Khám pháSống

TIME công bố 10 bức ảnh gây chấn động nhất trong năm 2016

Mới đây, tạp chí Time đã lựa chọn được 10 tấm hình có sức ảnh hưởng lớn nhất trong năm 2016 để đăng tải và chia sẻ với công chúng trên toàn thế giới.

Năm 2016 là một năm đặc biệt với nhiều sự kiện có sức ảnh hưởng lớn xảy ra trên toàn thế giới: Từ cuộc tranh cử đầy kịch tính cho vị trí chủ nhân Nhà Trắng và cái kết đầy bất ngờ cho tới cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến cộng đồng phóng viên ở khắp các châu lục phải đứng ngồi không yên.

Trong suốt những tháng cuối năm 2016, bộ phận báo ảnh của tạp chí TIME Magazine đã làm việc hết công suất, tuyển chọn từ hàng nghìn bức ảnh nổi bật được chụp trong suốt năm qua để tìm ra 10 bức ảnh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài nhất.

Các thành viên của ban biên tập cũng cố gắng liên hệ với chủ nhân của những bức ảnh để họ có thể chia sẻ câu chuyện đằng sau tác phẩm này, đồng thời giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về sự kiện mà nó từng ghi lại.

1, Ieshia Evans bị bắt giữ (nhiếp ảnh gia Jonathan Bachman)

Ngày 09/07/2016, một nhóm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở Sở cảnh sát thành phố Baton Rouge để phản đối vụ cảnh sát bắn chết người đàn ông da màu Alton Sterling.

Một đội cảnh sát chống bạo động thuộc nhiều đơn vị khác nhau cũng nhanh chóng được điều động tới hiện trường để kiểm soát nhóm người biểu tình và dồn họ vào một công viên gần đó.

Nhiếp ảnh gia Jonathan Bachman chia sẻ: “Tôi bắt đầu ghi lại hình ảnh đối đầu trực tiếp giữa những người biểu tình và cảnh sát thì bất chợt nghe thấy tiếng ai đó kêu lên. Tôi quay lại và thấy một người phụ nữ đang đứng giữa đường.

Cô ấy đang đứng đó để biểu thị sự phản đối của mình và cảnh sát sẽ bắt giữ cô ấy. Tôi nhanh chóng di chuyển lại gần và chụp hình.

Vài ngày sau, tên của cô gái ấy đã được công khai. Đó là Ieshia Evans, một nữ y tá 28 tuổi. Trong ấn tượng của tôi, hình ảnh của Ieshia vô cùng mạnh mẽ. Cô ấy dám thể hiện sức mạnh và sự dũng cảm khi dám đấu tranh cho lý tưởng của mình.

Cho dù bức ảnh này nhận được sự đánh giá thế nào thì tôi cũng vô cùng tự hào khi nó đã tạo tiền đề cho một cuộc tranh luận gay gắt trên toàn cầu về vấn nạn bạo hành của cảnh sát cũng như mối quan hệ sắc tộc trong lòng nước Mỹ.

Và với tôi, đó chính là một trong những biểu hiện của một tác phẩm báo ảnh thành công”.

2, Âm mưu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ (nhiếp ảnh gia với bí danh Stringer)

Nhiếp ảnh gia Stringer không muốn công khai danh tính thật của mình và từ chối phỏng vấn.

Vào giữa tháng 7 vừa qua, những hình ảnh hỗn loạn trên cây cầu Bosphorus Bridge tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nối liền hai châu lục Á – Âu đã đánh dấu cho một cuộc đảo chính bất thành.

Trong một hình ảnh gây sốc được ghi lại tại đây, những binh sĩ vẫn còn mặc quân phục đang bị người dân đánh đập rất dã man. Hình ảnh này nhanh chóng được chia sẻ trong những ngày tiếp theo và trở thành biểu tượng cho việc người dân dám đứng lên chống lại lực lượng quân đội.

Bức ảnh trên thậm chí còn xuất hiện trên trang nhất của tờ The New York Times. Sau đó, tác giả của bức ảnh đã đề nghị không ghi tên thật mà thay bằng bí danh “Stringer”.

Dư âm của âm mưu đảo chính bất thành vẫn còn tiếp tục gây ảnh hưởng trong suốt năm 2016 khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thanh lọc, sa thải hàng loạt công chức nhà nước, bao gồm cảnh sát, giáo viên, binh sĩ, thẩm phán… cũng như cho đóng cửa nhiều tòa soạn báo khác nhau.

