5 lời khuyên ứng phó tỉnh táo trước những bình luận công kích trên mạng xã hội.
Mạng xã hội là nơi mỗi người tự do bày tỏ quan điểm cá nhân nên không tránh khỏi dẫn đến những cuộc tranh cãi, thậm chí còn làm dấy lên làn sóng phẫn nộ hoặc chiến dịch tẩy chay. Thế nên người dùng mạng xã hội phải bản lĩnh và tỉnh táo để có cách ứng xử phù hợp nếu chẳng may trở thành nạn nhân của những “anh hùng bàn phím” luôn sẵn sàng công kích người khác trên mạng xã hội.
Vậy, chúng ta cần làm gì khi bị chỉ trích, phê bình trên mạng xã hội?
Hãy cùng suy ngẫm câu chuyện thực tế của GS. David Hagenbuch thuộc Đại học Messiah, tác giả cuốn Honorable Influence nổi tiếng và là nhà sáng lập Mindful Marketing với sứ mệnh hướng tới những quan niệm đạo đức trong ngành marketing. Ông đã gặp tình huống khó đỡ là bị công kích về một bài viết chuyên ngành đăng tải trên blog cá nhân.
Một người đọc tên Bob tỏ ra nghi ngờ năng lực và chuyên môn của GS. David khi nhìn thấy dòng bình luận “Hagenbuch lại sai nữa rồi” và ông xem đó là một cú tấn công trực tiếp vào nhân hiệu của ông. Người đọc nghĩ gì nếu không thấy ông phản hồi ngay tức khắc? Liệu họ có cho rằng ông đang cố trốn tránh hay không thể bảo vệ quan điểm của mình bằng cách đưa ra một phản hồi thuyết phục? Chính những suy nghĩ đó đã hối thúc ông nhanh chóng phản hồi.
Nhưng cuối cùng ông quyết định một ngày sau ông mới đăng câu trả lời:
“Cám ơn phản hồi của anh, Bob. Tôi đánh giá cao quan điểm về hàng hóa thiết yếu và hàng hóa xa xỉ của anh. Anh thấy đó, chúng ta không thể gọi là chênh lệch giá nếu giá nước uống tăng 4 lần những khi thiếu nước do bão lụt. Và dù cho người bán biết khách hàng thiếu nước, cũng không được xem đó là sự chênh lệch giá. Chúng ta không nên xem những hàng hóa không có sự chênh lệch giá đều là bán đúng giá cũng như không phải ai không phạm luật cũng là có đạo đức. Mặc dù khó xác định, nhưng tôi tin mỗi sản phẩm đều có mức giá hợp lý. Tôi rất trân trọng phản hồi của anh và trong thời gian chờ đợi, tôi sẽ tiếp tục suy ngẫm quan điểm của anh”.
Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát, hạn chế tối đa việc gây chiến trên mạng xã hội bằng những bình luận chỉ trích để bảo vệ hình tượng cá nhân. Việc này tùy thuộc vào khả năng kiềm chế cảm xúc và cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người. GS. David đưa ra 5 lời khuyên hữu ích sau:
1. Không lao vào cuộc chiến: Thông thường, những kẻ chỉ trích người khác không có gì để mất, còn chúng ta sẽ bị mất rất nhiều nếu xử lý không khéo léo. Họ sẽ giành phần thắng nếu ta nổi cáu và vô tình trở thành nạn nhân của cuộc bút chiến. Mục đích của họ không phải để bàn luận mà là khiến ta trở nên bế tắc bởi những lập luận hóc búa nhuốm màu tiêu cực. Hãy đứng ở vị trí cao hơn họ! Chỉ có vậy chúng ta mới không tự làm xấu hình tượng của mình.
2. Đừng nóng vội: Những phản hồi được soạn và gửi gấp gáp thường ngắn gọn, diễn đạt không đủ ý và dĩ nhiên chẳng đem lại hiệu quả, thậm chí còn khiến kẻ công kích mình đắc ý. Hơn nữa, do tâm lý muốn đáp trả tức khắc để hả giận nên chúng ta thường quên mất mình đang tìm cách giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Người xưa có câu “dục tốc bất đạt”, nóng vội sẽ dễ thất bại, hãy thong thả, xoa dịu cơn bực tức và suy ngẫm.
3. Đừng hoài nghi: Mỗi người đều có những ý tưởng và suy nghĩ khác nhau về cùng một vấn đề. Thế nên tất cả cần được chia sẻ và xứng đáng được tôn trọng. Đừng xem nhẹ quan điểm của người khác cũng như đừng để bị lung lay trước suy nghĩ trái chiều của họ. Tuy nhiên, cũng đừng khăng khăng là mình đúng dù biết rõ cái sai của mình. Hãy tin vào nhân hiệu của mình trên nền tảng thiện ý, tiếp thu, học hỏi và sẵn sàng sửa sai!
4. Giải tỏa sự tức giận của người tấn công: Những kẻ gây chiến thường mong đợi cơn bực tức từ chúng ta. Nhưng rất ít người cứ tiếp tục chỉ trích nếu chúng ta cảm ơn hay thậm chí khen ngợi họ. Trong lời đáp, GS. David đã viết: “Cám ơn phản hồi của anh” và “Tôi rất trân trọng phản hồi của anh”. Phản hồi của Giáo sư dường như đã đi ngược lại kịch bản của Bob, nếu tiếp tục, anh ta sẽ tự ném đá mình. Hãy cảm ơn và khen ngợi, rồi đưa ra chính kiến thấu đáo với thái độ ôn hòa!
5. Không quay lại tranh cãi trước đó: Đừng tranh cãi xoay quanh một vấn đề để tự tạo một vòng luẩn quẩn. Như vậy chúng ta đã bị lạc vào cuộc chiến không hồi kết đúng như mong đợi của kẻ tấn công. Câu nói: “Tôi sẽ tiếp tục suy ngẫm quan điểm của anh” của GS. David đã làm cho Bob cảm thấy mình “quan trọng” khi quan điểm của anh đáng được một chuyên gia đầu ngành xem xét.
Đấy như là một cái kết mở, khó ai có thể bắt bẻ Giáo sư chỉ giành phần đúng về mình. Do vậy, khi tự tin quan điểm của mình đúng, hãy giữ vững lập trường, đưa ra câu trả lời thấu tình đạt lý và chủ động kết thúc cuộc chiến một cách tốt đẹp!
Vài dòng trả lời khéo léo, khiêm tốn của GS. David đã giúp việc xử lý vấn đề đạt hiệu quả cao. Ông khuyên hãy luôn nhắc nhở bản thân phải kiên nhẫn, suy xét cẩn thận, biết nghiêng mình lắng nghe và cư xử ôn hòa. Làm như vậy không chỉ giúp giữ được hình tượng cá nhân đẹp khi bị công kích trên mạng xã hội, mà còn là chìa khóa vạn năng cho mọi khó khăn trong cuộc sống.
NGUYỄN PHÚC HUY