Góc nhìnQuản trị

Vũ khí quan trọng của các doanh nhân

Một trong những tiêu chí được dùng để bình xét doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016 là thu nhập bình quân đầu người tại doanh nghiệp mà họ lãnh đạo. 

Còn trong câu chuyện với các doanh nhân, không hẹn mà gặp, nội dung được đề cập nhiều cũng chính là chiến lược dùng người và thu hút người tài.

Trích từ danh sách đề cử 100 doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2016, vị trí quán quân về thu nhập bình quân đầu người thuộc về Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương do bà Lê Hồng Thủy Tiên làm Tổng giám đốc với 25 triệu đồng/tháng. Tiếp theo là Tổng công ty Xây dựng số 1 (Fico1) do ông Lê Hữu Việt Đức làm Tổng giám đốc, với bình quân thu nhập đầu người đạt 22 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Daiichi Việt Nam do ông Trần Đình Quân làm Tổng giám đốc có thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/tháng. Tiếp nữa là các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM… với mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 16 triệu đồng/tháng.

Không dễ so sánh chính sách dùng người của các doanh nhân này trên tiêu chí bình quân thu nhập của người lao động, vì mỗi doanh nghiệp có quy mô người lao động khác nhau, có nơi chỉ hơn 100 người như doanh nghiệp do bà Thủy Tiên lãnh đạo hay tới 15.000 người như tại Fico1 do ông Đức chỉ huy, rồi mỗi doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Cũng rất khó để một doanh nghiệp dệt may hay thủy sản, có quy mô hàng chục nghìn công nhân có thu nhập cao…

Tuy nhiên, nhìn sâu vào những dữ liệu mà VCCI thu thập được về 100 doanh nghiệp có thể coi khá tiêu biểu của cả nước thì thấy, ngoại trừ một số ngân hàng, tổ chức tài chính, mức thu nhập bình quân đầu người của các doanh nghiệp nhìn chung không cao, tỷ lệ lớn rơi vào 4 – 5 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy, các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp. Đây chính là một thách thức lớn của các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Ông Vũ Minh Trí , Tổng giám đốc Microsolf Việt Nam nói rằng, nhiệm vụ của CEO là phải dẫn dắt công ty thành công, nên dòng đầu tiên trong báo cáo mà họ quan tâm là doanh số, chứ không phải nhân sự. Nhưng đối với một công ty dù lớn hay nhỏ, đều phải quan tâm đến 3 khía cạnh, tiền kiếm từ đâu, từ đâu để tạo ra hiện tại, tương lai, con người đóng vai trò gì? Trong khi đó, hiện chúng ta đang ở trong thời đại, cái mới đang trở nên bình thường và thay đổi xuất hiện nhiều hơn là ổn định. Kế hoạch kinh doanh thay đổi liên tục, có thời điểm tung sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối, có thời điểm lại hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp… nếu không chú trọng đúng mức đến nhân sự, có kế hoạch thay đổi nhân sự cho phù hợp, doanh nghiệp, doanh nhân rất dễ dàng thua trận.

Một thực tế thường xảy ra, bất cứ khi nào doanh nghiệp mất người tài, ảnh hưởng đến doanh số, lúc ấy CEO mới chú ý đến vấn đề nhân sự nhưng khi ấy đã muộn. Do đó, ở thời đại mới, doanh nghiệp cần phải làm chủ được kế hoạch nhân sự, kế hoạch nhân sự phải đi cùng kế hoạch kinh doanh. Sự mất cân bằng giữa cung và cầu ở các vị trí nhân lực cấp cao trong bối cảnh săn lùng chất xám hiện nay ở thị trường Việt Nam đang diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.

Làm sao thu hút người tài, người phù hợp vào làm việc, làm sao phát triển được họ, làm sao giữ được họ, bao nhiêu người mấu chốt phải giữ? Làm thế nào để họ phát triển cùng với công ty?…

Sẽ là những câu hỏi mà các doanh nhân phải tìm ra lời giải để có thêm năng lượng cho những chặng đường đầy thách thức phía trước.

Người quan sát/ĐTCK

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close