CEO ViệtNhân vật

Tư duy khác biệt của “Vua hồ tiêu”

Tư duy khác biệt, xem trọng những giá trị chuẩn mực và dám thay đổi là những phẩm chất giúp Phúc Sinh đánh bại các đối thủ cạnh tranh để dẫn đầu trong ngành hàng của mình.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh

Ngành sản xuất nông nghiệp trong nước đang đối diện với nhiều khó khăn khi hội nhập. Các sản phẩm nông sản Việt đang bị đánh giá là kém cạnh tranh so với các nước lân cận cả về thương hiệu lẫn chất lượng sản phẩm. Dù vậy, trong bức tranh màu xám, vẫn luôn tồn tại những tín hiệu sáng từ số ít các doanh nghiệp trong ngành.

Phúc Sinh, một doanh nghiệp trong ngành chế biến nông sản đã đạt được 5.700 tỷ đồng doanh thu chủ yếu từ xuất khẩu trong năm 2015. 8 tháng đầu năm 2016, doanh nghiệp này đã đạt con số 4.800 tỷ đồng, dự kiến đạt 300 triệu USD doanh số trong năm nay. Đây là con số không hề nhỏ của một doanh nghiệp tư nhân được thành lập cách đây tròn 15 năm.

Phóng viên NDH đã có cuộc trò chuyện với Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, người được mệnh danh là “vua hồ tiêu” để nghe ông chia sẻ câu chuyện về phát triển doanh nghiệp.

Có thể những tư duy về quản trị của Ông chủ Phúc Sinh sẽ mang đến bài học giá trị cho các doanh nghiệp và những dự án start up trong ngành nông nghiệp đang sục sôi hiện nay. Riêng theo góc nhìn của người viết, có lẽ triết lý kinh doanh đơn giản nhất mang lại thành công của “vua hồ tiêu” không gì khác ngoài hai chữ “Chuẩn mực”.

Thế giới luôn mở cửa, đừng giới hạn bản thân mình

Sự khác biệt của Phúc Sinh đối với các doanh nghiệp khác cùng ngành như thế nào ?

Một trong những khác biệt đó chính là vấn đề về tư duy.

Trong 14-15 năm chúng tôi làm xuất khẩu. Năm nào cũng có các công ty nước ngoài từ Mỹ, Đức, Thụy Sỹ…đến để kiểm tra, thẩm định nhà máy của chúng tôi. Chính việc chúng tôi đã quá quen thuộc với việc phải cho người khác thấy các quy chuẩn. Cho nên nhận thức của chúng tôi về cung cấp thực phẩm của chúng tôi khác xa với các công ty nội địa.

Quan điểm của chúng tôi là chỉ cung cấp những cái gì tử tế và không kiếm tiền bằng mọi giá. Phải làm mọi thứ sạch sẽ, rõ ràng từ đầu cho đến cuối.

Các sản phẩm của chúng tôi trước khi ra thị trường đều được gửi sang phòng thí nghiệm Châu Âu để kiểm định trước. Việc chúng tôi dùng 1 chuẩn chung cho tất cả các thị trường từ Châu Âu, Mỹ hay cả Đài Loan cũng như nhau cũng thể hiện sự khác biệt.


Phúc Sinh tham dự hội nghị tại Hamburg - Đức

Phúc Sinh tham dự hội nghị tại Hamburg – Đức

Bằng cách nào mà Phúc Sinh vẫn dẫn đầu trước những sự cạnh tranh như thế thưa ông?

Đó là một vấn đề. Trong ngành tiêu, Việt Nam đóng góp tới 50% sản lượng. Trong mỗi bữa ăn ở Mỹ chẳng hạn, tiêu Việt Nam đóng góp 50%. Họ cũng đổ xô sang đây để đầu tư, xây dựng nhà máy, nhưng chúng tôi vẫn là người đứng đầu.

Thực sự, tôi nghĩ đó đơn giản cũng thuộc về tư duy. Tôi không nghĩ chúng ta chỉ cung cấp ở Việt Nam. Chúng ta đang là những con người toàn cầu. Internet đã giúp chúng ta có những điểm nối rất dễ dàng. Cho nên, mình đừng giới hạn mình là người Việt Nam.

10 năm trước tôi đã nghĩ rằng tại sao mình không làm như người Đức, đó là bán hàng giao ngay (Spot) vào Mỹ. Nó có nghĩa là chở hàng đến cảng bán bao nhiêu cũng bán. Vì sao, vì chúng ta có lợi thế tại vùng nguyên liệu nên giá rẻ hơn nhiều.