3, Sự đau khổ tại Syria (nhiếp ảnh gia Karam Almasri)

Bức ảnh ấn tượng này được chụp vào 7 tháng trước, sau khi quân đội chính phủ Syria tiến hành không kích một bệnh viện tại khu vực Sukkari, phía đông thành phố Aleppo.

Khoảng 9 giờ tối, nhiếp ảnh gia Karam Almasri đang ở nhà thì chợt nghe thấy một tiếng nổ lớn. Khoảng 15 phút sau, anh lập tức lao tới khu vực phát ra tiếng nổ và thấy bệnh viện lớn đã bị phá hủy bởi một số quả bom không kích.

“Sau khi chụp xong những bức ảnh về khung cảnh tan hoang của bệnh viện và khu vực xung quanh, tôi quyết định đi vào khu vực chữa trị cho nạn nhân. Khi tới nơi, tôi nhìn thấy rất nhiều thi thể nằm trong túi nhựa, một số đã bị biến dạng hoàn toàn.

Khoảng vài phút sau, cậu bé trong ảnh bỗng chạy vào để tìm kiếm mẹ và người em trai nhỏ. Nó lập tức nhận ra thi thể em trai và òa khóc nức nở.

Cậu bé từng mất đi rất nhiều người thân và họ hàng. Cha của em cũng mới qua đời cách đây không lâu. Ngày hôm đó, mẹ cậu bé cũng mất mạng trong cuộc không kích tàn bạo đó.

Do khuôn mặt của bà đã bị biến dạng nên cậu bé chỉ có thể xác định thông qua một số món đồ trang sức mà mẹ mình thường đeo”.

Khi bắt đầu nghiệp làm báo, những cảnh tượng này thường khiến nhiếp ảnh gia Karam Almasri cảm thấy rất sợ hãi và đau khổ.

“Tôi nhớ lần đầu tiên chụp lại những bức ảnh về nạn nhân của một vụ không kích. Tôi đã ngất ngay tại chỗ. Tôi đã ngất khi chứng kiến những con người bị mất tay chân, khi ngửi thấy mùi tanh tưởi của máu và xác chết. Tôi đã dần phải thích nghi với những hình ảnh kinh khủng đó.

Tôi không còn nhìn chúng bằng chính con mắt của mình nữa mà chỉ dám nhòm qua ống kính của máy ảnh. Tôi cảm thấy chiếc máy đang bảo vệ mình, cảm thấy nó đang tạo nên một lớp ngăn cách giữa tôi với hiện thực kinh khủng đó.

Và với bức ảnh này, nó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi cảm thấy mình có một mối liên hệ mang tính biểu tượng với cậu bé đó, vì cậu bé đã nhắc tôi nhớ về chính bản thân mình của ba năm về trước, khi một đợt không kích đã cướp đi cả gia đình thân yêu của tôi”.

4, Đám tang của Jimboy (nhiếp ảnh gia Daniel Berehulak)

Đây là đám tang của Jimboy Bolasa. Vào một ngày chủ nhật, chỉ vài tuần sau khi tôi bắt đầu kế hoạch chụp ảnh 35 ngày nhằm ghi lại chiến dịch chống tội phạm ma túy đẫm máu tại Philippines do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động.

“Hôm đó, tôi đã tới hai đám tang. Ban đầu, tôi đi theo gia đình của một nạn nhân. Thi thể của người này cùng một người bạn khác được tìm thấy bên dưới một cây cầu.

Sau khi trở lại, tôi quyết định đi tới một đám tang khác. Khi tôi đến gia đình của Jimboy thì cũng là lúc họ chuẩn bị khởi hành tới nhà thờ gần đó. Tôi đi theo tiếng kêu khóc xé lòng phát ra từ bên trong ngôi nhà. Nó đã dẫn tôi tới một khu lều bạt tạm bợ.

Jimji – con gái của Jimboy đang ở đây và cô bé không muốn rời khỏi quan tài của cha mình. Nó liên tục gào khóc “Papa. Papa. Papa”. Nhân viên tang lễ cuối cùng cũng đưa chiếc quan tài đi. Khoảng nửa tiếng sau, một thành viên của gia đình đã giữ Jimji lại nhưng cô bé vẫn tiếp tục gào thét cho tới lả đi kiệt sức.

Thật khó khăn khi chứng kiến những đứa trẻ còn quá nhỏ tuổi phải trải qua nỗi đau và sự mất mát to lớn đến vậy, nhất là khi cha ruột của các em đã bị hành quyết mà không được xét xử công bằng, không hề có cơ hội bào chữa cho mình trước toà”, nhiếp ảnh gia Daniel Berehulak chia sẻ.

