Công sởQuản trị

Trung Quốc: Thay đổi tư duy “trọng nam” nơi công sở

Tư duy trọng nam tại Trung Quốc đang dần chịu tác động, thay đổi từ chính sách ủng hộ nữ giới phát triển của các doanh nghiệp tư.

 

Trung Quốc: Thay đổi tư duy "trọng nam" nơi công sở

Jean Liu, Chủ tịch Didi Chuxing. Ảnh: Time

Angela Liu là một điển hình của thế hệ phụ nữ hiện đại tại Trung Quốc. Tốt nghiệp đại học danh giá Chiết Giang, cô từng bước tạo dựng sự nghiệp tại ngân hàng quốc doanh. Thu nhập của cô cao hơn so với người chồng công tác trong cùng lĩnh vực.

Song, mọi chuyện thay đổi sau khi cô sinh con đầu lòng vào năm 30 tuổi. Môi trường doanh nghiệp công tại Trung Quốc không tạo điều kiện cho phụ nữ bước lên các vị trí quản lý cấp cao. Vì vậy, Angela Liu đã quyết định nghỉ việc và dành toàn thời gian để làm người nội trợ.

The Financial Time dẫn lời Angela Liu: “Có lẽ tôi nên chọn một con đường sự nghiệp khác, vì quan điểm tại khu vực công vẫn còn khá “đóng cửa” đối với nữ giới. Nếu quay trở lại làm việc, tôi sẽ ra nước ngoài hoặc khởi nghiệp riêng”.

Những thập niên gần đây, ý thức hệ về bình đẳng giới tại Trung Quốc đã dần thay đổi. Quốc gia này mở ra nhiều cơ hội hơn để phụ nữ có thể tự do theo đuổi con đường học vấn, sự nghiệp. Tuy trong giai đoạn chuyển đổi lên kinh tế thị trường, môi trường làm việc tại Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều chính sách bất công với nữ nhân viên, nhưng nữ giới đang ngày càng có nhiều quyền quyết định hơn trong việc ban hành các chính sách trong công ty.

“Tại Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, chúng tôi đang bắt đầu tạo ra văn hóa doanh nghiệp mới”, Bianca Yin – Quản lý Dự án của Didi Chuxing, nền tảng chia sẻ phương tiện di chuyển lớn nhất Trung Quốc, trả lời phỏng vấn The Financial Time.

Môi trường kinh doanh thay đổi kết hợp cùng sự bùng nổ của công nghệ đã giúp các doanh nghiệp tư tại Trung Quốc phát triển mạnh, với lợi nhuận vượt trội so với doanh nghiệp quốc doanh. Sự tăng trưởng này đã tạo nền tảng cho tiếng nói của doanh nghiệp tư trở nên mạnh mẽ hơn trong cộng đồng kinh doanh. Làn sóng đổi mới văn hóa công sở từ đó  cũng dần dịch chuyển theo hướng bình đẳng hơn cho nữ giới, dù tiến trình này diễn ra còn khá chậm, theo The Financial Time.

Làn sóng tự khởi nghiệp của phụ nữ Trung Quốc

Một khảo sát năm 2015 do Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc thực hiện đã cho thấy có đến 87% nữ sinh tốt nghiệp đại học từng gặp phải rào cản phân biệt giới tính khi tìm việc. Các nghiên cứu học thuật khác nhau tại quốc gia này cũng nhận thấy tình trạng quấy rối, lạm dụng tình dục xảy ra với 30-70% nữ sinh viên.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng nữ doanh nhân Trung Quốc đã nỗ lực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể, theo tìm hiểu của The Financial Time, xu hướng mentor (nhà tư vấn) dần trở nên phổ biến trong cộng đồng nữ doanh nhân tại quốc gia này.

“Sự hỗ trợ từ các nữ đồng nghiệp đã giải phóng tôi”, Daisy Guo nhìn nhận. Cô đã khởi nghiệp với công ty thiết kế đồ họa Tezign, tại Thượng Hải, vào năm 2015 với sự ủng hộ từ các giảng viên đại học.

http-com-ft-imagepublish-upp-p-6288-9326

Daisy Gou cho biết phụ nữ Trung Quốc hiện đại sẵn sàng giới thiệu cơ hội phát triển đến nữ đồng nghiệp, nhằm hỗ trợ nhau thăng tiến trong công việc. “Nếu phụ nữ đứng ở vị trí sáng lập, mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều. Cùng là nữ giới nên chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ hoài bão kinh doanh của nhau”, Daisy Guo chia sẻ.

