Nhân sựQuản trị

Việt Nam tăng lương, thăng chức nhanh nhất khu vực

Thị trường lao động Việt Nam có tốc độ tăng lương nhanh nhất khu vực, thời gian trung bình thăng chức cho một lao động cũng rút ngắn rất nhanh.

Đây là những thách thức cho doanh nghiệp (DN) trong tuyển dụng, đòi hỏi chiến lược linh hoạt và khác biệt để giữ chân nhân tài.

Lương tăng nhanh, thăng chức cũng nhanh

Khảo sát thị trường nhân lực do JobStreet.com thực hiện tại 7 thị trường khu vực cho thấy tình hình tuyển dụng lao động tại Việt Nam đang tăng trưởng tích cực. Trong khi xu hướng thay thế nhân sự đang diễn ra mạnh mẽ tại Malaysia và thị trường tuyển dụng Singapore đang bị đóng băng thì Việt Nam và Thái Lan lại tăng trưởng mạnh.

Yếu tố quan trọng thúc đẩy tuyển dụng tại Việt Nam và Thái Lan tăng trưởng là do được dự đoán có sự bùng nổ về tăng trưởng quy mô DN. Việt Nam có tỷ lệ tuyển dụng tăng cao nhất với 68% cho biết ưu tiên tuyển dụng để mở rộng quy mô và Thái Lan là 43%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã hậu thuẫn cho thị trường lao động. Trong 10 tháng đầu năm 2017, vốn FDI vào Việt Nam tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước, dự báo tạo ra nhiều việc làm mới cho năm 2018.

Ba ngành công nghiệp đứng hàng đầu về nhu cầu tuyển dụng cũng là ba ngành có nguồn vốn FDI đổ vào cao nhất, đó là: sản xuất (11%), bán buôn (10%) và xây dựng – kỹ thuật (9%). Khảo sát cũng cho thấy, 7 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao tiếp theo là nhà hàng ăn uống, xuất bản – truyền thông, tài chính – ngân hàng, kế toán, kiểm toán, bán lẻ và khách sạn.

Cũng theo kết quả khảo sát, mức tăng lương trung bình của cả khu vực là 16 – 24%. Tuy nhiên, nhu cầu lao động tăng đã tạo áp lực cho DN khi Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng lương bình quân năm nhanh nhất khu vực với tỷ lệ từ 20 – 24% (ngang bằng Indonesia và Philippines), trong khi Singapore, Malaysia và Thái Lan chỉ tăng trung bình 14 – 17%. Đội ngũ quản lý cấp trung có tỷ lệ tăng lương cao nhất, trong đó chức danh quản lý cấp cao tăng đến 35% và trưởng phòng tăng đến 25%, vị trí giám sát tăng 24% và kỹ thuật viên – chuyên viên tăng hơn 20%.

Cùng với lương tăng nhanh, thời gian thăng chức của đội ngũ quản lý cũng đang rút ngắn khá nhanh. Khảo sát tỷ lệ thăng tiến của Jobstreet với 50.686 người tham gia trong toàn khu vực cho thấy thời gian thăng tiến trung bình của mỗi lao động khu vực là 2,75 năm, trong khi đó tại Việt Nam, thời gian thăng chức của mỗi lao động trung bình chỉ 2,3 năm. Dự báo cùng với nhu cầu tuyển dụng tiếp tục khả quan, tốc độ tăng lương sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, thậm chí chu kỳ thăng tiến cũng có thể tiếp tục rút ngắn lại.

Tiềm ẩn rủi ro

Mặc dù lương tăng nhanh, thời gian thăng tiến ngắn, nhưng 50% DN tham gia khảo sát cũng lo lắng về khả năng tìm được những ứng viên có kỹ năng và tay nghề cao cho các vị trí quản lý, giám sát hay trưởng phòng.

Việt Nam là thị trường có nhu cầu cao nhất về những ứng viên cấp bậc quản lý và nhiều lĩnh vực đang thiếu hụt trầm trọng ứng viên có kỹ năng như ngành xây dựng, máy tính – công nghệ thông tin và sản xuất. Dự báo trong tương lai, ngành tài chính – ngân hàng sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực có những kỹ năng mới mẻ để phát triển.

Theo bà C. Angie Phang – Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam, việc lao động thăng chức nhanh là thách thức cho cả DN lẫn người lao động.

Diễn biến tối ưu cho thị trường nhân lực là người lao động cũng cần kiên trì với công việc trước khi yêu cầu thăng chức hay tăng phúc lợi; đồng thời nhà tuyển dụng cũng cần lộ trình rõ ràng, minh bạch cho tất cả các vị trí trong công ty, đặc biệt là những nhà quản lý có vai trò chiến lược ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Việc tăng nóng sẽ gây áp lực cho thị trường lao động tăng trưởng bền vững, đặc biệt Việt Nam được xem là “thị trường thiên về ứng viên”.

Kết quả là nhà tuyển dụng tại Việt Nam chỉ có bình quân 28 tháng để thăng chức cho một nhân viên, thời gian quá ít so với chuẩn chung trong khu vực để giữ chân và đảm bảo sự đầu tư về nhân sự. Chưa kể kết quả của nhu cầu phát sinh trong thời gian ngắn khiến nhà tuyển dụng khó thể có được ứng viên giỏi.

Những rào cản tiềm ẩn là: khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có tay nghề hoặc cấp cao với gần 48% nhân sự đồng ý, 48,3% tán thành với nhu cầu tuyển dụng đột biến. Đồng thời thị trường thiên về ứng viên sẽ dẫn đến hệ quả chiến lược giữ người yếu kém; lao động ít gắn bó với vị trí của mình bởi họ luôn quan sát thị trường đem lại những cơ hội mới.

Các DN cho rằng, những trở ngại lớn cho việc tuyển dụng là tìm kiếm ứng viên có kỹ năng, tay nghề, phù hợp với văn hóa DN, và sự thiếu hụt thương hiệu tuyển dụng trong môi trường tuyển dụng cạnh tranh hiện nay.

Bà C. Angie Phang phân tích, bên cạnh chiến lược giữ chân nhân tài, DN cần có kế hoạch tuyển dụng dài hạn để không chỉ tuyển đủ nhân viên mà còn hạn chế được tình trạng thiếu hụt nhân viên đột xuất.

“Cần xây dựng chiến lược tuyển dụng cạnh tranh bao gồm ba yếu tố chính: giữ chân nhân tài bằng cách khác biệt để đảm bảo sự ổn định trong kinh doanh, xây dựng ngân hàng ứng viên để chuẩn bị cho tương lai và áp dụng công nghệ sáng tạo để tối ưu hóa năng suất tuyển dụng”, bà C. Angie Phang nói.

TUYẾN NGÂN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close