5, Air Force One ở Cuba (nhiếp ảnh gia Alberto Reyes)

Chúng tôi có một đội nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để ghi lại hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân tới thủ đô Havana, và chúng tôi đã lên kế hoạch để chụp khoảnh khắc tuyệt vời ấy trước khi ông này đặt chân tới Cuba.

Nhóm nhiếp ảnh đã thảo luận rất nhiều trước khi quyết định ghi lại hình ảnh chiếc chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Obama đang bay trên bầu trời thủ đô Havana.

“Tôi đã lựa chọn một khu dân cư gần đó, nơi có ít xe cộ qua lại cũng như có khoảng cách đủ xa địa điểm bị nhân viên an ninh tuần tra.

Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy một chiếc máy bay thuộc phi đội tiền trạm mang theo một số nhân viên Nhà Trắng. Sau đó, tôi tiếp tục nghe thấy tiếng động cơ máy bay tiến đến gần, và chiếc Air Force One đã tới”, nhiếp ảnh gia Alberto Reyes cho biết.

6, Cuộc giải cứu trên biển (nhiếp ảnh gia Aris Messinis)

Lúc đó, nhiếp ảnh gia Aris Messinis đang lênh đênh trên một con tàu của tổ chức cứu hộ tới từ Tây Ban Nha có tên Proactiva Open Arms. Được biết, anh này cũng tham gia cứu hộ trên vùng biển Địa Trung Hải cách bờ biển Libya khoảng 15 hải lý.

Nhiếp ảnh gia Aris Mesinis tâm sự: “Ngày hôm đó thực sự rất bận rộn vì đội cứu hộ phải hoạt động đơn độc trong một vùng biển rộng lớn. Hơn thế nữa, chúng tôi phải giải cứu hơn 3.000 người. Ngay từ sáng sớm, việc tìm kiếm những con thuyền chở người tị nạn để phân phát áo phao cứu sinh cho họ đã được diễn ra rất khẩn trương.

Khi chúng tôi tiếp cận con thuyền này, có tới 220 người đang chen chúc nhau và tất cả đều lên tiếng kêu cứu.

Họ nói đã có một số người trên thuyền tử nạn. Trong số những người còn sống sót có cả trẻ nhỏ, và người ta cần phải giơ những đứa trẻ này lên cao để tránh cho chúng chìm nghỉm giữa biển người đông đúc. Trong bức ảnh tôi chụp cũng có một đứa trẻ như vậy xuất hiện”.

Khi ghi lại những bức ảnh như thế này, nhiếp ảnh gia trẻ đã cảm thấy rất khó khăn bởi hàng loạt hình ảnh đau thương đang hiện hữu trước mắt. Vì vậy, bất cứ ai cũng cần lưu giữ lại thứ tình cảm của riêng mình để có thể ghi lại chính xác những gì đang diễn ra.

“Sau khi chụp xong vài bức hình, tôi cũng nhanh chóng cất máy ảnh để lao đến trợ giúp công tác giải cứu.

Thật buồn khi đã sang thế kỷ 21 mà chúng ta vẫn phải chứng kiến những con thuyền lênh đênh hệt như khung cảnh chở nô lệ từ thế kỷ 19. Nhưng miễn là điều này còn diễn ra thì chúng tôi vẫn sẽ có mặt tại đó để ghi lại chúng, để không còn ai có thể nói là họ không biết gì về điều đó.

7, Những người tị nạn (nhiếp ảnh gia James Nachtwey)

Hàng trăm nghìn con người đang trốn chạy khỏi chiến tranh, vượt qua Biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ để tới Hy Lạp trên những chiếc bè tạm bợ và tạo thành từng đoàn người di chuyển qua các nước châu Âu. Họ phải sống trong những khu trại tị nạn tồi tàn, phải đối mặt với những binh lính cùng các trang thiết bị ngăn chắn bạo động tại biên giới. Đó chính là hình ảnh của dòng người tị nạn Trung Đông.

Một nhóm người tị nạn trong số đó đang sống ngay gần biên giới Hy Lạp – Macedonia đang chờ đợi một phần thức ăn ấm nóng trong một chiều mưa lạnh. Tất cả đã tạo nên một hình ảnh như thời Trung Cổ ở giữa thế kỷ 21.

8, Donald Trump (nhiếp ảnh gia Evan Vucci)

Khi đó, nhiếp ảnh gia Evan Vucci đang làm việc cho cơ quan thông tấn Associated Press. Anh đã bắt đầu công việc ghi lại những hình ảnh của ông Donald Trump từ Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa.

