Chính trị - Xã hộiKinh tế vĩ mô

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp: Xúc tiến thị trường nội địa

Khuyến khích khởi nghiệp, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các sở, ngành phải tích cực giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam phát triển, giữ vững thị trường nội địa là một nhiệm vụ quan trọng khi thị trường nước ta đang là điểm ngắm của hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài. 

Giới thiệu hàng Việt Nam tại một hội chợ – Ảnh: Quý Hòa

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã chia sẻ về trách nhiệm xúc tiến thị trường nội địa thông qua chuỗi “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp TP.HCM” được khởi động từ tháng 9/2016 với sự kiện đầu tiên diễn ra ở Tây Ninh.

Được khuyến khích khởi nghiệp, tính từ đầu năm đến 15/8, TP.HCM đã có 22.988 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy doanh nghiệp mới trong khu vực thương mại – dịch vụ là nhiều nhất, nhưng số doanh nghiệp mới về nông, lâm nghiệp và thủy sản là 132 doanh nghiệp, đã tăng 50% so với cùng kỳ; về công nghiệp, xây dựng là 5.055 doanh nghiệp, tăng 11,3% . Đặc biệt, tổng vốn đăng ký mới của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng 52,1% so với cùng kỳ.

Như vậy, với sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp đã ổn định, sản xuất hiệu quả, cộng với những doanh nghiệp mới, hàng hóa TP.HCM sản xuất ra mỗi năm sẽ không chỉ tăng về số lượng mà cả về chủng loại.

Càng hội nhập sâu rộng các khu vực kinh tế trên thế giới, hàng hóa Việt Nam càng có nhiều cơ hội xuất khẩu, ngược lại, hàng hóa các nước cũng thâm nhập thị trường Việt Nam thuận lợi hơn. Đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tập trung khai thác thị trường Việt Nam, nhất là từ các nước châu Á. Chúng ta có lo thúc đẩy xuất khẩu, cũng phải nhìn thấy hơn 90 triệu dân của Việt Nam là lực lượng tiêu dùng lớn.

Đương nhiên khi hoạch định sản xuất, doanh nghiệp cũng đã nghĩ đến thị trường. Song, rất nhiều doanh nghiệp tuy có sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng hữu ích, an toàn, nhưng vì nguồn lực tài chính có hạn, không đủ khả năng quảng bá, tiếp thị sâu rộng, nên sản phẩm họ làm ra chưa hiện diện nhiều trên thị trường. Đây là thiệt thòi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tiếp sức cho doanh nghiệp, ITPC tổ chức chuỗi “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp TP.HCM” nhằm hỗ trợ đưa hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất tại TP.HCM đi đến các tỉnh, thành, trước mắt là khu vực phía Nam, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tìm đại lý mở rộng phân phối. “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp TP.HCM năm 2016” đầu tiên sẽ được tổ chức ở tỉnh Tây Ninh từ 29.9 đến 3.10 tới.

Tuần lễ giới thiệu sản phẩm này dành cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đang sản xuất tại TP.HCM. Doanh nghiệp ở các ngành sản xuất hàng công nghiệp, nông nghiệp, thiết bị- máy móc phục vụ sản xuất, vật liệu xây dựng,… đều được hỗ trợ 50% chi phí gian hàng trong khu vực hội chợ (quy mô 150 gian hàng), 100% chi phí trang trí tổng thể, truyền thông, kết nối giao thương.

Tây Ninh hiện có 109 chợ truyền thống. Tuy số lượng chợ nhiều nhưng mối gắn kết giữa tiểu thương và nhà sản xuất chưa thật vững chắc, thậm chí nhiều doanh nghiệp TP.HCM chưa tiếp cận với tiểu thương để nắm được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

ITPC phối hợp với Sở Công thương tỉnh Tây Ninh và ban quản lý các chợ tổ chức kết nối cho doanh nghiệp TP.HCM gặp gỡ tiểu thương 8 chợ loại 2, có sức mua lớn là: chợ Phường 3, chợ Thành phố Tây Ninh, chợ Tân Biên, chợ Long Hoa, chợ Dương Minh Châu, chợ Tân Châu, chợ Gò Dầu, chợ Trảng Bàng.

Chúng tôi hy vọng sau cuộc kết nối này, doanh nghiệp TP.HCM có thể đưa sản phẩm giới thiệu, phân phối trực tiếp đến tiểu thương – những người làm cầu nối đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, trên tinh thần “cùng phát triển”, ITPC sẽ tổ chức hội thảo “Giải pháp sản xuất rau quả an toàn” để doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ các mô hình sản xuất rau an toàn, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến với các nhà sản xuất ở Tây Ninh.

Đã từng xảy ra chuyện doanh nghiệp lợi dụng các hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam để đưa hàng tuy sản xuất trong nước nhưng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hoặc trà trộn hàng ngoại nhập và cả hàng ngoại dán nhãn mác Việt Nam vào trong các gian hàng. Điều này đã làm mất lòng tin người tiêu dùng về các hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam, nguy hiểm hơn là mất lòng tin vào hàng Việt Nam.

– Chúng tôi hiểu nỗi lo này và xác định hỗ trợ doanh nghiệp phải đi đôi tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp minh bạch thông tin về sản phẩm, có địa chỉ sản xuất, nhãn mác, hướng dẫn sử dụng rõ ràng, trung thực trong công bố chất lượng, qui trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm.

Về phía ban tổ chức, chúng tôi lập bộ phận kiểm tra ngay từ khâu tiếp nhận doanh nghiệp đăng ký, không chấp nhận ngay từ đầu những doanh nghiệp không có thông tin đầy đủ, rõ ràng. Trong những ngày diễn ra hội chợ, bộ phận kiểm tra sẽ thường xuyên kiểm tra hàng hóa doanh nghiệp, loại ngay những doanh nghiệp có hành vi đưa hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác vào bán cho người tiêu dùng.

Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập khẳng định uy tín đối với người tiêu dùng.

VÂN KHÁNH ghi/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close