Cả 3 người giàu nhất trên sàn chứng khoán đều có tài sản trong lĩnh vực bất động sản. Tài sản của nhiều tỷ phú đã tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 trong năm qua.
Phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng của năm 2017 đã chính thức khép lại và danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán cũng đã được xác định. Năm nay, chỉ số VN-Index tăng tới 48% và không ngạc nhiên khi tài sản của các tỷ phú đồng loạt tăng vọt.
#1. Phạm Nhật Vượng
Tuổi: 49 tuổi
Lĩnh vực: Bất động sản – đa ngành
Cổ phiếu: VIC
Giá trị tài sản: 119.156 tỷ đồng (+292%)
Ảnh: Forbes
Năm 2017 là năm đầy bận rộn với tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup. Trong năm qua, Vingroup đã cho ra mắt hàng loạt dự án kinh doanh mới, mà nổi bật nhất là Tổ hợp sản xuất ô tô Vìnast tại Hải Phòng. Bên cạnh đó, Vingroup còn ra mắt hãng phim hoạt hình VinTaTa, khánh thành trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, đưa cổ phiếu của Vincom Retail lên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã tăng giá mạnh mẽ trong năm qua. Không những vậy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn công bố đang sở hữu tới 92,88% Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Đây là công ty đang nắm 817 triệu cổ phiếu của Vingroup. Vì vậy, nếu tính cả lượng cổ phiếu tại đây, ông Vượng đang sở hữu (trực tiếp và gián tiếp) hơn 1,54 tỷ cổ phiếu VIC, tương ứng khối tài sản trị giá gần 120.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Forbes, tính tới ngày 29/12/2017, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam, giá trị tài sản 4,3 tỷ USD và là người giàu thứ 501 thế giới.
#2. Trịnh Văn Quyết
Tuổi: 42
Lĩnh vực: Bất động sản
Cổ phiếu: FLC, ROS, ART
Giá trị tài sản: 58.852 tỷ đồng (+74%)
Tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tăng tới 25.000 tỷ đồng trong năm 2017 nhờ sự tăng giá của cổ phiếu ROS, tuy nhiên, ông Quyết không giữ được vị trí giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện nay, ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu gần 319 triệu cổ phiếu ROS.
Năm qua, ROS đã tăng giá tới 74%, đóng cửa phiên cuối năm tại mức 181.700 đồng/cổ phiếu. Tuy là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán nhưng ông Trịnh Văn Quyết chưa được Forbes ghi danh vào danh sách tỷ phú đô la.
#3. Nguyễn Thị Phương Thảo
Tuổi: 47
Lĩnh vực: Hàng không, ngân hàng, bất động sản
Cổ phiếu: VJC
Giá trị tài sản: 24.737 tỷ đồng
Cổ phiếu VJC của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air chính thức lên sàn vào cuối tháng 2/2017 và ngay lập tức đưa nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo vào top người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà Thảo hiện đang trực tiếp sở hữu 39,56 triệu cổ phiếu VJC và gián tiếp sở hữu thêm gần 129 triệu cổ phiếu thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny. Tổng cộng, bà Thảo đang nắm tới 168,5 triệu cổ phiếu của Vietjet Air, giá trị tương ứng hơn 24.700 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Thảo còn đang nắm 10,3 triệu cổ phần của HDBank. Sang năm 2018, tài sản của bà Thảo có thể còn tăng mạnh hơn nữa, khi ngân hàng này lên sàn chứng khoán.
Đáng chú ý, trong danh sách của Forbes, bà Thảo chính là nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam và là người giàu thứ 2, chỉ kém ông Phạm Nhật Vượng. Hiện nay, Forbes tính toán khối tài sản của bà Thảo trị giá 2,4 tỷ USD, là người giàu thứ 1.021 hành tinh.
#4. Trần Đình Long
Tuổi: 56
Lĩnh vực: Thép
Cổ phiếu: HPG
Giá trị tài sản: 17.876 tỷ đồng (+95%)
Tài sản của ông Trần Đình Long đã tăng gần gấp đôi trong năm 2017, lên gần 18 nghìn tỷ đồng. Tương tự các cổ phiếu lớn khác trên sàn, HPG của Hòa Phát đã tăng giá 74% trong năm qua, nhờ kết quả kinh doanh khả quan của tập đoàn.
