Chiến lượcQuản trị

7 điều cần lưu ý với chiến lược kinh doanh tăng trưởng xanh

Kết hợp mối quan tâm đến môi trường với việc tăng trưởng lợi nhuận là xu thế toàn cầu.

 

7 điều cần lưu ý với chiến lược kinh doanh tăng trưởng xanh

Trong lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới vẫn đang chăm chăm vào việc tạo ra lợi nhuận và cho rằng môi trường là một việc không liên quan, đã có những nơi kết hợp mối quan tâm đến môi trường với việc tăng trưởng lợi nhuận. Cho rằng đây sẽ là xu hướng trong tương lai, Harvard Business Review đã chỉ ra những kinh nghiệm để có thể trở thành nhà lãnh đạo quan tâm đến môi trường.

1. Tuân theo giá trị

Kiên trì và bền bỉ theo đuổi giá trị của mình, Stella McCartney đã tạo ra được sự thay đổi lớn trong ngành thời trang cao cấp.

Bà đã chứng minh sự sang trọng và bền vững không nhất thiết loại trừ nhau khi kết hợp thời trang cao cấp với giá trị môi trường. Với những khách hàng quan tâm nhiều đến vấn đề đạo đức và môi trường thì những sản phẩm gây tổn hại đến môi trường sẽ không còn được xem là sang trọng nữa.

Sự thành công của Stella McCartney đem đến các thông điệp chính. Thứ nhất, việc có lợi nhuận, thành công về mặt thương mại và xây dựng một nhãn hiệu danh tiếng trong khi có trách nhiệm về môi trường và xã hội là điều khả thi.

Thứ hai, có trách nhiệm với môi trường không nhất thiết yêu cầu thay đổi phức tạp và phát sinh thêm chi phí. Chỉ cần đi từng bước nhỏ theo đúng hướng, chứ không cần phải hoàn hảo.

2. Thể hiện lợi nhuận

Ba cách để doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận từ việc đầu tư vào môi trường bền vững là ngăn chặn rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động và nhắm đến phân khúc khách hàng quan tâm đến môi trường. Coca-Cola là thương hiệu giá trị thứ ba trên thế giới, được Interbrand định giá 81,5 tỉ USD vào năm 2014.

Sau khi có lời chỉ trích hãng nước ngọt này làm cạn kiệt và đầu độc nguồn nước địa phương, từ năm 2007 Coca-Cola đã thông báo kế hoạch đến năm 2020 sẽ cân đối tất cả lượng nước mà Công ty sử dụng trong quá trình sản xuất nước ngọt bằng cách vừa giảm lượng nước sử dụng vừa đầu tư vào các dự án nâng cao nguồn cung cấp nước sạch.

Mặc dù phần lớn người đi mua sắm vẫn chưa sẵn lòng trả thêm cho sản phẩm bền vững, một nhóm tiêu dùng ngách có ý thức bảo vệ môi trường đang phát triển mạnh. Theo một báo cáo năm 2014 của Boston Consulting Group, khoảng 2/3 tổng tăng trưởng trong ngành thực phẩm đến từ những sản phẩm tiêu dùng có trách nhiệm.

3. Xây dựng vai trò mới

Khi những công ty ngày càng nỗ lực tạo tăng trưởng bền vững, môi trường và những thứ khác thì chức danh CSO (Giám đốc Bền vững) được tạo ra để giám sát và đạt được những nỗ lực này.

Công ty tham gia vào sự bền vững theo 1 trong 3 bước là tuân thủ (compliance), hiệu quả (efficiency) và sáng tạo (innovation). Tại bước thứ ba, trách nhiệm căn bản về bền vững chuyển từ CEO sang CSO. Trách nhiệm chính của CSO là giúp phát triển một chiến thuật bền vững cũng như phác thảo lộ trình thay đổi được thực hiện như thế nào và CSO phải thường thống nhất những nền văn hóa nhỏ bên trong doanh nghiệp.

4. Giải pháp không dễ dàng

Trước khi bắt tay vào những mục tiêu tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp cần phải xác định rằng việc này không hề dễ dàng. Bởi vì tầm nhìn và hành động không phải lúc nào cũng đi chung với nhau.

