Những người tiêu cực và hay phàn nàn thường bị chìm trong vấn đề mà không thể tìm ra giải pháp. Họ muốn mọi người cũng chia sẻ cảm giác tiêu cực đó để họ có thể thấy thoải mái hơn về bản thân mình.
Mọi người thường cảm thấy áp lực khi nghe những lời phàn nàn vì họ không muốn tỏ ra khiếm nhã với người đang chia sẻ. Song, có một ranh giới giữa lắng nghe đồng cảm và mắc kẹt trong những cảm xúc đó.
Khả năng kiểm soát cảm xúc và duy trì sự bình tĩnh dưới áp lực cao có liên quan trực tiếp tới hiệu quả làm việc của bạn. Dưới đây là 10 cách những người thông minh kiểm soát các cá nhân tiêu cực trong công việc.
1. Đặt ra các giới hạn
Bạn có thể tránh được sự chịu đựng này bằng cách đặt ra các giới hạn và giữ khoảng cách khi cần thiết. Hãy nghĩ theo hướng này: nếu người phàn nàn đang hút thuốc, bạn có ngồi đó cả buổi chiều để hít luồng khói họ thở ra không? Bạn sẽ phải giữ khoảng cách trong trường hợp này.
Cách tốt nhất để không bị khiếm nhã khi đặt ra các giới hạn đó là hỏi người phàn nàn về việc họ sẽ giải quyết vấn đề như thế nào. Họ sẽ hoặc là im lặng hoặc hướng cuộc nói chuyện đến một chủ đề khác theo hướng tích cực hơn.
2. Vượt lên trên tình huống
Những người khó tính thường khiến bạn phát điên vì hành vi của họ rất vô lý. Nhưng vì sao bạn lại để bản thân phản ứng với họ một cách bức xúc và sau đó là mắc kẹt luôn vào bẫy của sự hỗn loạn?
Một người càng vô lý thì bạn càng dễ để thoát ra khỏi tình trạng đó. Hãy ngưng phản kháng lại với những người này trong cuộc chơi thế mạnh của họ. Giữ khoảng cách với cảm xúc của họ và tiếp cận như thể họ là những dự án khoa học. Bạn chỉ cần xử lý dựa trên các dữ liệu, con số, không cần quan tâm đến cảm xúc.
3. Nhận thức về cảm xúc của bản thân
Để duy trì được khoảng cách với những cá nhân tiêu cực, bạn sẽ cần một nhận thức liên tục về cảm xúc của mình. Bạn không thể ngăn một ai đó thôi làm bạn phát cáu nếu như bạn không nhận ra bạn đang bị họ trêu chọc. Đôi khi, bạn sẽ thấy mình ở trong các tình cảnh cần phải chọn hướng đi khác. Điều này là bình thường và bạn không nên ngại về điều đó.
Hãy nghĩ về nó theo hướng này: nếu một người có tâm lý không ổn định tiếp cận bạn trên phố và nói bạn họ là tổng thống Mỹ, bạn sẽ không ngại ngần phớt lờ họ đi. Khi bạn thấy bản thân với đồng nghiệp đang có những quan điểm khác biệt, đôi khi bạn chỉ cần mỉm cười và bỏ qua.
Nếu như bạn cần phải làm việc trực tiếp với cá nhân này, thì việc dành chút thời gian cho bản thân tĩnh tâm lên kế hoạch ứng xử phù hợp sẽ tốt hơn là tranh cãi ngay lúc ấy.
4. Xác định “chiến trường”
Đây là phần đa số mọi người không làm được. Khi làm việc hoặc sống cùng người khác, nhiều người không thể kiểm soát được sự hỗn loạn trong chính họ.
Một khi bạn có thể thiết lập được phong cách vượt lên trên mọi việc, bạn sẽ bắt đầu thấy rằng các hành vi của đối phương dễ đoán và dễ hiểu hơn. Điều này sẽ giúp bạn xác định được khi nào và ở đâu bạn nên đối đầu trực diện với vấn đề, khi nào thì không nên.