Thậm chí chúng tôi sang Indonesia và Ấn Độ để mua hàng, và bán lại cho tất cả các đối tác từ các nước trên thế giới. Phúc Sinh cũng đang là 1 trong 3 doanh nghiệp mua tiêu lớn nhất của Indonesia.

Nhưng thời điểm Phúc Sinh bắt đầu làm tiêu, làm sao Phúc Sinh đảm bảo chất lượng để giữ uy tín với khách hàng ?

Trong khoảng 4-5 năm gần đây, khi hạt tiêu có giá trị cao. Nông dân họ sẽ xót xa đối với cây tiêu khi chứng kiến nó bệnh và chết đi. Vì thế, hàm lượng thuốc trừ sâu tăng lên đáng kể. Đó là điều dễ hiểu.

Nhưng hiện tại, đã có sự thay đổi rất nhiều về chất lượng khi chúng tôi tham gia vào chuỗi giá trị. Từ năm 2011, chúng tôi đã làm việc với hàng ngàn hộ nông dân để phát triển chuỗi cung ứng. Chúng tôi làm các chương trình để được chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn. Tổ chức cấp chứng nhận của Hà Lan đi gặp từng hộ nông dân, phỏng vấn, làm rất nhiều thứ trước khi cấp chứng nhận. Do đó, chất lượng sản phẩm không ngừng tăng lên.

Chúng tôi hiện đã đi trước một bước rất xa trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua liên kết với người nông dân. Điều này thực chất chỉ là học hỏi, nước ngoài họ đã làm từ lâu rồi. Thậm chí chúng tôi còn có cả phòng thí nghiệm để nghiên cứu các sản phẩm, đó là điều hầu như chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mới có. Chính vì thế chúng tôi mới bán ra các thị trường Châu Âu và Mỹ nhiều như thế.

Hiện nay, liên kết chuỗi cũng không thiếu. Nhưng làm sao ông duy trì được sự liên kết đó với người nông dân ?

Khi làm việc với nông dân, một trong những vấn đề mà chúng tôi phải làm là phải thuyết phục cho người nông dân thấy được lợi ích lâu bền. Khi nông dân gặp khó khăn thì thì họ cho đội ngũ làm chương trình của chúng tôi. Và khi họ thấy mình mang lại giá trị cho họ thì tính liên kết cũng bắt đầu tăng lên, quy mô liên kết lớn dần lên.

Để làm được điều này phải thực sự kiên nhẫn, chấp nhận trả chi phí. Nhưng bên cạnh đó, cần phải lo được đầu ra. Quan trọng là phải thuyết phục được khách hàng chấp nhận trả tiền cho sự khác biệt đó, công sức đó mà chúng ta bỏ ra.

Phải thuyết phục được cả 2 phía. Chúng tôi được lợi, nông dân cũng được lợi.

Việc làm các chương trình như vậy đã giúp ích cho Phúc Sinh như thế nào ?

Thực ra, ban đầu chúng ta sẽ phải đầu tư để mời được chuyên gia, được chứng nhận của các tổ chức quốc tế uy tín. Khách hàng đến, phải cho họ thấy được những chuyện như vậy, thì tự động họ sẽ tìm đến mua. Có khách hàng họ đòi ký độc quyền nguyên năm nhưng chúng tôi từ chối. Tôi không độc quyền cho ai cả mà chia ra bán cho nhiều thị trường.

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây có giúp gì cho Phúc Sinh?

Đối với chúng tôi, các chính sách mở cửa đang tạo ra cơ hội lớn. Cộng đồng kinh tế Asian là một sự hỗ trợ rất lớn. Tôi vẫn nhớ vào 01/01/2010, khi mà các mặt hàng trong Asian được miễn thuế đã ủng hộ chúng tôi vô cùng. Chúng tôi được nhập hàng miễn thuế từ Indonesia và xuất khẩu đi các nước. Khi miễn thuế nhập khẩu cho phép chúng tôi đủ sức cạnh tranh với người Hà Lan, người Thụy Sỹ và người Đức, Mỹ. Kể các người nước ngoài họ cũng chưa chắc có tư duy “mở” như mình.

Chúng tôi là số ít những doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách thuế trong Asian. Chúng tôi phải chiến đấu với các nước. Tôi mua hàng từ Indonesia về bán cho cả người Singapore, Malaysia…

Thế giới luôn mở cửa, đừng giới hạn bản thân mình.