Mặt khác, không thể thực hiện khi không có kế hoạch chi tiết. Nó giống như việc thực hiện một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) hay bất kỳ tổ chức nào chỉ có thể học bằng cách thử các công cụ. Nhưng trong sứ mệnh xây dựng môi trường tương lai, có rất nhiều công việc không thể thực hiện đằng sau cánh cửa đóng kín trong phòng thí nghiệm. Nó phải trải qua nhiều lĩnh vực, các dự án trực tiếp và nhiều thất bại…

5. Đừng sợ có ít người giống mình

Các “doanh nhân xanh” thường bị cho là “điên cuồng” nhưng sự “điên cuồng” này là nguồn gốc lịch sử của thế giới bền vững trong tương lai. Bài học lớn của lịch sử là tính bền vững thường rất tốn kém. Trong tất cả các ngành công nghiệp, đều có các nhà khai thác truyền thống cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hiện có với giá thấp hơn.

Xây dựng một doanh nghiệp bền vững, hoặc làm sạch một ngành công nghiệp bẩn hiện có, buộc phải giải thích cho người tiêu dùng, khách hàng và các nhà hoạch định chính sách tại sao họ nhất thiết phải trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ đã có. Các doanh nhân xanh cần bán không chỉ những thương hiệu và sản phẩm mà cả những ý tưởng của họ. Điều này rất mất thời gian và công nghệ mới phải được phát triển để thu hẹp khoảng cách về chi phí so với các sản phẩm truyền thống.

6. Thuyết phục số đông

Tại California, 80% người được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu phần lớn do con người và cần có hành động khẩn cấp và thiết thực về việc này, trong khi tỉ lệ này là 20% ở Houston và 100% ở New York. Để thuyết phục những người không cùng quan điểm, Phó giáo sư Ramana Nanda, nghiên cứu các vấn đề tài chính doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch, đưa ra 2 luận cứ: “Trước tiên, tôi chỉ ra dữ liệu cho thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa hoạt động của con người và mức độ CO2, sử dụng cực kỳ chính xác các bài đọc trong 5 thập niên qua và dữ liệu từ các lõi băng Nam Cực kéo dài hàng trăm ngàn năm. Dữ liệu cho thấy khí CO2 bắt đầu tăng lên sau cuộc cách mạng công nghiệp và vẫn tiếp tục tăng cho đến ngày hôm nay”.

“Lập luận thứ hai của tôi là ngay cả khi bạn tin rằng có 80% nguyên nhân thay đổi khí hậu không phải là con người, thì hậu quả do biến đổi khí hậu cũng khiến chúng ta phải hành động”.

7. Đối tác môi trường

Các đối thủ cạnh tranh trong ngành thời trang có thể hợp tác quản lý các nguồn lực để giảm ô nhiễm nước do quá trình sản xuất của họ gây ra. Chẳng hạn, ngành công nghiệp thịt bò có thể hợp tác về các biện pháp canh tác để giảm nạn phá rừng. Các công ty sẽ phân định rõ ràng về mối quan hệ hợp tác của họ và dưới sự giám sát của nhà đầu tư, các nhà quản lý và các chuyên gia pháp lý của riêng họ. Tương tự như các hãng hàng không hợp tác bằng cách mua chung các máy bay phản lực để giảm chi phí chung, hợp tác có cùng lợi ích nhưng không ảnh hưởng đến các mối quan hệ cạnh tranh cơ bản.

George Serafeim, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà ông tiếp xúc trong những năm qua đều thực sự muốn kinh doanh “có đạo đức”, nhưng họ cũng biết rằng có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết như triển khai công tác môi trường hay gia tăng giá trị cho các cổ đông… Giải quyết những vấn đề này là rất quan trọng nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong tương lai của các ngành mà họ tham gia.

Có 3 lý do để các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành quyết định bắt tay. Thứ nhất, thu hút các tài năng tham gia vào ngành là một lý do quan trọng để các công ty quyết định hợp tác. Ví dụ, nhiều tổ chức lớn hoạt động trong các  lĩnh vực thải nhiều carbon rất lo lắng về vấn đề này. Làm thế nào bạn có thể thu hút được những tài năng hàng đầu nếu công ty của bạn bị coi là phá hủy môi trường?

Thứ hai, các đối thủ cạnh tranh muốn tránh các quy định mới có thể làm tăng đáng kể gánh nặng cho ngành. Ngành tài chính là một ví dụ. Các ngân hàng đã từng rất sáng tạo, thực sự cung cấp dịch vụ cho khách hàng và thu hút các tài năng hàng đầu. Nhưng giờ họ đang đối mặt với hàng loạt các quy định từ cơ quan quản lý chủ yếu do họ đã hành xử sai.

Thứ ba, hợp tác có thể giúp các đối thủ trong ngành có thể giảm rủi ro “dính” vào các vụ tai tiếng lớn.

(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close