Khởi nghiệpKinh doanh

4 vấn đề khiến các startup đang hừng hực khí thế nhanh chóng phải vỡ mộng

Thiếu kiến thức, làm theo cảm hứng, không chắt chiu tiết kiệm và chạy theo học thuyết của các vĩ nhân, là một số sai lầm mà các startup dễ mắc phải.

4 vấn đề khiến các startup đang hừng hực khí thế nhanh chóng phải vỡ mộng

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Đừng hừng hực nữa” của chuyên gia tư vấn và đào tạo bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.


Những thất bại gần đây xảy ra với những người bạn và học viên mà tôi biết từng có các tuyên bố hùng hồn khiến tôi không thể không suy nghĩ!

Startup là công việc rõ ràng, nhưng trào lưu ngày nay làm nó giống như một mốt ngắn ngày, kiểu như thời trang theo năm. Người ta lao vào nó, coi nó như đam mê và yên tâm say sưa với nó trong hình dung của mình vì thấy mình hợp mốt. Tuy nhiên, thực tế của startup sẽ có rất nhiều điều khác biệt:

1. Không bao giờ chúng ta có được sự chuẩn bị hoàn hảo để bắt đầu

Hầu hết startup đều ở trạng thái thiếu hụt kiến thức và kỹ năng khi bắt đầu và phải bổ khuyết sau. Họ còn thiếu cả tài chính và nhân lực hay các loại vật lực khác.

Tôi bắt đầu khi có mỗi một mình, sau đó có thêm một nhân viên kế toán kiêm nhân sự và 1 nhân viên sales học từ đầu. Còn nhiều anh em khác phải tự đi giao dịch khách hàng cả năm trời, cá biệt lên tới 3-4 năm, trước khi có nhân sự ở ngoài nhìn thấy công ty có thể có lãi và xin vào. Những người dám làm như vậy có chung nhau một điểm: Lì và liều!

2. Các bạn mới khởi nghiệp thường vì hứng khởi mà làm

Trong khi đó, vì đây là rèn luyện trong môi trường thực tế nên họ cần phải bình tĩnh mà làm mới đúng. Họ cần hiểu rằng động lực tinh thần là một yếu tố quan trọng nhưng không phải điều kiện tiên quyết. Trạng thái trung bình của chúng ta chiếm đa số thời gian chúng ta sống. Còn trạng thái phấn khích khi nhịp tim tăng gấp đôi chỉ chiếm ít hơn, và duy trì trong khoảng dưới 10% thời gian chúng ta hoạt động.

Nhưng giờ đây, do ấn tượng vì những gì sách báo kể lại và phóng đại, nhiều bạn cho rằng sáng nào trong tuần các businessman cũng thức dậy tràn trề năng lượng, khuôn mặt tươi rói trong cơ thể khỏe mạnh. Họ không biết là phần lớn doanh nhân, đặc biệt khi bắt đầu khởi nghiệp, đều trải qua thời gian mỗi buổi sáng phải cố lắm mới dậy nổi, lê xác đi làm, hoảng loạn bên trong tới mức quên cả tắm hay cạo râu. Bao giờ họ thành đạt thì lúc ấy họ mới có cái dáng vẻ thanh thản nhẹ nhàng như mọi sự đều đã nằm trong tính toán từ trước.

3. Là kinh doanh nên cần tính toán chi li, quản lý chặt chi phí

Tiết kiệm là bắt buộc, không phải đồng tiền nào bỏ ra cũng đều đem về lợi nhuận. Ngoài ra, còn cả hiện tượng đáng lo ngại là có những bạn trẻ cứ bịa ra một dự án, chưa biết nó có thực hiện được không, nhưng cứ đi vay tiền và huy động của bá tánh để đầu tư, dù hoàn toàn không biết có quản lý khoản tiền đó được không.

Về bản chất, vụ án năm 2016 của một vị đại gia từ Nga về chính là trường hợp này. Cứ vay tiền ồ ạt, đầu tư ồ ạt không cần tính toán. Rồi lỗ, vòng quay tài chính gặp vấn đề, vướng vào vòng trả lãi suất cao (có thời gian lên tới con số điên rồ là 80%/năm) thì chỉ còn cách thu của người sau trả cho người trước và sau cùng thì hết khả năng chi trả.

4. Học tập theo học thuyết của các đại gia

Không mấy ai bắt đầu làm startup mà có học thuyết của riêng mình. Chúng ta đi đọc sách của các vĩ nhân và nghe lời các vị tiểu thuyết gia chấp bút cho các vị ấy. Tác giả lý giải là Bill Gates lúc bắt đầu là đã nghĩ ngay tới chuyện đường dài, phải làm cái này, phải làm cái kia, lên kế hoạch 10, 20 năm chứ không nghĩ thiển cận.

Nhưng, đó đều là lời lý giải của các Khổng Minh “sau trận đánh”.

Phần lớn vĩ nhân chỉ chụp cơ hội và tập trung làm, tới lúc có sự nghiệp thì họ cũng có mô hình lớn của riêng mình và lúc đó hoạ may mới phác thảo ra các lý thuyết. Còn trước đó, bận làm việc chứ không ai hơi đâu đi nghĩ lý thuyết.

Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close