Kinh tế vĩ môThời sự

Vì sao nợ công Việt Nam ngày càng phình to?

Năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001.

Giải trình, liên quan đến vấn đề nợ công và, đầu tư công trước Quốc hội ngày 1/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại thời điểm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP.

Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong thực hiện hàng năm, Việt Nam phải áp dụng phương án vay đảo nợ: Năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng, chỉ một năm sau đó con số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng, năm 2015 đã là 125.000 tỷ đồng, năm 2016 là 95.000 tỷ đồng.

Thừa nhận nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Nguyên nhân tình trạng trên là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 là 7%-7,5%, nhưng ngay sau đó, do những nguyên nhân khách quan, đặc biệt là do sự suy thoái của kinh tế thế giới nên tại họp thứ hai Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10/2011 đã quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này là 6,5%-7%.

Mặt khác, trong thực hiện giá trị GDP không đạt như dự toán, làm tỷ lệ nợ công tăng lên, như năm 2015 nợ công tăng thêm 0,9% so với GDP dự toán.

Nguyên nhân khác theo Bộ trưởng Dũng cho biết, đó là do hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế (đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp) không đạt yêu cầu.

Trong khi đó, trong 5 năm qua, Chính phủ lại thực hiện rất nhiều chính sách giảm thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giá dầu thô giảm; cam kết hội nhập quốc tế khiến thu xuất nhập khẩu cũng giảm theo…

Phần chi ngân sách, ông Dũng cho biết chi thường xuyên đã lên tới 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước và chi cho con người tác động đến 7/10 của tăng chi thường xuyên…

Giải pháp hạn chế tốc độ tăng của nợ công được đại diện Chính phủ đưa ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, ngân sách, trình Quốc hội sửa đổi Luật quản lý nợ công… Cơ quan quản lý cũng thực hiện tái cơ cấu nợ công bằng cách đẩy mạnh cơ cấu lại tỷ lệ nợ (nợ trong nước hiện là 57% và nợ nước ngoài 43%); cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công.

Bộ trưởng Dũng cho hay hiện kỳ hạn nợ công tăng gần gấp đôi, còn lãi suất đã giảm gần một nửa, một phần do tình hình tài chính trong nước khó khăn. “Nhưng đạt được như vậy cũng là rất tốt”, ông Dũng cho biết.

Trước đó, tại báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng lưu ý Chính phủ một số vấn đề, trong đó có lưu ý việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay ODA.

Theo đó, Chính phủ cần tính toán, cân nhắc thận trọng, tránh tình trạng cam kết, ký kết cao song trên thực tế không giải ngân được hoặc giải ngân chậm, làm gia tăng nợ công, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn vay.

Đồng thời, một số khoản vay ODA hiện đang bị ràng buộc bởi những điều kiện theo yêu cầu của nhà tài trợ, có thể làm gia tăng chi phí vay. Do đó, Chính phủ cần lưu ý, tính toán, cân nhắc thận trọng lĩnh vực, dự án vay, chi phí lãi vay và các điều kiện liên quan khi đề xuất đàm phán, ký kết các khoản vay này.

Đồng thời cân nhắc, bổ sung một số chỉ tiêu giới hạn nợ, giám sát nợ để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong điều kiện vay, trả nợ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Tỷ lệ nợ quá hạn của các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh trên tổng dư nợ Chính phủ bảo lãnh; tỷ lệ trả nợ lãi vay trên tổng thu NSNN…

N.MẠNH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close