Kinh tế vĩ môThế giới

Trung Quốc lại bị nghi “xào nấu” số liệu GDP

Số liệu tăng trưởng GDP mới nhất của Trung Quốc lại bị vướng nghi vấn về tính xác thực, Nhật báo Phố Wall cho biết.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê Trung Quốc, GDP nước này tăng trưởng 6,7% trong quý III, ngang bằng mức tăng của hai quý trước đó.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng GDP ba quý liên tiếp bằng nhau kể từ năm 1992, khi nước này chính thức công bố số liệu GDP định kỳ hàng quý.

Các nhà kinh tế cũng cho rằng trường hợp một nền kinh tế tăng trưởng nhanh có mức tăng trưởng GDP ba quý giống hệt nhau là rất hiếm khi xảy ra.

Trung Quốc là trường hợp ngoại lệ vì Bắc Kinh đã thiết lập một mục tiêu tăng trưởng tham vọng là 6,5 – 7% trong năm nay. Chính quyền nước này sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu này, cho dù là thông qua kích thích tài khóa, thúc ép các công ty nhà nước hay “xào nấu” sổ sách.

Quỹ tiền tệ quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc từ bỏ chính sách này. Nó có nguy cơ dẫn đến dư thừa kích thích tài khóa, thổi phồng nợ và dư thừa sản xuất.

Chuyên gia Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics Pte khẳng định việc Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong cả ba quý liên tiếp là hầu như không thể xảy ra. “Rõ ràng nước này đã tinh chỉnh số liệu để đạt được một ‘mức bình thường mới’ theo tiêu chuẩn của Trung Quốc”.

Đây không phải là lần đầu tiên các chỉ báo vĩ mô của Trung Quốc vấp phải sự nghi hoặc từ giới chuyên gia kinh tế học thế giới. Nước này liên tục công bố tỷ lệ thất nghiệp trong khoảng 4 – 4,3% kể từ năm 2002. Trong khi đó, số liệu của tổ chức Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia phi lợi nhuận của Mỹ thì cho ra tỷ lệ trung bình là 11% trong giai đoạn 2002 – 2009.

Giới quan sát cho rằng số liệu tăng trưởng của Trung Quốc có thể đã được “cơi nới” 1 – 2/10 điểm phần trăm, tương ứng với 10 – 20 tỷ USD sản lượng. Mức điều chỉnh cao hơn có thể khiến số liệu bị dò xét.

Chuyên gia tại IHS Markit thì chỉ ra rằng Trung Quốc thường có xu hướng làm tròn lên chứ không phải xuống. Khoản để làm tròn lên thường được để vào mục “các dịch vụ khác”.

Một nghiên cứu của trang American Economic Journal kết luận Trung Quốc báo cáo giảm tỷ lệ tăng trưởng nhiều phần trăm mỗi năm vào cuối những năm 1990 khi tăng trưởng hàng năm thường xuyên vượt mốc 10%, sau đó lại báo cáo tăng tăng trưởng và lạm phát sau năm 2002.

Ngay ở trong nước, số liệu thống kê của Trung Quốc cũng vấp phải nhiều sự hoài nghi. Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn làm Bí thư tỉnh Liêu Ninh vào năm 2007, ông từng trả lời báo Mỹ, than phiền về tính chính xác của những số liệu mà ông cho là “nhân tạo”.

Ông nói mình tin tưởng hơn vào các số liệu khó có thể sửa đổi như sản lượng điện hay khối lượng hàng hóa vận chuyển.

Từ đó trở đi, nhiều ngân hàng đã xây dựng bộ chỉ số riêng gọi là “Chỉ số Lý Khắc Cường”, lấy cảm hứng từ những nghi ngại của ông.

Năm ngoái, trong cuộc truy quét tham nhũng, quan chức ba tỉnh Liêu Ninh, Heilongjiang và Cát Lâm đã thừa nhận báo cáo khống số liệu tổng sản lượng địa phương.

LỀ PHƯƠNG/Bizlive

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close