Kinh tế vĩ môThời sự

Việt Nam cần lập Ủy ban về Tái cơ cấu nền kinh tế?

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ phải sớm thành lập Ủy ban về Tái cơ cấu nền kinh tế hoặc Ủy ban nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2016 tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt mức 6,21%, không đạt kế hoạch đề ra. Kết quả này đã phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế trong bối cảnh chung của quốc tế.

Năm 2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua mục tiêu tăng trưởng là 6,7%. Để đạt được kết quả này theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần có những cơ chế, chính sách vận hành linh hoạt, tạo đột phá cho cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy nền kinh tế nói chung.

Việt Nam cần lập Ủy ban về Tái cơ cấu nền kinh tế? - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới năm 2017 sẽ có mức tăng trưởng đạt 3,4% cao hơn so với năm 2016. Số liệu này khá trùng khớp với những kế hoạch, chiến lược của đất nước khi thực hiện các biện pháp để đạt mức tăng trưởng 6,7%.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay tất cả cơ chế chính sách, biện pháp, giải pháp chúng ta đã có, vấn đề hiện tại là thực thi như thế nào cho đạt hiệu quả cao. Đặc biệt những vấn đề quan trọng trong đề án tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cần làm rõ mô hình tăng trưởng mới, kèm theo nó là những giải pháp, trách nhiệm bộ ngành liên quan.

“Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2016 vừa qua có vẻ như chậm lại, như liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước so với yêu cầu là chưa đạt mục tiêu. Thâm hụt ngân sách về nợ công, nợ xấu vẫn còn ở mức cao và chưa xử lý được triệt để. Chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn và đây là những việc mà quốc hội và chính phủ đã quyết tâm đưa vào để kiểm soát trong thời gian tới. Chính phủ phải sớm thành lập Ủy ban về Tái cơ cấu nền kinh tế hoặc ủy ban nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đây là ủy ban là đầu mối cho câu chuyện về tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”, Chuyên gia Cấn Văn Lực đề nghị.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2017 sẽ đánh dấu những đột phá về số lượng doanh nghiệp được thành lập mới với sự tham gia đông đảo của lực lượng trẻ tuổi trong phong trào khởi nghiệp. Đây cũng là cơ hội khẳng định mình đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, để chất và lượng song hành thì doanh nghiệp phải thích ứng với trào lưu toàn cầu hóa, phải nâng cấp mình lên đạt chuẩn quốc tế. Trong đó vấn đề về quản trị và công nghệ là điều mấu chốt. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải chú trọng nhiều hơn chất lượng nguồn nhân lực đến việc cải thiện quản trị của mình cũng như nâng cấp về công nghệ.

“Việc doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được chuẩn mực quốc tế hay không và có thích ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 hay không và nó sẽ quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện được định hướng này, nỗ lực của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, bình đẳng cải thiện được chất lượng tín dụng cung cấp cho doanh nghiệp đặc biệt là giảm được lãi suất cho vay giảm được chi phí không chính thức giúp cho doanh nghiệp hội nhập, thành công và phát triển bền vững”, ông Vũ Tiến Lộc mong muốn.

Dự đoán, trong năm 2017 các nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ, Nga đều có xu hướng phục hồi và sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2016. Do đó, Mỹ vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn của nước ta.

Việt Nam cần lập Ủy ban về Tái cơ cấu nền kinh tế? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vấn đề công khai minh bạch đối với quản trị doanh nghiệp thì tổ chức quốc tế đã nâng chúng ta lên 36 bậc, chúng ta có sự đột biến nhưng vẫn chưa nằm trong top 30 quốc gia có hệ thống quản trị tốt nhất. Tuy nhiên, nhìn vào xu thế chung thì đất nước đang có sự phát triển vượt bậc từ năm 2015 đến nay.

Về mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra trong năm nay là 6,7%, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Chúng ta còn có những tiềm năng, nếu xử lý tốt vẫn có khả năng để nâng cao tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nếu muốn giải quyết được những khó khăn, nâng cao đời sống của người dân ở các vùng sâu,vùng xa thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta phải vượt trên 6%. Càng vượt cao thì khả năng khắc phục tồn tại của nền kinh tế và cải thiện đời sống của người lao động càng tốt hơn”, ông Nguyễn Đức Kiên nêu rõ.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi cá nhân, tổ chức trong cộng đồng doanh nghiệp thì các cơ quan ban ngành cũng cần thực hiện các chính sách linh hoạt, kịp thời tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nói chung được bền vững. Từ đó, làm cho năm 2017 đạt được mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra.

VOV

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close