Cách sốngSống

Thiếu đất nghĩa trang, người Nhật nghĩ ra nhiều cách mai táng mới

Chi phí chôn cất tăng cao cùng việc nghĩa trang bị quá tải đã khiến cho nhiều người Nhật phải tìm những giải pháp mai táng mới.

 

Thiếu đất nghĩa trang, người Nhật nghĩ ra nhiều cách mai táng mới

Để tiết kiệm chi phí mai táng, người Nhật đã sử dụng cả robot thay cho nhà sư. Ảnh: AOL

Một chiều thứ Bảy gần đây, một con tàu nhỏ chở 13 hành khách im lặng tiến vào khu vực vịnh Tokyo với chiếc loa nhẹ nhàng phát ra bài Mẹ của cố danh ca The Beatles – John Lennon. Trước đó, người ta đã thả tro cốt người thân của một trong những hành khách trên tàu.

Bà Toshiko Mori, 79 tuổi, đến khu vực này để rải tro cốt của ông bà nội. Đã hơn 30 năm nay, bà và chồng cố gắng duy trì mộ phần trong nghĩa trang, song, khi chính quyền địa phương yêu cầu họ trả đất để quy hoạch lại nghĩa trang, bà đã phải cố gắng tìm nơi mới để giữ tro cốt.

Vì tình trạng quá tải, nên khó có thể tìm được nơi chôn cất tại một nghĩa trang khác. Thêm vào đó, chi phí cho một nơi chôn cất có thể lên tới 1 triệu yên (khoảng 8.900 USD). Cuối cùng, bà Toshiko Mori và chồng đành chọn giải pháp rải tro cốt ra biển.

Vịnh Tokyo được chọn làm nơi rải tro cốt và quyết định này cũng giúp cho bà và con gái mình không phải dành thời gian để đi lại chăm sóc cho những ngôi mộ, vốn là công việc tốn thời gian và công sức. Bà Mori cho biết bà cũng đã nói với con gái về việc chấp nhận để cô ấy rải tro cốt ra biển sau khi qua đời.

Trong buổi lễ rải tro cốt do công ty Blue Ocean Ceremony tổ chức trên vịnh Tokyo ngày hôm đó, có tất cả 3 gia đình. Đại diện công ty cho biết họ tổ chức khoảng 300 chuyến tàu đi rải tro cốt mỗi năm với mức phí khởi điểm là 50.000 yên (khoảng 10 triệu đồng Việt Nam). Cũng theo quản lý của công ty, xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến.

Blue Ocean chỉ là một trong số nhiều công ty cung cấp các dịch vụ thay thế cho việc chôn cất người thân ở Nhật. Tại xứ sở hoa anh đào, thi thể của phần lớn người Nhật được hỏa thiêu sau khi qua đời và tro cốt thường được để trong bình đặt tại nghĩa trang. Thành viên của gia đình có trách nhiệm chăm sóc cho ngôi mộ đó, họ cần phải lau rửa và để hoa lên để tưởng nhớ.

Thế nhưng, với bối cảnh xã hội Nhật hiện đại, nơi mà tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng và những cái chết trong cô đơn đang ngày một phổ biến, nhiều người tin rằng những nghi thức tỉ mỉ đó không còn cần thiết phải được duy trì. Có những hình thức khác giúp cho việc mai táng được dễ dàng và gọn nhẹ hơn.

Xu hướng mai táng khác chôn cất đang ngày một thịnh hành, không chỉ riêng trong xã hội Nhật Bản. Các gia đình châu Á đang thay đổi cách thức mai táng và tưởng nhớ người đã khuất. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng 60% người già của thế giới sống ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đến năm 2050, khoảng hơn 10% người dân tại Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan sẽ trên 80 tuổi.

Nhiều người dân Trung Quốc đại lục đang chuyển từ cách chôn cất truyền thống sang hỏa thiêu. Hợp đồng giữ hộ tro cốt của người thân tại nhiều khu nghĩa trang thường hết hạn sau 20 năm. Sau đó, nhiều người đã chọn cách rải tro cốt xuống biển cũng như nhiều hình thức mai táng khác.

Tại Singapore, nơi tỷ lệ dân số già ngày một cao và vấn đề tang lễ thường bị người ta ngại nói đến, tổ chức Nam Hong Welfare Service Society hiện đang cung cấp dịch vụ tang lễ miễn phí cho những người già không có họ hàng hoặc không thể tự trang trải được chi phí.

Tại Philippines, việc hỏa thiêu đang trở nên phổ biến hơn bởi người ta hiểu rằng hỏa thiêu đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với chôn cất. Tại Hàn Quốc, dù không muốn nhưng cũng ngày một nhiều người phải chọn cách hỏa thiêu. Chính phủ cũng đang khuyến khích người dân lựa chọn một số hình thức mai táng khác.

Năm 2016, có 1,3 triệu người Nhật qua đời, con số lớn nhất tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Người Nhật đang ứng phó với áp lực này bằng nhiều cách khác nhau, từ việc cung cấp dịch vụ viếng lễ tang trong xe ô tô cho đến cung cấp chỗ để tro hỏa táng với tượng phật được thắp sáng bằng đèn LED.

Những lễ tang truyền thống thường tiêu tốn từ 1 đến 2 triệu yên, thế nhưng, chi phí đang giảm đi vì ngày một nhiều công ty tham gia vào cung cấp dịch vụ mai táng. Năm 2015, những lễ tang kiểu truyền thống chiếm 59% trong tổng số các vụ mai táng, nhưng đến năm 2016, con số này giảm xuống chỉ còn 52,8%.

Khảo sát của Hiệp hội người tiêu dùng Nhật cho thấy chi phí tổ chức lễ tang giảm xuống 1,96 triệu yên trong năm 2016 từ mức 2,31 triệu yên vào năm 2007.

Những đám tang với đầy đủ nghi lễ như trước đây, bao gồm việc thức cả đêm bên thi thể, sau đó hỏa thiêu, đang ngày một hiếm. Quy mô các gia đình ngày một thu hẹp, nên các lễ tang cũng vì thế mà nhỏ lại.

Dịch vụ viếng lễ tang từ trong xe ô tô bắt đầu được sử dụng tại tỉnh Nagano, Nhật Bản. Những người viếng lễ tang bận rộn sẽ có thể bày tỏ lòng thương xót với người chết trong vòng 3 phút. Khách dùng máy tính bảng để đăng ký tên và gửi tiền viếng cho nhân viên công ty.

Theo lý giải của công ty tổ chức sự kiện, họ muốn tạo điều kiện cho những người già và tàn tật cũng có thể tham dự lễ tang. Xã hội thay đổi, ngày một nhiều người già, các lễ tang cũng nên thay đổi theo.

Không phải người Nhật nào cũng dễ dàng chấp nhận hình thức rải tro cốt. Một vị sư 44 tuổi tại một ngôi chùa ở Tokyo nói: “Đám tang là dịp để thể hiện tấm lòng thành kính với người đã mất. Nếu chỉ hỏa thiêu rồi rải tro cốt đi, nó cứ như thể bạn không làm đám tang vậy”.

Tuy nhiên, những nỗi lo thực tế sẽ át đi những tranh cãi về việc duy trì truyền thống. Cũng giống nhiều người già Nhật, ông Hisao Suzuki năm nay đã gần 80 tuổi, không muốn con cháu quá phải bận lòng về tro cốt của mình. Ông cũng muốn sau này khi ông rời cõi đời, tro cốt của ông cũng sẽ được rải ra biển, bởi theo ông, con cháu còn có cuộc sống riêng của họ.

(Theo Bizlive.vn)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close