Câu chuyệnKinh doanh

Trang Tuyết Ngà – nhà sáng lập MTTS: Tôi muốn cứu thêm nhiều trẻ em

“Tôi mới nhận cuộc gọi của người bạn ở Nepal nói rằng, một trong những thiết bị y tế hỗ trợ hô hấp (CPAP) của chúng tôi đã giúp cứu sống một em bé mới chào đời. Không gì hạnh phúc hơn khi nghe điều đó. Tâm nguyện của chúng tôi là cứu sống nhiều em bé mới sinh ở Việt Nam và các nước khác”.

 

Trang Tuyết Ngà - nhà sáng lập MTTS: Tôi muốn cứu thêm nhiều trẻ em

Trang Tuyết Ngà (trái) đang kiểm tra sản phẩm

Đó là tâm sự của chị Trang Tuyết Ngà – nhà sáng lập MTTS, công ty chế tạo thiết bị hỗ trợ chăm sóc y tế đầu tiên tại Việt Nam, một trong những đại diện nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xã hội của năm 2017” do Schwab Foundation bình chọn với nỗ lực hỗ trợ chăm sóc y tế cho hơn 1,3 triệu trẻ em, trong đó hơn một nửa là trẻ em Việt Nam.

Sinh ra tại Hà Nội sau 1975, Ngà lớn lên trong giai đoạn Việt Nam thiếu thốn mọi thứ, tất cả nguồn lực phải dồn vào quá trình tái thiết đất nước do hậu quả của chiến tranh. Cuộc sống của người dân nghèo nàn, những nhu cầu thiết yếu đều phụ thuộc vào hàng viện trợ từ nước ngoài. Tuổi 20, chị làm việc cho một tổ chức y tế của Mỹ tại Hà Nội với nhiệm vụ như là cầu nối giữa các bác sĩ ở Hà Nội với những nhà thiết kế các thiết bị chăm sóc y tế người nước ngoài.

Việt Nam những năm 80-90 chưa phổ biến các hoạt động kinh doanh, sản xuất hay cung cấp các thiết bị y tế. Một số bệnh viện có thiết bị nhưng chủ yếu thông qua các chương trình viện trợ. Ít nơi có khả năng tự mua vì chi phí nhập khẩu cao, quá trình bảo dưỡng, thay thế cũng tốn kém.

Những ngày tháng tới lui bệnh viện, chị tận mắt chứng kiến nhiều em bé mới sinh qua đời vì thiếu các thiết bị y tế trợ giúp. “Tôi đã sốc khi thấy một em bé mới sinh qua đời vì khó thở. Hình ảnh tấm vải trắng phủ lên em ám ảnh tôi suốt. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến tôi quyết định phải làm điều gì đó để có thể cứu các em”.

Sau khóa học ngắn hạn tại Đan Mạch, chị Ngà về Việt Nam, tự tin với kiến thức, kinh nghiệm và quyết tâm thực hiện điều chị mong muốn. Năm 2004, ở tuổi 25, Ngà cùng 3 người bạn thành lập Công ty Chuyển giao công nghệ và dịch vụ y tế MTTS (Medical Technology Transfer and Services), chế tạo các thiết bị y tế trợ giúp trẻ sơ sinh. MTTS hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, mặc dù thời điểm đó Việt Nam chưa có điều luật rõ ràng quy định loại hình doanh nghiệp này.

Trong một nhà máy của MTTS

Trong một nhà máy của MTTS

MTTS hợp tác với tổ chức East Meets West Foundation ở California, Mỹ, nghiên cứu công nghệ thích hợp và tạo ra các thiết bị dùng điều trị hầu hết các bệnh gây tử vong phổ biến ở trẻ sơ sinh. Những thiết bị này có giá cả hợp lý nhờ sử dụng cả nguyên vật liệu trong nước và nhập khẩu để thiết kế và sản xuất.

Giai đoạn đầu, MTTS gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thuyết phục các nhà đầu tư chịu rót vốn cho dự án. Tuy nhiên, họ đã vượt qua và hoàn tất sản phẩm đầu tiên đưa vào thử nghiệm tại Viện Nhi Trung ương ngay năm 2004. Theo chị Ngà, thiết bị đầu tiên có giá 250USD, trong khi một thiết bị nhập khẩu có cùng chức năng có giá 1.500USD thời điểm đó. “Việc bệnh viện nhi lớn nhất Việt Nam đồng ý thử nghiệm sản phẩm đã tạo động lực rất lớn để chúng tôi bước tiếp. 20 thiết bị tương tự đã được lắp đặt tại 3 bệnh viện nhi ở Hà Nội và Hải Phòng ngay sau đó”.