Nhiều năm nay, chúng tôi dành lợi nhuận ra để tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy chế biến, tham gia vào từng sản phẩm ngách. Nó giúp chúng tôi tăng cường sức cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài khi chúng ta ngày càng hội nhập sâu hơn, rộng hơn.

Thực sự mà nói, đó là một cơ hội lớn cho chúng tôi, cho người Việt Nam trước ngưởng cửa hội nhập. Chúng ta có nhiều tài nguyên lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả và càng ngày, chúng tôi lại tiến sâu hơn vào từng ngách để tạo ra giá trị từ đó.

Biến động giá cả đầu vào là yếu tố doanh nghiệp hay gặp phải, Phúc Sinh giải quyết vấn đề đó như thế nào ?

Chúng tôi thực hiện “hegding” giá cà phê tại BIDV, đó là nghiệp vụ giao dịch phái sinh hàng hóa theo giá thế giới. Nghĩa là chúng ta mua hàng thật để bán trên sàn giao dịch. Đó là công cụ hữu ích giúp chúng tôi phòng ngừa rủi ro biến động giá của cà phê trên thế giới.

Quan trọng là sự minh bạch

Thưa Ông, ông từng chia sẻ rằng Phúc Sinh là doanh nghiệp có chi phí lãi vay thấp nhất trên thị trường hiện nay. Làm sao Phúc sinh có thể đi vay tiền với mức lãi thấp như vậy ?

Vấn đề hiện nay của nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn cũng đang khó khăn trong việc vay ngân hàng. Để vay được vốn có lãi suất thấp, cần nhất sự trung thực và chuẩn mực ngay từ đầu.

Chúng tôi đã 11 năm làm kiểm toán, trong đó chủ yếu là “big Four”. Trong đó, có 5 năm chúng tôi làm với E&Y và 4 năm làm với KPMG. Và từ khi chúng tôi có làm việc với họ, tôi chẳng cần phải đi cầu cận ngân hàng. Khi chúng ta có báo cáo tài chính tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng tuyệt vời thì các nhà đầu tư chăm sóc mình rất kỹ.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy. Nhiều người kêu la rằng chúng ta không vay được tiền, nhưng bản thân chúng ta lại không rõ ràng, minh bạch thì làm sao người ta dám cho mình vay? Làm sao người ta dám đầu tư vào doanh nghiệp mình ?

Nhưng trước đó, khi công ty còn nhỏ và chưa được ngân hàng hỗ trợ thì sao, thưa Ông?

Tôi khởi nghiệp rất đơn giản. Khi chưa có ngân hàng thì dùng khách hàng. Chữ tín rất là quan trọng. Tôi hứa với khách hàng là tôi phải làm được. Chúng tôi phải thuyết phục khách hàng của mình trả trước tiền hàng. Đó là một hình thức tín dụng để chúng tôi dùng để mua hàng. Quan trọng là khi khách hàng họ đã thấy sự tử tế của chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Đầu tiên nhỏ, nhưng chúng tôi cố gắng làm từ từ rồi lớn mạnh hơn.

Đến khi, chúng tôi có được ít tiền, chúng tôi bắt đầu đi nói chuyện với ngân hàng và tạo sự liên kết từ đó. Cho đến bây giờ các ngân hàng luôn sẵn sàng cho chúng tôi vay nhiều tiền, cả các ngân hàng nhỏ vẫn đến gõ cửa cho chúng tôi vay.

Vậy thì vấn đề của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay theo quan sát của ông như thế nào?

Hiện tại, luật không bắt buộc các doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang làm theo kiểu cung cấp báo cáo tài chính cho cơ quan thuế một đằng và báo cáo để đi vay ngân hàng một nẻo.

Có khi doanh nghiệp lời lớn nhưng báo cáo thuế lại ít. Cho đến khi gặp ngân hàng thì lại báo cáo lời nhiều hơn. Đó là sự mâu thuẫn và chính cách làm đó khiến chúng ta khó có thể vay được ngân hàng, hoặc nếu vay được cũng không vay được nhiều dù chúng ta có dự án tốt thế nào đi nữa.

Ngoài ra, bộ phận tài chính phải làm việc thật chuyên nghiệp thì mới thuyết phục được ngân hàng tin tưởng mình. Nếu họ không thấy tin cậy thì khó mà vay được nhiều.

Riêng với Phúc Sinh thì sự minh bạch mang lại giá trị như thế nào, thưa Ông ?

Kể cả những năm khủng hoảng, chúng tôi vẫn dễ dàng hơn rất nhiều doanh nghiệp. Phía đơn vị kiểm toán, ngoài việc tạo được sự minh bạch, họ còn hỗ trợ doanh nghiệp quản trị hệ thống kế toán tốt hơn, tư vấn cho mình về tài chính và các kế hoạch kinh doanh.