#5. Hồ Xuân Năng
Tuổi: 53
Lĩnh vực: Vật liệu xây dựng
Cổ phiếu: VCS
Giá trị tài sản: 13.277 tỷ đồng (+144%)
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vicostone đang nắm giữ 57,2 triệu cổ phiếu VCS, trong đó ông Năng chỉ nắm trực tiếp 2 triệu cổ phiếu, còn hơn 55 triệu cổ phiếu còn lại là sở hữu gián tiếp thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A.
Vicostone hiện là nhà sản xuất đá thạch anh lớn thứ 4 thế giới và cổ phiếu VCS là một trong số những mã có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán.
#6. Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng)
Tuổi: 48
Lĩnh vực: Bất động sản
Cổ phiếu: VIC
Giá trị tài sản: 9.650 tỷ đồng (+84%)
Cổ phiếu VIC tăng giá mạnh đã nâng tài sản của bà Phạm Thu Hương lên gần 9.700 tỷ đồng, tăng 85% so với cuối năm trước. Vị trí của bà Phạm Thu Hương trong top người giàu giảm 1 bậc so với năm ngoái.
#7. Bùi Thành Nhơn
Tuổi: 59
Lĩnh vực: Bất động sản
Cổ phiếu: NVL
Giá trị tài sản: 9.486 tỷ đồng (+25%)
Vị trí của ông Bùi Thành Nhơn trong top 10 giảm 3 bậc so với năm ngoái. Trong năm qua, cổ phiếu của Novaland chỉ tăng giá 8%, khiến mức tăng trưởng của ông Bùi Thành Nhơn cũng thấp nhất trong top 10 người giàu.
#8. Phạm Thúy Hằng (em gái bà Phạm Thu Hương)
Tuổi: 43 tuổi
Lĩnh vực: : Bất động sản
Cổ phiếu: VIC
Giá trị tài sản: 6.445 tỷ đồng (+84%)
Tài sản của bà Phạm Thúy Hằng tăng 84% năm qua, bằng với mức tăng của bà Phạm Thu Hương. So với năm ngoái, vị trí của bà Phạm Thúy Hằng giảm 2 bậc.
#9. Nguyễn Đức Tài
Tuổi: 48
Lĩnh vực: Bán lẻ
Cổ phiếu: MWG
Giá trị tài sản: 6.084 tỷ đồng (+70%)
Tuy thị trường điện thoại di động đã bão hòa nhưng cổ phiếu MWG của ông Nguyễn Đức Tài vẫn tăng giá 70% trong năm qua. Sau điện thoại, Thế Giới Di Động đang tăng trưởng mạnh nhờ thị trường điện máy. Chuỗi Điện Máy Xanh đang dần thay thế chuỗi Thegioididong để đóng góp doanh thu lớn nhất cho công ty.
Bên cạnh đó, chuỗi Bách Hóa Xanh cũng đang tăng trưởng ổn định và Thế Giới Di Động còn đang tiếp tục mở rộng với thương vụ thâu tóm Trần Anh và mở thêm chuỗi nhà thuốc An Khang.
Ông Nguyễn Đức Tài hiện đang trực tiếp sở hữu 7,8 triệu cổ phiếu MWG và gián tiếp sở hữu thêm 38,6 triệu cổ phiếu qua Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư thế giới bán lẻ.
#10. Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long)
Lĩnh vực: Thép
Cổ phiếu: HPG
Giá trị tài sản: 5.178 tỷ đồng (+95%)
Tương tự ông Trần Đình Long, tài sản của bà Vũ Thị Hiền cũng tăng 95% trong năm qua nhờ cổ phiếu của Hòa Phát tăng giá mạnh mẽ. So với năm ngoái, bà Hiền giảm 3 bậc trên bảng xếp hạng người giàu.
Theo Trí Thức Trẻ