Họ tiếp tục gặp khó khăn khi tính đến việc sản xuất số lượng lớn vốn đòi hỏi tính đồng nhất về chất lượng, trong khi chưa có nhà xưởng, nhân lực, tài chính lẫn nhà cung ứng. Chi phí nghiên cứu và phát triển một sản phẩm từ vài trăm ngàn đến cả triệu đô la. “Không ít lần tôi muốn bỏ cuộc, tuy nhiên tâm huyết làm được điều gì đó cho những người nghèo và người dễ bị tổn thương nhất đã khuyến khích tôi tiếp tục”, chị Ngà chia sẻ.

Nỗ lực của chị đã được các chương trình tài trợ y tế của Đại sứ quán Đan Mạch, câu lạc bộ phụ nữ quốc tế và nhiều nhà hảo tâm khác giúp sức. Trong 5 năm đầu tiên, CPAP được lắp đặt tại một số bệnh viện nhờ nguồn tài trợ này và chỉ 30% được bán trực tiếp. Đến năm 2007, CPAP đầu tiên được lắp đặt cho một bệnh viện tại Lào đã ghi dấu ấn lần đầu sản phẩm của MTTS xuất ngoại. Kể từ đó, nhiều nước khác bắt đầu chú ý và đặt hàng sản phẩm thông qua các hội thảo chuyên đề y tế.

Công ty có thêm động lực khi sản phẩm nhận nhiều phản hồi tích cực, đặc biệt là đèn chiếu 2 mặt Firefly Phototherapy giới thiệu năm 2013, kết quả của việc hợp tác nghiên cứu với hai đối tác Mỹ Design that Matters và East Meets West Foundation. Firefly Phototherapy dùng điều trị chứng vàng da ở trẻ sơ sinh ngay trong phòng của mẹ, thời điểm đó đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới được thiết kế theo chuẩn châu Âu với giá 1.600USD.

Một thiết bị của MTTS được sử dụng tại Hà Nội, năm 2014

Một thiết bị của MTTS được sử dụng tại Hà Nội, năm 2014

Năm 2016, 182 thiết bị chăm sóc y tế của họ được lắp ráp cho một số bệnh viện tại Myanmar theo đơn đặt hàng của bộ y tế nước này, và hiện hơn 300 thiết bị đã có mặt tại thị trường này.

“Việc có thêm các đơn hàng thương mại là bước tiến quan trọng giúp chúng tôi có kinh phí mở rộng hoạt động. Như thế chúng tôi mới có thể cứu thêm được nhiều trẻ em đúng như mục đích trợ giúp những đối tượng dễ bị tổn thương nhất”, chị Ngà nói.

MTTS hiện có 28 nhân viên gồm các nhà thiết kế và kỹ sư lắp ráp người Việt và người nước ngoài, chủ yếu thiết kế – sản xuất và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Năm loại thiết bị chủ lực gồm đèn chiếu vàng da 2 mặt Firefly, đèn chiếu vàng da Colibri, máy trợ thở bong bóng (Dolphin CPAP), đồng hồ đo bước sóng và giường sơ sinh. Giá sản phẩm dao động từ 1.000 – 3.000USD, bằng khoảng 1/3 giá các thiết bị tương tự tại các nước phát triển, giúp họ có được phân khúc thị trường nhất định. Chị Ngà cho biết dự định sẽ ra mắt 3 sản phẩm mới trong năm nay.

Hiện hơn 3.000 thiết bị của MTTS đã được lắp đặt cho hơn 350 bệnh viện tại 25 nước châu Á và châu Phi, đào tạo hơn 3.500 chuyên viên thực hành trên các thiết bị này cho các bệnh viện. Giai đoạn 2012 – 2016, MTTS ghi nhận doanh thu tăng trung bình 30% mỗi năm.

Châu Phi sẽ là thị trường ưu tiên của MTTS sau khi Công ty triển khai và nhận thêm nhiều đơn hàng từ các tổ chức phi chính phủ và các bệnh viện tại đây. MTTS cũng dự định lập văn phòng nghiên cứu phát triển tại chau Phi nhằm phục vụ tốt hơn thị trường này.

Ở tuổi 38, hiện chị Ngà chuyển sang phụ trách tài chính, bán hàng, xin cấp chứng chỉ và dành nhiều thời gian chăm sóc hai con. Vị trí điều hành chính được giao cho chồng, ông Gregory Dajer, với nhiệm vụ phát triển MTTS thành một công ty toàn cầu trong 5 năm tới.

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close