Được vay với lãi suất rất thấp, chúng tôi có nhiều sự lựa chọn cho các hoạt động tài trợ vốn của mình. Hãy nhìn vào doanh nghiệp niêm yết có kiểm toán big Four như Vinamilk là thấy rõ sự khác biệt.

Ngoài minh bạch, yếu tố nào đã giúp Phúc Sinh thành công, thưa Ông?

Hàng năm, chúng ta có thể thấy nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới rơi vào khủng hoảng thậm chí phải bán mình. Nếu chúng ta không liên tục thay đổi thì chúng ta sẽ trở nên lỗi thời.

Thị trường hàng hóa mỗi năm là một sự thay đổi. Nếu chúng ta cứ dùng tất cả những kinh nghiệm năm trước chúng ta làm để áp dụng vào năm sau có thể mất hết tiền. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta phải luôn sáng tạo, và phải rất thực tế thì mới tồn tại được.

Ông có thể nêu ví dụ về sự thay đổi mà Phúc Sinh từng làm?

Theo tôi, tư duy về quản trị là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn càng tăng quy mô thì lại bị “gẫy”. Điều đó nói lên một điều rằng, để phát triển lớn mạnh, cần phải chuẩn bị kỹ. Trong đó, những người quản trị phải là đại chúng. Dù là công ty gia đình nhưng chúng tôi quản lý theo kiểu đại chúng. Nhân sự của Phúc Sinh đều là thuê ngoài chứ không phải người nhà.

Ngoài ra, chúng tôi đã ứng dụng phần mềm quản trị từ rất lâu và xem đó là các công cụ hỗ trợ đắc lực. Khi Công ty ngày càng phát triển, tôi nhận thấy vấn đề quản trị không còn đơn giản nên đã quyết định chi ra 80.000USD cho hai năm đầu triển khai ERP.

Nếu chúng ta không thay đổi làm sao có thể cạnh tranh với làn sóng cạnh tranh ngày càng cao của doanh nghiệp nước ngoài ? Đối với ngành chế biến nông nghiệp mà chúng tôi đang làm, hiện nay các công ty từ Mỹ, Châu Âu, Thụy Sỹ, Đức, Hàn Quốc…họ đến đây xây hàng loạt nhà máy.

Nếu chúng ta không có sự đầu tư cho hệ thống, con người, kiến thức, công nghệ thì làm sao cạnh tranh được với họ ? Khi đó, chúng ta chỉ còn đường làm công cho họ để hưởng 1 phần nhỏ lợi nhuận.

Vì sao Phúc Sinh “dấn thân” vào chế biến cà phê rang xay ?

Thực tế không phải vậy. Đây là sản phẩm chúng tôi đã nghiên cứu nhiều năm nay. Tôi ra nước ngoài và thấy rằng nước ngoài họ toàn uống nguyên chất. Trong khi mình là người đi xuất khẩu mà thấy rằng cà phê của mình uống toàn hóa chất và độn các hạt bắp, đậu nành…

Cà phê Phúc Minh là cái chúng tôi làm thử nghiệm, và đã tích lũy được kinh nghiệm nếm thử. Cách đây 8 năm trước, chúng tôi đã mua máy của Ý để làm, nhưng chỉ phục vụ cho văn phòng, quà tặng các đối tác, ngân hàng…

Định hướng phát triển của Phúc Sinh như thế nào thưa Ông ?

Những năm tới, chúng tôi muốn bán cà phê khắp Việt Nam, cung cấp những sản phẩm chất lượng, tử tế đến người tiêu dùng trong nước. Thứ 2, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm các nhà máy chế biến. Thứ 3 là đầu tư sâu vào các ngành hàng của chúng tôi. Thực sự đó là một thị trường mênh mông. Tôi muốn được chế biến rất nhiều những nước sốt, rất nhiều thứ…

Ông có chia sẻ gì với những start up nông nghiệp hiện nay?

Thực sự thì những start up hiện nay vẫn không phải là khó. Nhưng để làm được cần phải sáng tạo hơn. Bạn phải có sự kiên nhẫn hơn, nhiều ý chí hơn. Đừng bao giờ làm gì chộp giật.

Một điều quan trọng nữa là nếu bạn muốn làm công nghiệp thực phẩm, bạn cần phải có một tấm lòng.

Xin cám ơn Ông về cuộc trò chuyện !

Theo Huy Nguyên

NDH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close