CEO Thế giớiNhân vậtThế giớiThời sự

Thái tử Samsung bị điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc

Ông Jay Y. Lee, nhà thừa kế Samsung Group, là trung tâm của buổi điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc vì nghi ngờ hối lộ bạn thân của Tổng thống Park. 

Trong hai tiếng diễn ra phiên điều trần, các nhà lập pháp Hàn Quốc dành hầu hết câu hỏi cho Chủ tịch Samsung Electronics Jay Y. Lee, trong khi Chủ tịch Chung Mong-koo của Hyundai Motor không nhận được bất kỳ câu hỏi nào.

Phiên thẩm vấn đặc biệt của Quốc hội đối với lãnh đạo các tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc được phát sóng trên toàn quốc vào thứ Ba tại Seoul. Các tập đoàn có mặt bao gồm Hyundai, LG, Hanhwa, Hanjin, CJ, GS, Lotte, Samsung, SK.

Tỷ phú Lee là một trong chín tài phiệt khác phải trình diện trước quốc hội Hàn Quốc để làm rõ những khoản đóng góp trị giá hàng chục triệu USD chuyển tới quỹ của bà Choi Soon-sil. Bà là bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye, cũng là nguồn cơn của vụ bê bối chính trị tồi tệ bậc nhất lịch sử Hàn Quốc.

Đây là lần đầu tiên tất cả lãnh đạo của những chaebol lớn nhất Hàn Quốc phải trả lời điều trần trước quốc hội. Họ thường là những nhân vật ít xuất hiện trước truyền thông.

Họ sẽ phải đưa ra bằng chứng về việc liệu họ có chuyển tiền vào quỹ của bà Choi theo lệnh của Tổng thống Park hay không, từ đó làm rõ nghi vấn: Họ không hối lộ hay không.

Ông Lee nói chưa bao giờ ra lệnh chuyển tiền để đổi lại ưu đãi chính trị, và phủ nhận được chính phủ ban đặc ân sai trái để tiến hành vụ sáp nhập hai công ty con của Samsung trong năm ngoái.

Ông xác nhận Samsung đã cung cấp một con ngựa trị giá 855.000USD cho con gái bà Choi học nài ngựa. Ông cũng xác nhận đã gặp Tổng thống Park hai lần, nhưng khẳng định không bị gây sức ép phải chuyển tiền vào quỹ của bà Choi.

Ông được hỏi nhiều lần về việc làm cách nào, từ bao lâu ông biết mối quan hệ của bà Choi và bà Park. Tuy nhiên ông chỉ trả lời là không nhớ rõ chi tiết.

Samsung đang vướng nghi vấn hối lộ bà Choi, người có thể đã tạo sức ép cho quỹ lương hưu lớn nhất Hàn Quốc chống lưng vụ sáp nhập hai công ty con của Samsung. Thương vụ này bị quỹ Elliott Management của Mỹ phản đối kịch liệt vì nó củng cố quyền kiểm soát của ông Lee trong tập đoàn.

Trong một vài tuần gần đây, các công tố viên đã bố ráp trụ sở Samsung và văn phòng Quỹ hưu trí quốc gia (NPS), cũng là cổ đông độc lập lớn nhất của Samsung Electronics.

Ông Lee thừa nhận có gặp lãnh đạo của NPS trước khi thương vụ diễn ra, nhưng khẳng định thương vụ chỉ được tiến hành vì mục đích tài chính, chứ không phải vì bất cứ lí do gì khác.

“Hai công ty sáp nhập không liên quan gì tới việc tôi thừa kế công ty”, ông Lee nói.

Để gỡ rối mớ bòng bong đang bao vây đế chế Samsung trong quá trình nhận chuyển giao quyền lực từ cha đẻ, ông Lee vừa đưa ra một loạt kế hoạch cải tổ để xoa dịu cổ đông.

Trong đó, công ty sản xuất smartphone Samsung Electronics sẽ tăng trả cổ tức 30% so với mức của năm ngoái. Bên cạnh đó, công ty cũng chuẩn bị bổ nhiệm một giám đốc ngoại quốc, giảm lượng tiền mặt của công ty xuống dưới mức 60 tỷ USD trong dài hạn.

Về phần mình, Tổng thống Park đã phát tín hiệu sẵn sàng từ chức vào tháng 4/2017 khi đảng đối lập tuyên bố sắp đạt đủ số phiếu để luận tội bà.

Việc bà Park từ chức sẽ mở đường cho một cuộc bầu cử Tổng thống trong vòng 60 ngày. Nếu Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội bà Park, bà sẽ bị đình chỉ quyền lực Tổng thống, trừ phi việc này bị Tòa án Hiến pháp từ chối.

THẢO MAI

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close