Công nghệThời đại số
Xiaomi chính thức đặt chân vào Việt Nam: Ác mộng của Samsung, Apple, OPPO đã tới?
Trao đổi với chúng tôi, một đại lý bán lẻ cho biết, trong lần ra quân đầu tiên vào Việt Nam, Xiaomi sẽ tập trung chủ yếu vào ngành hàng điện thoại thông minh cạnh tranh với Samsung, Apple, vì đây vốn là thế mạnh ban đầu của thương hiệu này.
Chương trình “MI IS HERE” diễn ra chiều 15/3 sẽ chính thức đánh dấu sự góp mặt của thương hiệu Xiaomi tại thị trường di động Việt Nam.
Trong đó, Digiworld là nhà phân phối chính thức và duy nhất cho thương hiệu Xiaomi tại nước ta. 3 chiếc smartphone đầu tiên được Xiaomi tung ra là: Redmi 4A giá 2,99 triệu đồng, Redmi Note 4 giá 4,69 triệu đồng và mẫu điện thoại cao cấp Mi Mix giá 16,9 triệu đồng.
Điểm cộng của điện thoại Xiaomi chính hãng do Digiworld phân phối là sẽ chạy ROM quốc tế, có sẵn Tiếng Việt và tương thích với hạ tầng mạng Việt Nam, khi so sánh với các sản phẩm xách tay, không chính ngạch bán ra tại nước ta trước đây.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi sau mua cho khách hàng, Digiworld còn mở 4 trung tâm bảo hành Xiaomi, với 2 trung tâm đặt tại TP. HCM, một ở Hà Nội và một ở Đà Nẵng.
Bên cạnh điện thoại, Digiworld còn phân phối cả pin dự phòng Xiaomi chính hãng, bao gồm 2 sản phẩm là: Mi Powerbank 20.000 mAh và Mi Powerbank Pro 10.000mAh.
Các sản phẩm như vòng đeo tay thông minh Mi Band, xe đạp điện sẽ cập bến thị trường Việt Nam sau đó, tùy vào nhu cầu của người dùng.
Trao đổi với chúng tôi, một đại lý bán lẻ cho biết, trong lần ra quân này, Xiaomi sẽ tập trung chủ yếu vào ngành hàng điện thoại thông minh, vì đây vốn là thế mạnh của thương hiệu này.
Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc smartphone giá rẻ như một số chuyên gia nhận định, Xiaomi sẽ tiến đánh mọi phân khúc, từ tầm thấp (2 – 5 triệu đồng) cho tới chiếc Mi Mix có giá 16,9 triệu đồng. Cũng có thể xem, Xiaomi chính là đối thủ nặng kí nhất của Samsung và Apple tại thị trường nước ta.
Theo dõi sự kiện Xiaomi ra mắt thị trường Việt Nam tại đây.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2010, Xiaomi đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Doanh số smartphone của hãng này tăng trưởng đều đặn qua từng năm.
Ví dụ, năm 2012 hãng bán ra thị trường được 7,19 triệu chiếc điện thoại thông minh, thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên thành 18,7 triệu chiếc, năm 2014 là 61,1 triệu chiếc.
Năm 2015, Xiaomi cán mốc 70 triệu chiếc smartphone bán ra trong năm. Thế nhưng, tới năm 2016, tốc độ tăng trưởng của công ty đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Đây là hệ quả của việc mở rộng kinh doanh quá nhanh, kết hợp với một số sai lầm trong chiến lược.
CEO Lei Jun từng thừa nhận: “Trong những năm đầu tiên, chúng tôi phát triển quá nhanh. Chúng tôi đã tạo ra phép lạ, nhưng cũng gặp phải những vấn đề trong tăng trưởng dài hạn. Đã đến lúc chúng tôi phải chậm lại, cải thiện một số lĩnh vực và đảm bảo tăng trưởng bền vững cho tương lai lâu dài”.
CEO Xiaomi cho rằng, mục tiêu dài hạn của công ty là sẽ tập trung vào việc mở rộng các cửa hàng bán lẻ. Trong quá khứ, Xiaomi chủ yếu thực hiện việc kinh doanh thông qua các kênh trực tuyến.
Ông nói: “Chiến lược TMĐT của chúng tôi đang gặp phải một số thách thức, khi TMĐT chỉ chiếm 10% tổng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc, và doanh số bán smartphone trực tuyến chỉ chiếm 20% thị trường điện thoại thông minh nói chung.
Xiaomi có tham vọng lớn hơn thế và chúng tôi không hài lòng với việc bán smartphone trực tuyến. Vì vậy, chiến lược mới của chúng tôi là kết hợp TMĐT với các cửa hàng bán lẻ”.
Hiện tại, Xiaomi đang lấn sân sang lĩnh vực AI, các thiết bị VR, cũng như hệ thống thanh toán di động của riêng hãng, bên cạnh các phụ kiện, phần cứng mới được phát hành đều đặn.
Theo Trí Thức Trẻ