn gắn kết với DN họ đang làm việc.
Nguồn nhân lực đa thế hệ
Phát biểu tại Diễn đàn Hội nghị Nhân sự nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017 tại TP.HCM vừa qua, bà Thanh Nguyễn – CEO Công ty Anphabe, đơn vị tổ chức, cho biết: “Hiện nay, nhân lực của DN thường có ba thế hệ: Baby Boomer (1950 – 1969), X (1970 – 1985), Y (1986 – 2000). Trong đó, thế hệ X và Y là hai nhóm lao động chủ đạo, nhóm thế hệ Y sẽ nhanh chóng vượt lên dẫn đầu về cả số lượng và vị trí quản lý trong vòng một vài năm tới. Và trong khoảng từ 2 – 3 năm tới sẽ có thêm thế hệ Z (có năm sinh từ 2001) gia nhập nguồn nhân lực”.
Có thể thấy, giữa hai thế hệ X và Y đã có những khác biệt rõ rệt. Chính những khác biệt do khoảng cách giữa các thế hệ sẽ tạo ra nhiều thách thức cho DN trong những năm tới, đặc biệt là khi các cấp quản lý chủ yếu thuộc thế hệ Baby Boomer và X, còn nhân viên chủ yếu nằm trong nhóm thế hệ Y. Sự khác biệt rõ nét nhất giữa nhân viên thuộc hai thế hệ X và Y thể hiện ở một số mục tiêu nghề nghiệp nổi bật như: cân bằng giữa công việc và cuộc sống, định hướng nghề nghiệp, quan điểm về thử thách và cơ hội nghề nghiệp.
Theo các chuyên gia nhân sự, hiện nay, cứ năm nhân viên thế hệ Y thì có một nhân viên nhấp nhổm chuyển việc. Điều này tạo ra thách thức không nhỏ cho DN: cứ đào tạo xong là nhân viên nghỉ việc. Và cũng chính sự thiếu thấu hiểu giữa các thế hệ sẽ dẫn đến sự thiếu gắn kết của nguồn nhân lực.
Tổn thất vì thiếu gắn kết
Diễn đàn Hội nghị Nhân sự nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017, Anphabe cũng đưa ra khái niệm mới về người lao động hạnh phúc. Theo đó, người lao động chỉ thực sự hạnh phúc khi họ yêu thích công việc, có sự gắn kết với công ty trong suy nghĩ và nỗ lực biến điều đó thành hành động. Đo lường 16 biểu hiện hạnh phúc khác nhau trên 20.000 người sẽ quy ra được 4 chỉ số, tiêu chí quan trọng nhất cần phải có của người lao động hạnh phúc.
Trong đó, tiêu chí thứ nhất là sự gắn kết về mặt ý chí: người lao động có hài lòng với công ty và công việc không? Có thấy những gì họ nhận được là công bằng và có lợi ở công ty hay không? Tiêu chí thứ hai là sự gắn kết về mặt tình cảm: người lao động có yêu mến công việc ở công ty không?
Có tin tưởng vào tương lai của công ty hay không? Có cảm thấy thích làm việc với những người trong công ty hay không, từ đó sẽ dẫn đến hai chỉ số quan trọng ba và tư là: người lao động có biến tình cảm thành nỗ lực cho sự phát triển của công ty hay không, và có cam kết đồng hành với công ty hay không?
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – Giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết, với tiêu chí gắn kết, ở DN luôn tồn tại 4 nhóm nhân viên: rất gắn kết, gắn kết, không gắn kết và thờ ơ. Trong đó thế hệ Y chiếm tỷ lệ cao nhất ở đặc điểm lao động không gắn kết, với 44%. Cũng theo bà Nhung, nếu tất cả người lao động chuyển từ nhóm thờ ơ sang nhóm những nhân viên gắn kết, các DN Việt Nam sẽ có thêm khoảng 13,5 tỷ USD, tương đương 13,3% GDP. Tương ứng với 13% doanh thu của DN tăng chỉ nhờ tăng lượng nhân viên gắn kết.
Khảo sát cũng cho thấy, 85% DN thừa nhận ở công ty họ đang diễn ra cuộc chiến ngầm giữa các thế hệ, chỉ có gần 60% nhân viên thế hệ Y hạnh phúc với công việc, 41% không hạnh phúc với công ty và do đó không có gắn kết tình cảm và lý trí với DN. Đặc điểm của những nhân viên này thường không có nỗ lực tự nguyện để phát triển cùng công ty và cam kết gắn bó lâu dài.
Đây là tổn thất lớn cho DN. Theo thống kê, thị trường nhân lực trong cả hai năm 2015 và 2016 đều có sự sụt giảm về mức độ hài lòng của người lao động, dự đoán trong năm nay sẽ tiếp tục giảm. 97% DN được khảo sát cho rằng sẽ ngày càng khó khăn trong việc gắn kết và làm hài lòng nguồn nhân lực trẻ.
“Với tính đa dạng của các thế hệ lao động, người lao động sẽ có những tâm tư nguyện vọng rất khác so với người quản lý. Thế hệ X có suy nghĩ và trải nghiệm rất khác so với thế hệ Y. Và đây cũng là thách thức lớn nhất trong quản lý nhân sự với việc dung hòa giữa cấp quản lý và nhân viên, giữ nhân sự giỏi và xây dựng nguồn lao động kế thừa hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất là sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các thế hệ X và Y. Thế hệ X phải hiểu thế hệ Y. Chúng tôi thực hiện những buổi kết nối để lao động thế hệ X và Y gặp gỡ, trao đổi, thông qua đó có thể hiểu nhau hơn. Chúng tôi còn tổ chức cả những hội nghị để thế hệ Y cũng có thể trao đổi để hiểu hơn những trải nghiệm, lối suy nghĩ và quan điểm của thế hệ X, từ đó có được sự hòa hợp trong mục tiêu phát triển nghề nghiệp cũng như công việc”. (Bà Nguyễn Tâm Trang – Phó chủ tịch Phụ trách nhân sự Unilever Việt Nam) |
PHẠM THỦY