Nhiều ngày dài di chuyển đã gây ảnh hưởng tới Evan, khiến mỗi sáng thức giấc anh không còn nhớ nổi mình đang ở bang Iowa hay bang Ohio nữa. Nhưng nhiếp ảnh gia trẻ vẫn nhớ như in cái ngày chụp bức ảnh này, khi ông Trump đang trong tâm trạng rất tuyệt vời.

“Khi đang ở hậu trường và chuẩn bị tới khu vực tổ chức buổi vận động tranh cử, tôi thấy ông Trump luôn tươi cười. Tôi đã phải chen chúc, xô đẩy kịch liệt với các nhân viên an ninh chính phủ cùng đám đông người ủng hộ để tới được vị trí lý tưởng và chụp bức ảnh này.

Lúc đó, tôi đã vô cùng bất ngờ khi thấy ông Trump đứng trên ghế phát biểu. Đây là một điều hoàn toàn trái ngược với hình ảnh ông Trump mà tôi từng nghĩ, và nó đã thành một trong những khoảnh khắc mà tôi yêu thích nhất trong suốt quá trình vất vả vừa qua”, nhiếp ảnh gia Evan Vucci kể lại.

9, Usain Bolt (nhiếp ảnh gia Cameron Spencer)

Cameron Spencer là một trong số 11 nhiếp ảnh gia đang làm việc cho công ty Getty Images và được giao nhiệm vụ ghi lại những bức hình sống động trên đường chạy điền kinh.

Và bức ảnh mà anh chụp đã cho thấy sự thống trị của Usain Bolt, người đàn ông nhanh nhất hành tinh trên đường chạy Olympics.

“Tôi đang đứng tại một vị trí trong lòng sân và quyết định mạo hiểm sử dụng kỹ thuật chụp lia máy ở tốc độ chậm. Tôi chọn vị trí 70m cách vạch xuất phát vì tôi tin rằng Usain Bolt sẽ hoàn toàn bứt phá trước những vận động viên khác.

Chỉ tới khi trở về khách sạn và kiểm tra lại những bức ảnh đã chụp, tôi mới nhận ra Bolt đã nhìn về phía ống kính của mình và mỉm cười. Vào thời điểm đó, Bolt đã bắt đầu chạy chậm lại nhằm giữ sức cho vòng thi đấu tiếp theo. Vì thế, anh ấy mới có thể phân tâm để quan sát xung quanh.

Tôi cảm thấy mình đã vô cùng may mắn khi được chụp lại những bức ảnh của một vận động viên vĩ đại nhất thế giới, được chứng kiến từng bước tiến trong sự nghiệp của anh tại 3 kỳ Olympic và 2 kỳ World Championships.

Tôi rất thích biểu cảm của anh ấy trong bức ảnh này vì nó đã tạo thêm một yếu tố rất đặc biệt, một khoảnh khắc vô ý những đầy ý nghĩa”.

10, Bão tuyết (nhà du hành vũ trụ Scott Kelly)

Khi đang làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, Scott Kelly thường theo dõi những hiện tượng thời tiết trên khắp thế giới.

Nếu hiện tượng đó ảnh hưởng tới nước Mỹ, anh sẽ chú ý hơn và cố gắng ghi lại hình ảnh của nó từ bên ngoài vũ trụ để mọi người có thể cảm nhận được sự to lớn của nó so với sự bé nhỏ của con người.

Scott Kelly nghĩ nếu mình chụp được một bức ảnh tốt, mọi người sẽ cảm nhận được hiện tượng thời tiết đó kinh khủng đến thế nào và sẽ có sự chuẩn bị hợp lý hơn để giảm thiểu thiệt hại mà nó sắp gây ra.

“Tôi đã biết về cơn bão tuyết này từ rất lâu rồi, và tôi cũng biết điều kiện ánh sáng tại đây sẽ không thích hợp cho việc chụp ảnh.

Tôi có một triết lý sống khá đặc biệt. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ không thể chụp được một bức hình tốt, song tôi vẫn cố gắng hết mức vì biết đâu sự vô tình lại giúp tôi thu được một kết quả bất ngờ qua ống kính máy ảnh.

Trong trường hợp này, tôi bỗng nhận thấy điều kiện ánh sáng quả thực rất hoàn hảo để bấm máy. Khi nhìn vào bức ảnh, bạn có thể nhận ra đó là nơi nào trên đất Mỹ. Đồng thời, bạn cũng có thể cảm nhận được sự to lớn của cơn bão kinh hoàng nói trên.

Và thật tuyệt khi được biết một trong những bức ảnh mà mình đã chụp sẽ được xuất hiện trong bản tin chiều”, phi hành gia Scott Kelly hào hứng kể lại.

Trí thức trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close