Tài chính - Ngân hàngThị trường

Thí điểm phá sản ngân hàng: Cần hiểu cho đúng!

Theo diễn giải của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, chúng ta cần hiểu ý của Phó Thủ tướng, ngay cả trong trường hợp kể cả phải cho phá sản ngân hàng thì cũng sẽ sẵn sàng làm. Tức là đặt trong bối cảnh đó thì phương án cho phá sản ngân hàng là tối ưu.

Mới đây, trong phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến việc nghiên cứu thí điểm cho phép phá sản một số ngân hàng. Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên ý tưởng cho phá sản các ngân hàng yếu kém được nêu ra.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế đã không ít lần kiến nghị phải có các giải pháp mạnh tay mới có thể ngăn chặn được tình trạng các ông chủ lập ngân hàng rồi rút vốn cho vay các công ty sân sau, đến lúc thua lỗ lại nhờ sự giải cứu của NHNN.

Việc NHNN mua lại ba ngân hàng với giá 0 đồng là VNCB, OceanBank và GPBank thời gian qua là điển hình cho cách xử lý trên. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên giải pháp mạnh mẽ nêu trên được đề xuất bởi một Phó thủ tướng nên nó có sức nặng tương đối lớn đối với thị trường.

Trao đổi với chúng tôi về ý kiến này, ông Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội diễn giải: Câu nói “Sẽ thí điểm phá sản ngân hàng” của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói trong phiên thảo luận tổ vừa qua phải được diễn giải đầy đủ là ngay cả trong trường hợp phải cho phá sản ngân hàng thì cũng sẽ làm…

“Tức là đặt trong bối cảnh đó thì phương án cho phá sản ngân hàng là tối ưu. Ở đây chúng ta chọn phương án tối ưu cho nền kinh tế, chứ không phải là thí điểm phá sản ngân hàng. Mọi việc xử lý ngân hàng yếu kém vẫn diễn ra bình thường”, ông Kiên cho biết.

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng hiện nay, đã có 3 ngân hàng bị mua 0 đồng vậy trong 5 năm tới, nên chọn phương án 0 đồng hay cho phá sản tốt hơn, TS Kiên cho rằng, tuỳ từng ngân hàng, từng thời điểm cụ thể quyết định phương án xử lý.

Theo ông Kiên, ở thời năm 2015, việc mua ngân hàng 0 đồng là chính xác, đảm bảo cho ổn định hệ thống với chi phí có thể chấp nhận được. Còn thời điểm này đặt vấn đề này ra thì chưa chắc đã chọn phương án mua 0 đồng.

Vì dụ, như mua 0 đồng với ngân hàng OceanBank và VNCB. Mua Oceanbank bằng 0 vì ở trong đó có rất nhiều tài sản của nhiều cơ quan, doanh nghiệp gửi vào đó, OceanBank còn có cả hệ thống DNNN, tập đoàn đi đằng sau. Khi đó làm thế để yêu cầu nhà đầu tư của ocb trong đó có cả DNNN phải chịu trách nhiệm về việc làm ăn kém hiệu quả.

Còn gần đây, qua vụ án xét xử VNCB cho thấy có sự kiên kết với OceanBank và loạt tài sản bất động sản của nhiều cá nhân, tổ chức. Đã có chuyện cố tình làm trái, nâng giá đất nông nghiệp cao lên để vay vốn, rút tiền ngân hàng. Các nhà đầu tư của ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc làm ăn kém hiệu quả, sai phạm… Và nếu không, họ sẽ bị xử lý.

Trong tình huống cho phá sản ngân hàng, theo ông Kiên, sẽ có những tiêu chí “sàng lọc” ngân hàng yếu kém, xem nhà băng nào “xứng đáng” phải cho phá sản…

Trước đó, trong bản báo cáo ngày 25/10, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc nghiên cứu thí điểm phá sản ngân hàng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần được thúc đẩy quyết liệt và đi vào chiều sâu hơn.

Việc cho phá sản ngân hàng sẽ mang lại một số hệ quả tích cực. Thứ nhất, người gửi tiền sẽ phải cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn địa chỉ mình muốn gửi tiền vào. Thay vì chỉ nhắm đến các ngân hàng có mức lãi suất cao thì nay họ cũng phải quan tâm đến yếu tố an toàn cho khoản tiền của mình. Điều này sẽ góp phần làm giảm hiện tượng chạy đua lãi suất huy động trong hệ thống. Các ngân hàng có chất lượng tốt, quản trị minh bạch, thanh khoản dồi dào sẽ không phải chạy theo các ngân hàng nhỏ trong việc nâng lãi suất huy động để giữ chân người gửi tiền, từ đó họ có thể cắt giảm lãi suất cho vay nhờ nguồn tiền huy động có chi phí thấp.

Thứ hai, quan trọng hơn, các ông chủ ngân hàng kinh doanh thiếu minh bạch sẽ không dễ để huy động nguồn vốn rồi cho vay các dự án sâu sau như trước. Qua đó, nợ xấu phát sinh do cho vay không đúng mục đích sẽ được hạn chế, NHNN cũng không phải can thiệp, giải cứu các ngân hàng làm ăn thua lỗ đến mức âm vốn chủ sở hữu nữa.

Dù rằng có một số lo ngại vì từ trước tới nay Việt Nam chưa cho ngân hàng phá sản nhưng BVSC cho rằng việc thí điểm này cần làm từng bước một và cần có sự chuẩn bị kỹ, đặc biệt là ở công tác truyền thông để người gửi tiền dần quen với việc phải chịu trách nhiệm với chính khoản tiền của mình, tránh tâm lý bị sốc khi có sự cố.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên mức cao hơn (hiện mức chi trả tối đa chỉ là 50 triệu đồng cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một TCTD) nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.

Theo Thời đại

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close