Không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn có được lượng khách hàng trung thành nhất định, lấy được sự tín nhiệm từ phía khách hàng.
Khi doanh nghiệp đạt được một điểm số cao về lòng trung thành của khách hàng và số khách hàng này ít biến động thì điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đang được khách hàng tín nhiệm cao. Khách hàng thích giao dịch, mua bán với doanh nghiệp, muốn duy trì quan hệ lâu dài với doanh nghiệp và sẵn sàng kể cho người thân, bạn bè về những trải nghiệm tốt đẹp của họ trong quá trình này. Đây là một điều tốt.
Tuy nhiên sẽ tốt hơn nữa nếu doanh nghiệp biết cách khai thác hết “lợi ích kinh tế từ sự tín nhiệm của khách hàng”. Dưới đây là 3 lời khuyên giúp doanh nghiệp tối đa lợi ích từ lòng trung thành của khách hàng.
1. Tìm hiểu thêm về những khách hàng trung thành nhất
Các công ty nên quan tâm nhiều hơn đến những khách hàng trung thành thay vì chỉ tập trung vào việc tìm hiểu những nguyên nhân khiến khách hàng không hài lòng và bỏ đi, không dùng sản phẩm của bạn.
Doanh nghiệp nên có những khảo sát thực tế, hiểu rõ những yếu tố, giá trị cốt lõi nào khiến họ trung thành với doanh nghiệp của mình, điều gì đang làm cho họ có ấn tượng tốt nhất và phải tạo ra những “cơ chế hiệu quả” ví dụ tạo những bất ngờ thú vị cho khách trung thành khi giao dịch với công ty…
2. Điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng
Khi hiểu biết sâu sắc về những khách hàng trung thành nhất, doanh nghiệp sẽ dễ dàng phát hiện ra đâu là ưu điểm, nhược điểm trong sản phẩm, dịch vụ của mình.
Bạn sẽ nhận ra những điều còn thiếu trong dịch vụ, sản phẩm của mình so với các đối thủ cạnh tranh. Hoặc khách hàng đang có những nhu cầu chưa được đáp ứng hết nhưng họ không thể tự phát hiện ra những nhu cầu ấy…
Từ những nghiên cứu, thấu hiểu đó, bạn sẽ hướng nỗ lực đến việc làm cho sản phẩm, dịch vụ của mình đủ sức hấp dẫn những khách hàng trung thành, khiến họ cảm thấy không cần thiết phải “ngó nghiêng” chỗ khác để tìm kiếm những sản phẩm, dịch vụ bổ sung, thay thế.
Mục tiêu doanh nghiệp cần làm là điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách toàn diện hơn. Điều này sẽ giúp gia tăng sự hài lòng của khách hàng và quan hệ lâu dài hơn với doanh nghiệp của bạn.
3. Giúp khách hàng quảng bá cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp nên tạo điều kiện để khách hàng nói tốt về mình với những khách hàng khác. Bạn có thể gửi đến họ những câu chuyện thành công của doanh nghiệp trong việc giúp khách hàng có cuộc sống tốt đẹp hơn để họ kể lại cho bạn bè, người thân và khiến những người này cũng muốn giao dịch với doanh nghiệp.
Đó nên là những câu chuyện “người thật, việc thật” liên quan đến quá trình giao dịch, chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp. Khi khách hàng có những khó khăn, doanh nghiệp có thể thấu hiểu và giải quyết hỗ trợ kịp thời sẽ khiến họ bất ngờ và gắn bó hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tạo ra những diễn đàn trực tuyến để khách hàng trung thành chia sẻ những câu chuyện về sự trải nghiệm tốt đẹp của họ khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp với những khách hàng có cùng quan tâm.