Thời sựThời sự

TNI: Mỹ cần “trừng phạt” thay vì nhún nhường Philippines

Mỹ đang đối mặt với một vấn đề lớn trong mối quan hệ đồng minh với Philippines khi Tổng thống nước này liên tục thể hiện sự thân thiết với Trung Quốc và “chửi mắng” ông Obama. Theo tờ The National Interest (TNI), đã đến lúc Mỹ từ bỏ mối quan hệ này.

Theo chuyên gia Ted Galen Carpenter thuộc Cato, một viện nghiên cứu chính sách hàng đầu của Mỹ, những bình luận của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với Mỹ ngày càng tệ. Gần đây nhất, hôm 4/10, ông Duterte gây sốc khi nói Tổng thống Barack Obama ” hãy xuống địa ngục”.

Ông Carpenter cho rằng, giới chức Mỹ đang tỏ ra “câm điếc” đối với những lời bình luận kiểu như vậy của vị Tổng thống Philippines. Thậm chí khi ông Duterte chỉ trích Mỹ, tuyên bố dừng tuần tra với Mỹ ở Biển Đông, tuyên bố ngừng tập trận với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vẫn cố khẳng định rằng liên minh Washington – Philippines vững chắc như “pháo đài thép”.

Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Philippines Duterte.

Chuyên gia Carpenter nhận định, lập trường mà Mỹ đang chọn về Philippines rất không khôn ngoan vì nhiều lý do. Đầu tiên, không thể gọi là sáng suốt khi một cường quốc như Mỹ đảm bảo an ninh một cách bừa bãi bởi việc đó có thể khiến Mỹ rơi vào một cuộc đối đầu quân sự không đáng có. Mỹ đã vi phạm quy tắc đó khi thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh theo các hiệp ước với hàng chục quốc gia và cam kết ngầm với nhiều quốc gia khác.

Hiệp ước phòng thủ song phương với Philippines cũng nằm trong số đó. Đây là hiệp ước lâu đời, được kí kết từ năm 1951.

Lý do thứ hai cho việc một cường quốc như Mỹ nên tránh các liên minh kiểu như mối quan hệ với Manila là chương trình nghị sự của nước đối tác có thể tạo ra khó khăn, thậm chí nguy hiểm lớn cho nước Mỹ, hay ít nhất cũng khiến nước Mỹ “đau đầu”.

Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines đang gây nhiều tranh cãi.

Thứ ba, một mối quan hệ an ninh kiểu như với Philippines sẽ khiến nước Mỹ bị mang tiếng nếu như nước đối tác đang có chính sách đối nội không hợp lý. Trường hợp của Philippines là chính sách chống ma túy đang gây nhiều tranh cãi.

Cuối cùng, ông Carpenter đặt câu hỏi, nước Mỹ có thực sự cần những mối quan hệ như vậy để đảm bảo an ninh quốc gia. Theo ông, câu trả lời trong hầu hết các trường hợp là không.

Vì những lý do trên, vị chuyên gia của viện Cato nhận định, Mỹ cần có lập trường cứng rắn hơn trong trường hợp của Philippines. Thật vô lý khi nước Mỹ phải bảo vệ một quốc gia đang được cai trị bởi một cá nhân có chính sách đối ngoại không đáng tin cậy và có những chính sách đối nội gây tranh cãi.

Ông Carpenter đề xuất, Washington cần đình chỉ liên minh với Manila vô thời hạn. Điều này đã từng xảy ra. Trong những năm 1980, Mỹ đã đình chỉ cam kết quốc phòng với New Zealand thông qua hiệp ước ANZUS chỉ vì nước này không cho phép các tàu hạt nhân của Mỹ hoạt động trong vùng biển của họ. Hành động của Duterte đối với Mỹ còn tồi tệ hơn vậy, do đó, ít nhất cũng cần phải nhận một phản ứng tương tự.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)/Infonet

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close