Doanh nghiệpKinh doanh
Vietjet lần đầu tiết lộ mức lương “khủng” 10 chữ số của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang nhận mức lương 2,66 tỷ đồng/năm, cao gấp đôi so với Chủ tịch Hội đồng quản trị và gấp rưỡi các Phó Tổng giám đốc.
Theo thông tin mới được hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air tiết lộ, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang nhận lương 2,66 tỷ đồng/năm tại Vietjet.
Mức thu nhập này của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là cao nhất trong số dàn lãnh đạo của hãng hàng không. Các Phó Tổng giám đốc của Vietjet hiện nhận lương gần 1,7 tỷ đồng/năm trong khi bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận thù lao 1,27 tỷ đồng/năm.
Thù lao Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát Vietjet Air
Năm 2017, sự kiện cổ phiếu của hãng hàng không Vietjet Air chính thức lên sàn chứng khoán đã đưa CEO Nguyễn Thị Phương Thảo lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán và là người phụ nữ giàu nhất.
Theo thống kê của tạp chí Forbes mới đây, bà Thảo cũng là tỷ phú đô la thứ 2 của Việt Nam với tổng tài sản lên đến 1,7 tỷ USD, đồng thời là nữ tỷ phú duy nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong chia sẻ mới đây, bà Thảo cho biết, trong suốt 30 năm làm doanh nhân, bà chưa bao giơ đếm xem mình có bao nhiêu tiền.
“Gần đây tôi bắt đầu phải làm quen với danh xưng tỷ phú. Thú thực tôi chưa quen. 30 năm làm doanh nhân, tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền, trở thành triệu phú hay tỷ phú từ lúc nào”, bà Thảo nói.
Bà Thảo cũng cho biết, bà lớn lên không thiếu thốn vật chất, và đối với CEO Vietjet, kiếm tiền chưa bao giờ là mục đích. Điều mà bà quan tâm là làm sao cho doanh nghiệp có chỗ đứng, sản phẩm làm ra chất lượng tốt cho người sử dụng, nhân viên được đãi ngộ tốt hơn. Bà cho rằng mọi việc đã được đẩy đi như vậy, để mọi người cùng làm việc, cùng cống hiến.
Dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hãng hàng không Vietjet Air chỉ sau 5 năm đã vươn lên nắm thị phần ngang ngửa Vietnam Airlines.
Năm 2017, Vietjet Air sẽ tập trung vào công tác mở rộng mạng bay quốc tế, ưu tiên thị trường Đông Bắc Á, từ các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Cát Bi.
Mạng lưới đường bay hiện tại của Vietjet
Theo Trí Thức Trẻ