Những nữ doanh nhân giàu có, quyền lực đang dần trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Quốc gia này hiện đang có 49 trong tổng số 78 nữ tỷ phú tự thân của thế giới, theo Báo Cáo Hurun, đơn vị chuyên thống kê về giới nhà giàu Trung Quốc. Tuy nhiên, hiếm có nữ lãnh đạo doanh nghiệp nào tự nhận mình là người chiến thắng trong cuộc chiến bình đẳng giới. Thay vào đó, họ hợp tác cùng nhau.

Jean Liu – Chủ tịch Didi Chuxing, cựu Giám đốc Điều hành Goldman Sachs, đã từng là người mẹ trẻ ở thời điểm cô bắt đầu với Didi Chuxing. Đến nay, cô đã trở thành hình mẫu trong tinh thần kinh doanh thành công đối với các nhân viên của Didi.

Năm 2017, Didi Chuxing đã xây dựng mạng lưới hỗ trợ cũng như tổ chức khóa học nâng cao năng lực lãnh đạo đầu tiên cho 24 nữ nhân viên.

“Cô ấy hiểu những nữ nhân viên như chúng tôi cần gì để phát triển sự nghiệp cũng như đang phải đối diện với các thử thách nào trong môi trường kinh doanh hiện tại”, Melody Tu, nhân sự đã tham gia khóa học về năng lực lãnh đạo của Didi Chuxing và hiện là chủ tịch mạng lưới hỗ trợ nữ giới của Didi, cho biết. Didi Chuxing cho biết công ty đang có kế hoạch tiếp tục khóa học này trong năm 2018.

Và những thách thức tồn đọng

Tuy rằng phong trào tham gia kinh doanh của phụ nữ Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, song nữ lãnh đạo vẫn chưa phải là một khái niệm phổ biến ở quốc gia này.

“Ở thế hệ ông bà tôi, phụ nữ được hỗ trợ khá nhiều. Đó là nhờ vào một phòng trào kêu gọi mở cửa cho phụ nữ đi học và đi làm. Tuy nhiên, nếu nhìn riêng về mảng khởi nghiệp thì tôi chỉ thấy phụ nữ bắt đầu tham gia vào khoảng 20 năm trở lại đây”, Shirley So – Đồng sáng lập của GLO Kitchen+Fitness, một quán cafe kiêm phòng tập thể hình tại Bắc Kinh chia sẻ.

Ở góc độ quản lý, Shirley So cũng phải điều chỉnh phong cách lãnh đạo của bản thân để phù hợp với công ty có hơn nửa số nhân viên là nam giới. Sự điều chỉnh này bao gồm cả việc lựa chọn trang phục công sở thanh lịch. “Tôi phải học cách giữ cho bản thân được tỉnh táo khi giao tiếp với nhân viên nam, đặc biệt là những khi tôi bước đến gian bếp của quán”, cô nói.

Cùng làm việc với môi trường nhiều đồng nghiệp nam, Daisy Gou dần có xu hướng đưa ra quan điểm cá nhân dựa trên những số liệu thống kê rõ ràng trong các cuộc họp chung. Điều này giúp nam đồng nghiệp dễ đồng thuận với cô hơn.

Ở góc độ quản lý, những phụ nữ thành công cho biết họ vẫn khá chật vật trong quá trình kinh doanh, đặc biệt trong các ngành có nhiều nhân sự nam như tài chính, công nghệ. Trong các môi trường này, phụ nữ vừa phải giữ tác phong chuyên nghiệp nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc, vừa phải tinh tế trong ứng xử với những tín hiệu lãng mạn từ các nam đồng nghiệp, theo Annie Zhou – Sáng lập công ty tư vấn Universal Pacific Advisors.

Annie Zhou cho biết cô đã từng quyết định từ chối một vài mối quan hệ tình cảm tiềm năng vì với cô, không chỉ công việc quan trọng hơn mà cô còn nhận ra đối phương có thể không giữ được sự khách quan giữa việc công và tư.

“Điều mà phụ nữ Trung Quốc đang phải đối mặt hiện tại chính là phần lớn thời gian họ phải xây dựng mối quan hệ kinh doanh tiềm năng với những đối tác có ý định tình cảm với mình, vì vậy họ thường rơi vào những tình huống khó xử”, Annie Zhou nhìn nhận.

Kết

Nhìn chung, các nữ doanh nhân tại Trung Quốc đều nhận thấy môi trường làm việc hiện tại đang được cải thiện theo hướng tích cực, đặc biệt là ở những công ty được lãnh đạo bởi những cá nhân có tư duy hiện đại.

“Một yếu tố quan trọng trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới chính là nhận thức từ cộng đồng. Trong đó, những hình mẫu nữ lãnh đạo thành công trong sự nghiệp đang tạo ra sự khích lệ tích cực đối với các nữ nhân viên khác trong công ty”, MelodyTu nhận định.

(Theo The Financial Time)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close