5. Không hy sinh trong một cuộc chiến
Những người thông minh sẽ hiểu tầm quan trọng của việc sống sót qua các cuộc tranh cãi mỗi ngày, đặc biệt khi đối thủ là một người tiêu cực.
Ngược lại, những cảm xúc không được kiểm soát tốt sẽ đưa bạn đến những cuộc tranh cãi có thể gây tổn thương lớn. Khi bạn đọc vị các cảm xúc bên trong, bạn sẽ có thể chọn “chiến trường” một cách thông thái và chỉ xuất hiện khi thời điểm phù hợp.
6. Chỉ tập trung vào giải pháp
Nơi bạn tập trung sự chú ý sẽ xác định mức độ cảm xúc của bạn. Khi bạn để tâm vào vấn đề đang phải đối diện, bạn sẽ tạo ra và kéo dài cảm xúc tiêu cực, căng thẳng nơi bản thân. Khi bạn tập trung vào hành động để cải thiện tình trạng, bạn sẽ tạo ra cảm xúc tích cực và giảm căng thẳng.
Đặt vào bối cảnh với một người phức tạp, việc tập trung vào mức độ hỗn loạn và khó khăn do họ tạo ra sẽ làm họ lấn át bạn. Vì vậy, bạn cần ngưng suy nghĩ về việc người đối diện phiền phức ra sao, và chỉ tập trung vào việc bạn sẽ kiểm soát tình hình như thế nào. Điều này sẽ giúp ích trong việc trấn tĩnh bản thân và giảm bớt sự căng thẳng mỗi khi bạn đối diện họ.
7. Không lãng quên
Những người có trí thông minh cảm xúc thường dễ tha thứ, nhưng không có nghĩa là họ quên lãng sự việc. Tha thứ là buông bỏ những việc đã xảy ra để bản thân tiếp tục bước tới. Điều này không đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho người làm sai tiếp tục hành động không tốt.
Những người thông minh có thể nhanh chóng bỏ qua những sai lầm của người khác nhưng cũng sẽ tỉnh táo phân tích tình hình để tránh những rủi ro có thể lặp lại trong tương lai.
8. Từ chối những cảm xúc tiêu cực
Đôi khi bạn hấp thu sự tiêu cực từ người khác. Cảm xúc này không có gì sai. Song bạn cần nhớ, những lúc tiêu cực, tiếng nói bên trong bạn có thể tiếp tục nhân cảm xúc khó chịu lên hoặc đưa bạn vượt qua cảm xúc đó. Điều bạn cần là nhận ra những đối thoại nội tâm tiêu cực là không cần thiết. Để không tự làm mình tổn thương, bạn nên tránh những cuộc trò chuyện nguy hiểm này.
9. Đi ngủ
Ngủ là một trong những cách rất tốt để bạn cân bằng cảm xúc và thư giãn. Khi bạn ngủ, não sẽ ở chế độ sạc năng lượng nên khi tỉnh dậy bạn sẽ suy nghĩ tốt hơn. Sự tự kiểm soát, chú ý và cả trí nhớ của bạn sẽ tụt giảm nếu bạn không ngủ đủ giấc. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp bạn tích cực, sáng tạo và chủ động hơn trong các lần ứng phó với người tiêu cực sau đó.
10. Nhờ viện trợ
Đôi khi xử lý mọi thứ một mình sẽ không hiệu quả. Để ứng phó với những cá nhân tiêu cực, bạn cần nhận diện được điểm yếu của bạn khi tiếp cận họ. Mỗi người đều có một vài đồng nghiệp hoặc bạn thân có thể giúp bạn suy nghĩ sáng suốt trong những tình huống khó khăn. Hãy tìm đến họ khi bạn cần giúp đỡ.
Đôi khi, một cách diễn giải vấn đề đơn giản lại giúp bạn nhìn rõ mọi việc. Đa số mọi người có thể nhìn vấn đề rõ hơn bạn vì họ không bị cảm xúc chi phối.
LÂM NGHI (theo Entrepreneur)